Xu hướng web3: Con sóng ngầm âm ỉ trong lòng Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
06/08/2022 17:22:33

Bất chấp lệnh cấm toàn diện tiền điện tử của Bắc Kinh, không gian web3 tại quốc gia tỷ dân vẫn là lĩnh vực hấp dẫn với nhiều sinh viên mới ra trường, những người đang khao khát tìm kiếm ‘mỏ vàng’ kỹ thuật số đầu tiên.

Web3 là một ý tưởng tiếp nối cho World Wide Web, kết hợp các khái niệm như phân quyền và cấu trúc kinh tế dựa trên mã thông báo. Điều này có thể thực hiện thông qua công nghệ blockchain sử dụng sổ cái mở và tiền mã hoá.


“Sóng ở đáy sông”

Không thể phủ nhận dấu ấn của các doanh nhân web3 Trung Quốc trên toàn thế giới, từ việc cung cấp những sản phẩm tiền điện tử phái sinh cho đến trò chơi NFT. Thế nhưng hoạt động phát triển web3 tại quốc gia này lại như “con sóng ngầm” khi phần lớn các nhà phát triển không muốn thu hút sự chú ý do chưa có hành lang pháp lý cụ thể, hoặc đơn giản chỉ là không muốn bị gắn mác “Trung Quốc”.

Charlie Dai, chuyên gia phân tích của Forrester cho rằng, các công nghệ blockchain ở Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng và được sử dụng rộng rãi nhưng chúng “không được coi là web3”.

Những năm qua, nhiều công ty khởi nghiệp web3 của Trung Quốc đã chuyển trụ sở ra bên ngoài trước sự trấn áp mạnh mẽ của chính phủ với lĩnh vực tiền mã hoá, nhưng điều này không có nghĩa họ cam tâm từ bỏ hoàn toàn thị trường hơn 1 tỷ dân.

Thay vào đó, họ sử dụng chiến thuật được nhiều thế hệ doanh nghiệp công nghệ đi trước chứng minh sự hiệu quả: đặt trụ sở ở nước ngoài, duy trì một số hoạt động ở trong nước và chinh phục thị trường quốc tế.

Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ban đầu của ngành công nghiệp blockchain, sản sinh ra một thế hệ tài năng rất am hiểu về tiền điện tử. Một số sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới hiện nay như Binance, FTX, Crypto.com hay Huobi đều xuất phát điểm từ nền kinh tế số 2 thế giới.

Michael, một sinh viên năm 3 tại Trung Quốc, cho biết cậu đang điều hành một nhóm thảo luận về web3. Nhóm thường họp vào mỗi tối Chủ nhật và các thành viên sử dụng Twitter Spaces để trò chuyện. Họ thảo luận về các phân tích kỹ thuật, xu hướng ngành, những dự án web3 phổ biến hoặc thuyết trình về một số ý tưởng kinh doanh mới.

Những nhóm web3 như trên không hề hiếm tại quốc gia này. Rất nhiều người trong độ tuổi 20 tại Trung Quốc đã có trải nghiệm với crypto và tích luỹ kinh nghiệm bằng đầu tư NFT. Họ sử dụng các công cụ DeFi (tài chính phi tập trung) và tham gia vào các dự án GameFi kết hợp giữa trò chơi và một số yếu tố của DeFi.

Với những người như Michael và thành viên trong nhóm chat, “kỷ nguyên di động đã đem tới thành công cho những người đang ở độ tuổi 40 hoặc 50, do đó cơ hội nghề nghiệp và sự giàu có với thế hệ của họ đều nằm trong web3”.


Ứng dụng web3 mang ‘nét đặc sắc Trung Hoa’

Rõ ràng Trung Quốc không muốn bị bỏ lỡ con sóng định hình tương lai của Internet. Từ năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh vai trò của blochain trong cuộc cách mạng công nghệ với đất nước. Dù vậy, điều mà Bắc Kinh không muốn, là những cú sụp đổ của thị trường tiền mã hoá thời gian gần đây tác động tới nền kinh tế của họ.

Do đó, chính phủ nước này khuyến khích phiên bản web3 có thể kiểm soát hay quản lý bởi các tổ chức có thể tin tưởng được thay vì những chiếc máy tính ẩn danh trên web mở và ứng dụng tiến bộ vào trong những lĩnh vực mà Bắc Kinh có thể thấy rõ.

Trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14, lần đầu tiên chính quyền thành phố Thượng Hải đã đưa web3 trở thành một nội dung trong văn kiện. Theo đó, “các công nghệ web3 chủ chốt” sẽ nằm trong nỗ lực của thành phố nhằm cải thiện “cơ sở hạ tầng thông minh”.

Các ứng dụng của những công nghệ này đã xuất hiện trong giao thức xác thực phi tập trung OpenID, hệ thống tên miền phi tập trung và thông tin liên lạc mã hoá đầu cuối.

Trong khi đó, động thái cứng rắn của chính phủ với giới công nghệ cũng như chính sách zero Covid khiến những công ty công nghệ tại đây chọn tiếp cận khái niệm mới với sự cẩn trọng cao độ.

Chẳng hạn, Tencent đã tạm ngừng các tài khoản WeChat mà họ nghi ngờ đang quảng bá NFT và đưa ra thông báo cấm người dùng thảo luận về tiền mã hoá trên nền tảng. Tuy nhiên, cả Tencent và Baidu đều đang thử nghiệm các bộ sưu tập kỹ thuật số trên blockchain của riêng họ. Điểm khác biệt là các bộ NFT này không có thị trường thứ cấp giống như sản phẩm được đúc bên ngoài Trung Quốc.

Trong khi đó, tập đoàn Ant Group cũng đưa ra một loạt ứng dụng blockchain như phục vụ công tác xác minh bằng chứng tại toà hay theo dõi chuỗi cung ứng thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.

Một số người có thể lập luận rằng việc thiếu vắng tiền mã hoá, với tính năng lưu trữ giá trị sẽ khiến web3 không thể phát huy hết tiềm năng tại Trung Quốc. Song Bắc Kinh cũng không hề thiếu kinh nghiệm trong việc “tuỳ chỉnh” những xu hướng mới để phục vụ tối đa lợi ích của họ.


Vinh Ngô

Chia sẻ Facebook