Xu hướng tuyển dụng nhân sự trong quý 2/2022

Chia sẻ Facebook
28/04/2022 19:39:52

Navigos Group vừa công bố thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam và dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý 2/2022.

Xu hướng tuyển dụng nhân sự biết tiếng Trung tăng cao trong mảng sản xuất

Xu hướng tuyển dụng nhân sự biết tiếng Trung đã bắt đầu phát triển từ cuối năm 2021. Đến hết quý I năm 2022, xu hướng này vẫn đang nóng hổi và dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Cụ thể, nhu cầu về nhân sự tiếng Trung thường tập trung ở các khu công nghiệp (KCN) phát triển. Đối với các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) như Bắc Ninh, Bắc Giang, hay các khu vực gần KCN lớn, doanh nghiệp sẽ tiếp cận đươc với khối lượng lao động lớn, nhưng bị cạnh tranh gay gắt về chế độ, thời gian làm việc. Còn đối với các doanh nghiệp sẵn sàng đi tới các khu vực xa hơn (Phú Thọ, Quảng Ninh…) thì doanh nghiệp sẽ ít bị cạnh tranh hơn trong việc tuyển dụng lao động phổ thông. Tuy nhiên doanh nghiệp lại có khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng và trình độ cao. Bên cạnh đó, một số khu vực tiêu biểu có thể kể đến như Phú Thọ, Tuyên Quang là các tỉnh thành đang phát triển trong lĩnh vực điện tử cũng rất "khát" nhân sự biết tiếng Trung.

Thiếu ứng viên người Việt cho các công việc đòi hỏi chuyên môn sâu, doanh nghiệp ngành may mặc cần tuyển các ứng viên từ châu Á

Ngay sau ngày 15/3/2022, khi Việt Nam mở cửa lại các đường bay quốc tế và miễn thị thực cho nhiều quốc gia, đã có rất nhiều chuyến bay từ các công ty nước ngoài sang Việt Nam để thực hiện khảo sát, tìm hiểu cho việc đầu tư tại Việt Nam. Theo chia sẻ từ các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn là điểm đến đáng quan tâm trong khu vực ASEAN và châu Á nơi họ có thể đa dạng hóa khu vực sản xuất, giảm thiểu rủi ro, tăng cường chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Việt Nam còn là thị trường lao động tiềm năng nơi họ đánh giá lực lượng lao động có kỹ năng tốt, học hỏi nhanh với giá nhân công hợp lý.

Hình minh họa.

Trong ngành may mặc, các ứng viên từ các quốc gia châu Á khác như Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan… khá quan tâm tới các cơ hội làm việc tại Việt Nam, nơi họ có thể nhận được cơ hội lương thưởng cạnh tranh và giúp họ có thêm kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài. Cũng trong ngành May mặc, những vị trí chuyên sâu kỹ thuật như phát triển mẫu, kỹ thuật may, cải tiến, kiểm tra chất lượng… vẫn là những vị trí khó tìm ứng viên nhất. Các công ty rất nỗ lực trong việc giữ chân người lao động đặc biệt ở những vị trí này bằng chính sách lương thưởng cạnh tranh và tạo thuận lợi cho họ khi làm việc. Trường hợp không tìm được ứng viên người Việt, một số công ty mở rộng tìm kiếm ứng viên người nước ngoài cho những vị trí này. Các ứng viên người nước ngoài có kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, am hiểu văn hóa và con người Việt Nam cũng là một điểm thuận lợi giúp họ được tuyển dụng trong lĩnh vực này.

Khó tìm ứng viên là nhân sự cấp cao và chuyên gia trong ngành ô tô điện

Ngành ô tô tại Việt Nam đang có một số dự án đầu tư mới bắt nguồn từ sự dịch chuyển dây chuyền hoặc chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Quan sát của Navigos Search cho thấy, nhân sự cấp cao hoặc chuyên gia trong ngành pin ô tô điện đang đặc biệt thiếu do đây là một ngành đang được các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng nhà máy mới trên toàn cầu.

Doanh nghiệp trong mảng du lịch - khách sạn tăng nhu cầu tuyển dụng các vị trí lãnh đạo cấp cao người nước ngoài

Theo quan sát của Navigos Search, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn đã quay lại tuyển dụng các vị trí quản lý cấp cao Tổng Giám đốc, Tổng Quản lý, các Trưởng Bộ phận trong khách sạn và khu nghỉ dưỡng là các ứng viên người nước ngoài. Các dự án khách sạn nghỉ dưỡng hồi phục nên nhu cầu về nhân sự cấp cao ở các mảng xây dựng và vận hành cũng sẽ phát triển mạnh. Dự báo nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài cho các vị trí quản lý sẽ phát sinh nhiều hơn trong mảng này. Bên cạnh đó, một làn sóng các ứng viên người Việt đã quay lại thị trường sau thời gian ngành bị "đóng băng" do đại dịch COVID-19.

Chia sẻ Facebook