Xu hướng tổ chức triển lãm tại Việt Nam ngày càng nhiều: Liệu có đúng không khi cầm cọ vẽ tranh là có thể làm được triển lãm!?
Xu hướng tổ chức triển lãm tại Việt Nam ngày càng nhiều: Liệu có đúng không khi cầm cọ vẽ tranh là có thể làm được triển lãm!?
Ảnh minh họa.
TRIỂN LÃM - HÌNH THỨC GIẢI TRÍ ĐẦY VĂN MINH CỦA THẾ HỆ GENZ NGÀY NAY
Ngoài những hoạt động quen thuộc như xem phim, mua sắm, cà phê,... thì dễ dàng nhận thấy trong vài năm gần đây, giới trẻ Việt còn dành nhiều thời gian cho các hoạt động mang tính nghệ thuật, hay cụ thể hơn ở đây mà chúng tôi muốn nói đó chính là các buổi triển lãm.
Nếu nhìn lại giai đoạn những năm 2014 trở về trước, "triển lãm" vẫn còn là một cái gì đó nghe khá "trừu tượng" đối với khán giả trẻ. Với thế hệ GenY lúc bấy giờ, triển lãm là hoạt động chỉ dành cho những người có tiền, có kiến thức, hoặc chí ít là am hiểu về nghệ thuật - hội họa mới đủ "khả năng thẩm thấu" mà bước vào. Chưa kể, các buổi triển lãm lúc bấy giờ không nhiều màu sắc, khiến người tham gia trở nên xa cách và nhàm chán - đó chính là những giới hạn hay cũng có thể xem là một dạng "rào cản" để các hoạt động nghệ thuật văn minh này đến gần hơn với công chúng lẫn cộng đồng.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên thời thế ngày một thay đổi. Vào những năm 2016, 2017,... "triển lãm" dần xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là tại TP.HCM khi các phòng tranh dần mở rộng cùng các hoạt động mang tính cộng đồng ngày một đa dạng, nên không chỉ là các họa sĩ, người nổi tiếng, chuyên gia,... mới mở triển lãm mà nhiều tổ chức, cá nhân khác cũng loa tỏa theo. Từ đó, triển lãm đã trở nên gần gũi hơn và là một trong những nhu cầu "thưởng thức" hay giải trí đầy màu sắc cho thế hệ GenZ hiện nay với trên dưới 1.000 buổi mỗi năm (theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Nhưng... cái gì cũng có hai mặt của nó.
"Giờ hình như ai cũng mở được triển lãm?"
"Ê, không hiểu cái này mở ra nói tới cái gì luôn!"
"Triển lãm hay tổ chức văn nghệ mà "lố" vậy?"
... Là những bình luận rất dễ tìm thấy tại một số các buổi triển lãm hay trưng bày nghệ thuật hiện nay. Hay gần đây nhất là triển lãm của một nam Influencer được rất nhiều người trẻ follow cũng tổ chức triển lãm tranh tại TP.HCM và mới đây là Hà Nội đã nhận không ít sự tranh luận rằng "tranh không có chiều sâu, vẽ không có kỹ thuật" , hay nhiều nhất là các ý kiến cho rằng "tác giả muốn làm buổi triển lãm có dấu ấn cá nhân hơn nên cảm giác bị quá đà, nhìn giống studio chụp ảnh hơn là phòng tranh"...
Chính vì vậy mà chúng tôi đã có cuộc chia sẻ với hai nhân vật có nhiều năm kinh nghiệm trong hội họa và tổ chức các buổi triển lãm để nêu rõ quan điểm về việc tổ chức triển lãm.
1. Họa sĩ Bảo Nguyễn (Nguyễn Ngọc Gia Bảo): là họa sĩ chuyên nghiệp được đào tạo chính quy và làm việc trong ngành hội họa hơn 10 năm. Những bức tranh anh Bảo Nguyễn là tranh Acrylic trên canvas, tranh lụa và dòng tranh Digital in độc bản. Giá trị mỗi tác phẩm của anh rơi khoảng tầm $3.000 - $25.000.
2. Anh Huỳnh Nhật Tâm hiện đang làm tư vấn thiết kế tại Paris. Anh tốt nghiệp Thạc Sỹ chuyên ngành Nghệ thuật và Truyền thông kỹ thuật số tại trường Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne năm 2016. Anh từng có kinh nghiệm cùng bạn bè tổ chức các buổi triển lãm tại nước ngoài.
XU HƯỚNG TRIỂN LÃM KHÔNG NẰM Ở QUY MÔ, NGƯỜI NGHỆ SĨ CẦN PHÂN BIỆT RÕ RÀNG NGHỆ THUẬT
Các kiểu triển lãm nghệ thuật trên thực tế thường lập lại và đã được định hình sẵn. Bạn sẽ có show triển lãm của phòng trưng bày tư nhân quy mô từ rất nhỏ cho đến rất lớn, triển lãm bảo tàng, triển lãm hội chợ nghệ thuật và cuối cùng là triển lãm lưỡng niên (biennale) cho đến ngũ niên (documentaa) ở cấp độ quốc tế.
"Ở Thái Lan, hiện tại đã có đến 3 triển lãm lưỡng niên 2 năm 1 lần rất chất lượng và quy tụ rất nhiều nghệ sĩ và tác phẩm nổi tiếng được đưa đến Thái. Cho nên nếu chỉ nói về xu hướng triển lãm trên quy mô tôi nghĩ nó khá là hẹp và không giúp những người quan tâm hiểu được hết về sự quan trọng về các cấp độ triển lãm như nêu trên. Để cho dễ hình dung, chỉ tính riêng Paris, có tới 130 bảo tàng nghệ thuật và không nghệ thuật cùng với 200 phòng trưng bày nghệ thuật. Con số phải nói là kinh khủng về mặt tiêu thụ văn hoá. Dĩ nhiên ưu tiên tối quan trọng là những người tổ chức phải đưa được nghệ sĩ đến gần nhất công chúng có thể".
Khi được hỏi có biết về triển lãm của Quang Đại gây tranh cãi khi tổ chức hết triển lãm từ TP.HCM đến Hà Nội, hai nhân vật cũng có những ý kiến về trường hợp trên.
Một số hình ảnh trong buổi triển lãm của Quang Đại.
Huỳnh Nhật Tâm: "Mong rằng những triển lãm tiếp theo Quang Đại nên phân biệt rõ ràng nghệ thuật và giảm bớt lạm dụng truyền thông...."
"Một quy tắc của tôi khi để cập hay bình luận đến một triển lãm nào đó, là: không phê bình tác phẩm khi không xem trực tiếp. Trong khuôn khổ của bài phỏng vấn, tôi sẽ chỉ đưa ý kiến về hành động và cách tiếp cận nghệ thuật của Quang Đại".
Theo như anh chia sẻ, anh biết đến Quang Đại là một người trong ngành giải trí với những câu nói ngôn tình và hình ảnh lãng mạn. Anh đã chia sẻ như sau:
"Đầu tiên, việc anh triển lãm hay vẽ tranh không hề sai nhưng có những vấn đề trong cách anh tư duy cũng như thực hành. Như nói trên, khi vẽ anh trung thành với hình ảnh anh truyền thông nên chúng ta dễ dàng thấy kết quả.
Điều thứ hai, anh có sức hút và anh hiểu điều đó nên anh tiếp cận nghệ thuật theo cách tận dụng hết công suất theo kiểu tích cực mà người ta hay truyền nhau “hãy theo đuổi đam mê” nhưng trong nghệ thuật điều đó không phải tiên quyết. Tiếp theo, anh tạo sản phẩm và truyền thông hoá các sản phẩm của mình một cách mù quáng mà tôi cho rằng rất gây khó chịu cho nhiều người.
Theo tôi, việc thực hành Quang Đại vẫn chỉ nằm ở mức sản phẩm truyền thông và cách tiếp cận vẫn còn vội vàng, cũng như quá ngây thơ.
Thứ ba, vấn đề cũng đến từ cả một hệ thống giáo dục và tổ chức nghệ thuật của cả nước. Chúng ta đang thiếu những triển lãm giúp những người đam mê nghệ thuật tiếp cận những tác phẩm chất lượng không chỉ của những nghệ sĩ có chất lượng mà của cả những tên tuổi lớn quan trọng trong khi nhu cầu là rất lớn. Ví dụ khi so sánh với các nước láng giềng như Thái Lan, Indo hay Mã Lai, họ đã có rất nhiều show, hội chợ và gallery rất chất lượng.
Anh Huỳnh Nhật Tâm
Nếu các bảo tàng là trái tim văn hoá của một địa phương thì các gallery như mạch máu sống hỗ trợ các tác phẩm cho các bảo tàng. Hệ thống này chưa tồn tại rõ ràng ở nước ta nên các gallery hay bảo tàng nước ta vẫn hoạt động như một công ty cho thuê chỗ mà ai cũng có thể chi tiền để làm triển lãm thay vì để các giám tuyển “lọc” nghệ sĩ. Tôi cho rằng các bên đang phối hợp với Quang Đại thông qua quan hệ cũng như dưới hình thức đối tác truyền thông. Từ đó Quang Đại cũng tận dụng sự “dễ dãi” để làm tour cho các tranh của mình trong khi anh có thể kết thúc rất êm đềm từ triển lãm ở Sài Gòn. Đây có thể là những điều đã được dàn xếp trước của ekip của Quang Đại và tôi nghĩ cũng có khá nhiều tác phẩm ở Hà Nội được làm phút “cuối giờ”. Sau đó là một cuộc oanh tạc, từ story cho đến truyền thông và dĩ nhiên hình ảnh không tập trung vào hoàn toàn tác phẩm của mình.
Việc làm tour cho các tác phẩm không mới, có thể kể đến nghệ sĩ lừng danh Anselm Kiefer đang làm 3 đến 4 tour triển lãm cùng lúc tại các thành phố lớn ở châu Âu từ Paris cho đến Venice Biennale trong năm nay. Nhưng ông đã dành rất nhiều năm để thực hiện serie triển lãm quy mô và mỗi triển lãm sẽ có chủ đề hoàn toàn khác nhau.
Quang Đại không phải “nghệ sĩ tạo hình” duy nhất tận dụng truyền thông để quảng bá cho tranh của mình. Nhưng với những người tôi biết, họ không tiến được xa trong lĩnh vực nghệ thuật cần rất nhiều thời gian để ngắm và ngẫm. Đồng thời, có rất nhiều nghệ sĩ tạo hình thành công mà không cần truyền thông hóa sản phẩm của mình. Mong rằng những triển lãm tiếp theo Quang Đại nên phân biệt rõ ràng nghệ thuật và giảm bớt lạm dụng truyền thông."
"Tôi thấy cái Đại nên cần là tiếp thu một số đóng góp ý kiến từ những người có chuyên môn để kỹ năng thể hiện có thể tốt hơn trong tương lai..."
"Thông thường bất cứ cuộc triển lãm nào cũng có 2 luồng ý kiến, nhận xét về tác giả, tác phẩm, sự đồng tình và không đồng tình. Chúng được nhận xét từ những người có chuyên môn và cả những người ngoài ngành nhưng có niềm đam mê với nghệ thuật nói chung cũng như mỹ thuật nói riêng.
Anh Bảo Nguyễn.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, là một hoạ sĩ được đào tạo chính quy và làm việc về chuyên ngành hội hoạ trong hơn 10 năm, khách quan tôi thấy Đại là người có sự yêu thích nhất định với hội hoạ, điển hình là có 2 cuộc triển lãm đã diễn ra ở TP.HCM và hiện đang tổ chức tại Hà Nội, xét về khâu tổ chức tôi thấy Đại làm khá chỉnh chu về khâu PR những sản phẩm của mình để đưa chúng đến với công chúng, nhưng nếu xét về chất lượng sản phẩm tôi thấy vẫn còn khá nhiều điều bất cập."
MỘT TRIỂN LÃM THẬT SỰ CẦN NHỮNG GÌ?
Họa sĩ Bảo Nguyễn.
"Cái cần đầu tiên chính là bạn phải có tác phẩm trước đã, khi có tác phẩm rồi thì chúng ta sẽ tính đến những yếu tố khác như điạ điểm, khách hàng, nhà sưu tập... Yếu tố quan trọng nhất và mấu chốt cho cuộc triển lãm thành công hay không chính là chất lượng tác phẩm. Một cuộc triển lãm với những tác phẩm cẩu thả sẽ khiến người xem khó chịu, khi thực khách đến dùng món ăn tinh thần ấy mà nó quá cẩu thả, hời hợt thì liệu những khách hàng có quay lại những lần tiếp theo".
: "Có rất nhiều thứ bạn cần làm khi tổ chức triển lãm là phải nắm bắt rõ nơi tổ chức. Trên khía cạnh người tổ chức không chỉ riêng nghệ sĩ, triển lãm những tác phẩm không chỉ việc treo một đống tranh ngổn ngang là xong. Bản thân tổng thể triển lãm là 1 bức tranh hoàn toàn mới, 1 câu chuyện mới cho triển lãm để người xem có thể dễ dàng nắm bắt cái hồn của người nghệ sĩ qua từng tác phẩm.
Nếu nghiêm túc làm triển lãm hãy tìm những người có khả năng đánh giá tác phẩm của mình, nhà phê bình, nhà môi giới trong hoặc ngoài nước, giúp bản thân mình nhận ra khả năng thật sự."
Anh Huỳnh Nhật Tâm.
"Những người môi giới (gallerist), họ sẽ cùng đội ngũ của mình đánh giá về thẩm mỹ thuật của nghệ sĩ rồi mới quyết định cộng tác. Họ cũng sẽ làm việc với các nhà phê bình, giám tuyển để giúp nghệ sĩ tiềm năng phát triển, định hướng tác phẩm để đến người xem bằng chất lượng tốt nhất."
AI CŨNG CÓ THỂ LÀM TRIỂN LÃM NHƯNG KHÔNG PHẢI AI CŨNG ĐÃ ĐỦ SẴN SÀNG...
"Bạn vẽ thật nhiều không có nghĩa là bạn bắt buộc phải triển lãm còn nếu bỏ tiền chỉ để triển lãm cho thấy “ta đây cũng vẽ vời” vui vẻ thì không nên làm truyền thông như một kiểu phong cách sống “giàu mới”. Điều tối quan trọng nhất vẫn là “biết người biết ta” hoặc ít nhất phải biết cách truyền tải thông điệp nghệ thuật của mình khiến người xem phải ngắm và nghĩ."
Anh Tâm thường xuyên tham gia vào khẩu tổ chức các buổi triển lãm ở nước ngoài.
Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam nhiều nghệ sĩ/người nổi tiếng cũng tay ngang sang tổ chức triển lãm. Không thiếu những ngôi sao hạng A trong lĩnh vực giải trí họ ngẫu hứng sáng tác tranh, họ xem đó là cách thể hiện tâm hồn, nội tâm của họ, hoặc đơn thuần là họ thấy thích thú và vô cùng thư giãn khi họ cầm cọ lên vẽ, có thể ko chuyên nghiệp như hoạ sĩ, nhưng đó là cảm xúc của họ, họ đưa lên tranh và cũng không ít người đã lấy những bức tranh đó để tổ chức triển lãm. Không thể phủ nhận rằng có nhiều người thành công nhưng cũng có nhiều người để lại tranh cãi lớn vì là người có sức ảnh hưởng nên được công chúng quan tâm, anh Bảo Nguyễn chia sẻ:
"Ngành này nó có đặc thù riêng không phải như showbiz, nếu bạn áp dụng bài toán đó vào đây thì có thể bạn sẽ được nhiều người biết đấy nhưng nó chỉ dừng ở một điểm nhất định và khó đi xa được, vì làm gì cũng cần có môi trường tiêu thụ, nếu bạn vẫn cố chấp và không quan tâm, thị trường tiêu thụ không có thì cũng rất khó sống được với nghề. Vì suy cho cùng đây cũng là một môi trường kinh doanh, kinh doanh nghệ thuật, chất lượng tác phẩm vẫn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định bạn tồn tại được với ngành này được bao lâu".
"Có thể mở 1 buổi triển lãm nhỏ như 1 bữa tiệc gia đình mang tính chất riêng tư, giới hạn số lượng khách mời, chỉ để khoe thành quả là những bức tranh của họ, nó không quá public vì trên hết họ biết bất cứ ngành nghề nào cũng phải có sự đầu tư nghiêm túc và chuyên nghiệp. Bạn có thể tay ngang, bạn có thể mở triển lãm, nhưng hãy làm 1 triển lãm thật sự có chất lượng về tác phẩm lẫn nội dung, để mang những giá trị đẹp, bữa ăn tinh thần đến người xem. Nếu không đủ những yếu đó đó thì hãy làm những buổi triển lãm mang tính chất riêng tư có giới hạn người xem, nó sẽ rất hay nếu bạn biết cách thực hiện".
"NGHỆ SĨ DÙNG NGHỆ THUẬT ĐỂ MỜI MỌI NGƯỜI VÀO THẾ GIỚI CỦA HỌ"
Một tác phẩm muốn nói có chiều sâu, nội dung thì trước hết nó phải đáp ứng được yếu tố đầu tiên chính là phần “nhìn”, nó phải khiến người xem đứng lại, ngắm nghía tác phẩm ấy, khi nó thực sự đẹp, hay thì người xem mới có thể trải lòng, phân tích nội dung tác phẩm, những câu chuyện mà tác giả muốn truyền tải trong tranh. Một tác phẩm thật sự đẹp, hay thì thường tác giả sẽ không nói gì, giải thích gì, vì mọi thứ đã được truyền tải vào tranh, lúc đó ngôn ngữ tạo hình nó sẽ kể câu chuyện của nó, nhiều người hay gọi đó là "cái tôi" của tác giả.
"Nghệ sĩ dùng nghệ thuật để mời mọi người vào thế giới của họ. Mỗi người trong chúng ta ai cũng có cái tôi và khi mỗi cái tôi chạm nhau, hoặc là chúng đồng điệu hoặc chúng xung khắc.
“Cái tôi” nếu nhìn rộng ra có thể thấy cũng giống như sự phát triển của một con người. “Cái tôi” mỗi người nghệ sĩ có thể như một đứa trẻ từ những triển lãm đầu và sẽ trưởng thành cho đến những triển lãm sau. Thành công hay sự trưởng thành của những “cái tôi” nghệ sĩ ngoài kỹ thuật nghệ thuật rèn luyện chăm chỉ, tôi nghĩ cũng giống như những thiền sư phụ thuộc nhiều vào việc họ nuôi dưỡng, tu luyện và thành thật với “cái tôi” đó đến mức nào".
Theo Thu Phương