Xu hướng làm việc khi mặt trời lặn thay vì làm hành chính truyền thống

Chia sẻ Facebook
11/07/2023 15:11:49

Nhiều Gen Z lý giải ban đêm yên tĩnh, không bị người khác làm phiền nên khả năng tập trung và năng suất cho công việc cao hơn. Vì vậy các bạn rất thích làm việc khi mặt trời lặn.

Từ trước đến nay, đồng hồ sinh học của một người trưởng thành sẽ bắt đầu từ 9 giờ sáng, kết thúc vào 17 giờ chiều và sau 18 giờ là khoảng thời gian nghỉ ngơi dành cho bản thân và gia đình. Thế nhưng hiện nay, hiện nay, xu hướng hoạt động về đêm ở giới trẻ ngày càng phổ biến. Các bạn trẻ dành ra khoảng thời gian mà thế hệ trước dùng cho nghỉ ngơi thư giãn để làm việc và cảm thấy tràn đầy sức sống hơn hẳn khi mặt Trời lặn.

Người trẻ thích làm việc khi mặt trời lặn. (Ảnh: Baidu)


Sống lệch múi giờ

Adobe Document Cloud đã tiến hành cuộc khảo sát với hơn 5.500 người lao động trên toàn cầu, bao gồm Vương quốc Anh, Mỹ và Nhật Bản để tìm ra thời điểm các nhóm tuổi khác nhau làm việc hiệu quả nhất. Sau cuộc khảo sát, các chuyên gia phát hiện ra rằng nhiều Gen Z và Gen Y (những người sinh năm 1980 đến năm 2012) bắt đầu ngày mới sau 18h.

Chỉ 6% thế hệ Baby Boomers (sinh trước năm 1964) nói có khả năng tập trung cho công việc từ 18h đến 3h sáng hôm sau, trong khi Gen Z là 26%, Gen Y là 18% và Gen X là 13%.

Làm việc về đêm dần trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. (Ảnh: Baidu)


Nhiều bạn trẻ lý giải với Cột sống Gen Z rằng thói quen làm việc vào ban đêm sẽ cho hiệu quả công việc cao hơn. Nam Anh (20 tuổi) hiện đang là sinh viên và cũng nhận một công việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm. Nam Anh cho hay phải đến trường khoảng 3-4 buổi mỗi tuần, còn lại cậu bạn sẽ đi làm thêm. Công việc khá tự do, không nhất thiết phải đến văn phòng nên một ngày làm việc của Nam Anh sẽ bắt đầu từ 17h chiều - khi mọi người đang hối hả tan làm.

Gen Z lý giải làm việc ban đêm sẽ cho năng suất công việc cao hơn. (Ảnh: CNN)


Nam Anh khá yêu thích khoảng thời gian này, bởi đây là lúc bản thân tỉnh táo nhất, ngồi trong phòng làm việc không kẹt xe, tránh khói bụi. Câu bạn Gen Z cho hay làm việc vào ban đêm sẽ giúp tập trung hơn vì ban ngày có nhiều việc phải làm, phải suy nghĩ nên dễ bị phân tâm: “Nếu chỉ làm việc vào ban ngày thôi thì không đủ, bản thân mình cũng muốn làm việc vào ban đêm vì lúc nào cũng trong tâm thế cố gắng làm cho xong nên năng suất cao hơn".

Nhiều quán cafe buổi tối vẫn đông kín khách, chủ yếu là người trẻ đến làm việc. (Ảnh: Thanh Niên)


Còn đối với Mai Trang (24 tuổi), làm công việc content thì đêm đến là lúc cô nàng nghĩ ra được nhiều ý tưởng nhất: “Chẳng hiểu vì sao dù ban ngày có tỉnh táo đến đâu mình cũng chẳng thể nghĩ ra bất cứ ý tưởng nào, vò đầu bứt tai làm mãi chẳng xong. Ấy thế mà cứ khoảng thời gian về đêm mình lại nghĩ ra rất nhiều thứ hay ho. Có lẽ vì lúc đó yên tĩnh giúp mình dễ tập trung và suy nghĩ được nhiều hơn. Hầu như tất cả ý tưởng của mình đều được suy nghĩ trong đêm khuya”.

Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, khoảng 70% lao động trẻ hiện nay cho biết sẽ sẵn sàng nghỉ việc và chuyển sang công ty cho nhân viên được chủ động kiểm soát lịch trình cá nhân. Thậm chí, một nửa số nhân viên Gen Z có kế hoạch rời công ty vì không muốn bị gò bó trong thời gian hoạt động truyền thống của công ty (9h - 17h). Điều này thực sự khiến các nhà tuyển dụng e ngại nếu không đưa ra chính sách làm việc linh hoạt, rất có thể bỏ lỡ cơ hội thu hút các nhân tài.

Các bạn trẻ sẵn sàng lựa chọn một công việc được tự do về thời gian. (Ảnh: Weibo)


Đánh cược sức khỏe

Dưới góc độ y tế, người thức khuya dễ bị rối loạn cảm giác, thiếu máu não, tăng nguy cơ bị tiểu đường, mắc các bệnh về tim mạch, béo phì, cũng như có khả năng vô sinh cao hơn, giảm ham muốn tình dục. Phụ nữ làm việc khuya thâu đêm suốt sáng có thể bị chậm trễ thời kỳ kinh nguyệt...

Vẫn biết hàng trăm, hàng nghìn những tác hại khôn lường của việc thức khuya nhưng có lẽ người trẻ vẫn đang cảm thấy bản thân đang trong độ tuổi khỏe mạnh và nhiệt huyết nhất nên tác động của việc thức khuya chưa thể hiện rõ rệt. Vì vậy, lối sống về đêm dần trở thành xu hướng của giới trẻ hiện nay, đặc biệt khi công nghệ 4.0 và chuyển đổi số ngày càng phát triển.

Dưới góc độ y tế, thức khuya sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ. (Ảnh: Baidu)


Thậm chí nhiều Gen Z chia sẻ với Yan rằng việc thức khuya đã trở thành thói quen và không thể thay đổi được. Minh Hằng (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cho hay: “Thời gian ban ngày mình vẫn lên công ty từ 9h sáng, vẫn hoàn thành công việc nhưng thường xuyên xảy ra sai sót và khả năng tập trung kém vì xung quanh còn đồng nghiệp nói chuyện, tiếng máy móc, âm thanh đủ các kiểu làm giảm năng suất làm việc. Do vậy, mình lại mang việc về nhà. Cứ tắm rửa, ăn uống xong khoảng 10 giờ đêm là mình ngồi vào bàn làm đến 1-2 giờ sáng. Ngày nào cũng như vậy, thành thói quen. Cho dù có rảnh rỗi, không có việc vẫn cứ thức như vậy”.

Dễ dàng bắt gặp những toà nhà văn phòng sáng đèn dù trời đã khuya. (Ảnh: Baidu)

Tuy nhiên, thói quen nào cũng có thể thay đổi, chỉ là bản thân họ có muốn hay không. Các bạn phải hiểu rằng công việc chỉ là công cụ để chúng ta kiếm sống, sức khỏe mới là quan trọng nhất. Có thể cố gắng nỗ lực hoàn thành công việc trong ngày, phải biết cách sắp xếp thời gian một cách khoa học và hợp lý. Sau đó, phải thay đổi giấc ngủ, đảm bảo ngủ đủ giấc và đúng giờ.

Hãy chú trọng sức khoẻ, hạn chế thức khuya. (Ảnh: Weibo)

Để thay đổi một thói quen thật sự rất khó nhưng không phải không thể. Nhưng chỉ cần đủ quyết tâm và đủ kiên nhẫn thì không gì là không thể.

Các bạn trẻ hiện nay ngày càng có xu hướng chuộng cuộc sống về đêm. Có lẽ cũng chính vì thức đêm, quen với việc làm việc lúc khuya muộn mới dẫn đến mệt mỏi, thiếu tập trung và chán nảnn khi làm vào ban ngày. Do đó, để tránh ảnh hưởng tới công việc cũng như sức khỏe của bản thân, chúng ta nên cân đối lại thời gian. Tuổi trẻ làm việc, kiếm tiền học hỏi là điều đáng trân trọng, nhưng sống trong thời đại "lắm tiền nhiều bệnh" các bạn trẻ cần tìm hiểu, trang bị cho mình kiến thức sống khoa học, tránh trẻ hóa bệnh tật và các bệnh lý khi về già.


Cùng tìm hiểu những thông tin thú vị khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook