Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc: Việt Nam hưởng lợi lớn nhưng chưa tận dụng được cơ hội
Các nhà máy điện tử của Việt Nam vẫn chủ yếu lắp ráp sản phẩm tầm trung và giá rẻ.
Những biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc cản trở các ngành sản xuất trong nước, làm tăng chi phí lao động… Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thêm trầm trọng, tạo động lực cho nhiều tập đoàn rời bỏ nước này. Trong khi đó, với nguồn lao động thu nhập thấp và nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, Đông Nam Á và Ấn Độ trở thành điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư.
Tuy vậy, bất chấp trào lưu "thoát ly" của nhiều công ty lớn, Trung Quốc vẫn giữ được lợi thế là trung tâm sản xuất của thế giới, vốn được xây dựng nhiều thập kỷ qua. Nhiều chuyên gia nhận định, các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ vẫn tồn tại những rào cản lớn cần vượt qua, nếu muốn cạnh tranh với Trung Quốc.
Nikkei Asia nhận định hầu hết lĩnh vực sản xuất rời Trung Quốc đều ở quy trình cấp thấp, không làm ảnh hưởng đến vị thế thống trị của nước này. Thậm chí, xu hướng di chuyển đang giúp ngành sản xuất của Trung Quốc chuyển đổi theo hướng nâng cấp tạo ra hàng hóa có giá trị cao hơn.
Một quan chức thương mại Trung Quốc cho biết, dòng chảy của các đơn đặt hàng có thể kiểm soát được, tác động không lớn. Li Xingqian, Vụ trưởng Vụ ngoại thương của Bộ Thương mại, cho rằng việc sản xuất di chuyển khỏi Trung Quốc là "phù hợp với quy luật kinh tế".
Vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu hoàn toàn ổn định do Trung Quốc có hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, với lợi thế về cơ sở hạ tầng, năng lực và chuyên môn. Ông này cũng cho biết môi trường kinh doanh của Trung Quốc tiếp tục được cải thiện, sức hút của thị trường nội địa vẫn tăng lên.
Cả Đông Nam Á và Ấn Độ đều chưa thể thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu trong tương lai gần. Bởi các quốc gia này vẫn chủ yếu tham gia vào lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động và giá trị gia tăng thấp. Các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ còn phải đối mặt với các vấn đề như dây chuyền công nghiệp chưa hoàn thiện, hiệu quả lao động thấp.
Ngoài ra, với các công ty nước ngoài, Trung Quốc vừa là cơ sở sản xuất vừa là thị trường rộng lớn. Năm 2020, các công ty toàn cầu có doanh thu nội địa 1,4 nghìn tỷ USD, cao hơn nhiều so với xuất khẩu là 900 tỷ USD, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc.
Gao Shiwang, lãnh đạo cơ quan quản lý xuất nhập khẩu Trung Quốc, cho biết tỷ trọng thành phẩm trong số các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm dần theo thời gian. Trong lĩnh vực máy móc và thiết bị điện tử, xuất khẩu vi mạch tích hợp có giá trị gia tăng cao, tăng 32% lên 153,8 tỷ USD vào năm 2021, vượt qua cả mặt hàng điện thoại di động.
Việt Nam hưởng lợi lớn nhưng chưa tận dụng được cơ hội
Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ việc các nhà máy rời khỏi Trung Quốc nhờ có các hiệp định thương mại tự do với khối ASEAN, hiệp định thương mại ưu đãi với nhiều nước châu Á và EU cũng như Mỹ. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 153,29 tỷ USD.
Dòng chảy sản xuất của Trung Quốc sang Đông Nam Á chủ yếu tập trung vào dệt may, đồ nội thất và lắp ráp hàng điện tử tiêu dùng giá rẻ. Dữ liệu nhập khẩu của Mỹ cho thấy từ quý 4/2021 đến quý 1/2022, khoảng 5% hàng dệt may, 7% hàng gia dụng và 2% đơn hàng cơ khí và điện của Trung Quốc chuyển sang các nước ASEAN.
Trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple, số lượng công ty đặt nhà máy tại Việt Nam tăng từ 17 công ty năm 2018 lên 23 công ty vào năm 2020.
Các nhà máy điện tử của Việt Nam vẫn chủ yếu lắp ráp sản phẩm tầm trung và giá rẻ. Luxshare tại Việt Nam chủ yếu sản xuất cổng kết nối, thiết bị ngoại vi máy tính và tai nghe AirPods. Công ty Lens Technology của Trung Quốc sản xuất thấu kính iPhone tại nhà máy ở Việt Nam.
Tờ Nikkei Asia nhận định nhiều đơn hàng đặt sản xuất tại Việt Nam nhưng hơn một nửa đến từ Trung Quốc. Khách hàng Mỹ vẫn chủ yếu làm ăn với công ty Trung Quốc, chỉ là hàng hóa được vận chuyển từ Việt Nam. Năng lực xuất khẩu của toàn khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đang quá tải và không còn nhiều dư địa để giải quyết thêm đơn hàng trong ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, tốc độ tăng trưởng nhanh của Việt Nam trong 3 năm qua đạt đến điểm nghẽn, với lợi thế chủ yếu về đất đai và chi phí lao động thấp.
Chi phí vận chuyển từ Việt Nam và Indonesia đến Mỹ cao hơn nhiều so với từ Trung Quốc, vì những quốc gia này có ít tàu vận chuyển trực tiếp hơn và thời gian vận chuyển từ TP.HCM đến Los Angeles lâu hơn khoảng một tuần so với từ Thượng Hải. Thông thường, phí vận chuyển từ cảng Việt Nam cao hơn 300 USD/container so với cảng ở Trung Quốc. Trong vài tháng đầu năm nay, phần bù giá tăng lên 3.000 USD/container.
Ông Deng Shengpeng, sở hữu công ty sản xuất các bộ phận phần cứng cho đồ nội thất ở Anji, tỉnh Chiết Giang, mở nhà máy ở Việt Nam vào năm 2018. Tuy nhiên chi phí vận chuyển tăng vọt trong năm nay khiến công ty khó có đơn đặt hàng mới.
Chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng lợi thế về chi phí đất đai đang giảm dần. Công nhân tại nhà máy ở Chiết Giang của Deng Shengpeng được trả khoảng 7.000 tệ (khoảng 1.050 USD) một tháng và làm việc 10 giờ một ngày, trong khi những người ở Việt Nam kiếm được 2.500 - 3.000 tệ một tháng và làm việc 8 giờ một ngày. Giá thuê đất ở Việt Nam tăng vọt trong những năm gần đây. Trước năm 2018, 1 m2 có giá thuê 20-30 USD, con số này giờ là 160 USD.
Ngoài ra, các nhà máy của các công ty Trung Quốc tại Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu và phụ tùng từ Trung Quốc. Chuỗi cung ứng bị chặn do đại dịch ảnh hưởng đến sản xuất ở Việt Nam. Yang Zhongwei - Giám đốc sản xuất công ty con của nhà sản xuất linh kiện bộ định tuyến, cho biết nhà máy ở Việt Nam cần nhập toàn bộ nguyên liệu từ Trung Quốc, thường 1 tuần mới có hàng.
Trong 2 tháng qua, nguyên liệu từ Tô Châu và Côn Sơn bị trì hoãn hơn 1 tháng, khiến khách hàng dọa hủy đơn đặt hàng. Công ty của Yang Zhongwei đang xem xét chuyển sang tìm nguồn cung ứng nội địa, nhưng không dễ vì Việt Nam có nền công nghiệp yếu và chi phí cao hơn. Tại Việt Nam, băng carbon trên máy in có giá khoảng 21 tệ mỗi cuộn, gấp 3 lần ở Trung Quốc.
Còn tại Ấn Độ, các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc thành lập nhà máy nhắm vào thị trường nội địa khổng lồ. Với 1,4 tỷ dân gần bằng ở Trung Quốc và tỷ lệ dân số trẻ cao, Ấn Độ thu hút các thương hiệu Trung Quốc gồm Xiaomi, Meizu, Vivo và Oppo đến xây dựng nhà máy. Nhiều xưởng sản xuất linh kiện điện thoại của Trung Quốc cũng đặt nhà máy ở đó. Giờ đây, các hãng Trung Quốc chiếm gần 2/3 thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ.
Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ tỏ ra cứng rắn với các công ty Trung Quốc kể từ khi căng thẳng biên giới leo thang 2 năm trước. Năm 2020, Ấn Độ cấm hơn 200 ứng dụng, trong đó có nhiều ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả nền tảng video phổ biến TikTok. Ấn Độ cáo buộc đơn vị Ấn Độ của Xiaomi chuyển tiền ra khỏi nước này bất hợp pháp.
Li Zhiqiang, Giám đốc điều hành của China Telecom India, cho biết Ấn Độ có lợi thế về dịch vụ phần mềm, nhờ vào hệ thống giáo dục và lợi thế về chi phí lao động. Nhưng về cơ sở hạ tầng mạng và sự hỗ trợ, Ấn Độ vẫn còn yếu kém. Nhiều nhà máy của các công ty Trung Quốc ở Ấn Độ chưa được phủ Internet cáp quang.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng thiếu nhân lực cho sản xuất thông minh. Ấn Độ có hệ thống giáo dục tương đối thành công, nhưng việc đào tạo kỹ thuật viên vận hành và bảo trì thiết bị cao cấp của nước này không đáp ứng được nhu cầu thị trường.