Xót xa khi người thầy 53 tuổi phải rời bục giảng vì bệnh tật ập đến
Dù đã đứng bục giảng 34 năm nhưng đến cuối cùng, thầy An vẫn phải rời khỏi nơi mình yêu mến nhất chỉ vì bệnh tật ập đến. Ngày ngày thầy phải xin cơm từ thiện từ những người đứng ở cổng viện chỉ vì không đủ chi phí trang trải.
Nghề giáo là một trong những nghề cao quý nhất, là người đưa đường, chỉ lối, hướng học sinh đi đúng hướng, trở thành những người công dân tốt. Thế nhưng, có những người thầy, người cô lại phải ngậm ngùi từ bỏ cái nghề mà mình yêu quý, trân trọng nhất chỉ bởi bệnh tật, bởi gánh nặng cơm áo, gạo tiền.
Đó là câu chuyện của thầy giáo Trương Kiệt An (53 tuổi, sống tại TPHCM) được đăng tải trên báo Thanh Niên. Thầy An đã đi dạy được hơn 34 năm, thế nhưng, căn bệnh nặng đột nhiên ập đến khiến thầy buộc phải rời bục giảng vì sức khỏe không còn cho phép tiếp tục dạy học.
Chưa đến thời điểm có thể nhận bảo hiểm xã hội một lần, lại chưa đủ tuổi để nhận lương hưu sớm khiến cuộc sống thầy rơi vào bế tắc. Thầy An nghẹn ngào tâm sự với báo Thanh Niên: “8 tháng trời không có thu nhập, không đóng được tiền nhà trọ, tôi xách đồ ra trước cổng bệnh viện chưa biết đi đâu về đâu thì gặp cô Hường – vợ chồng cô đều bị tai biến cũng đang chờ xin cơm từ thiện nói về cô cho ở nhờ. Từ tháng 7/2022 tới nay, nhờ vậy tôi có chỗ che nắng, mưa, ngày 2 lần sáng, chiều ra xin cơm trước cổng bệnh viện”.
Ước mơ của thầy An chính là được đến trường, gặp đồng nghiệp, các em học sinh nhưng rồi lại chẳng thể tiếp tục. Được biết, vài ngày trước, thầy An được nhận thư mời về dự lễ Ngày nhà giáo Việt Nam. Thế nhưng, dù rất mong quay lại người thầy đã 53 tuổi lại từ chối vì sợ mình làm ảnh hưởng tới không khí vui vẻ của ngày 20/11.
Người thầy đã lớn tuổi xúc động tâm sự: “Mình làm gì làm cũng có lòng tự trọng của bản thân, mình tự biết điều gì mình có thể làm được, những điều gì mình không làm được. 20/11 năm nay tôi cũng không mong ước điều gì, chỉ xem báo đài chúc mừng ngày này, buồn quá thì nằm khóc một mình, chứ tôi cũng ngại các em học sinh tới lui đến thăm, phiền các em”.
Có thể thấy, dù bị bệnh tật đeo bám, đau đớn cả về tinh thần và thể xác nhưng thầy An vẫn luôn nghĩ tới học sinh, vẫn giữ cốt cách của một người giáo viên, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn mà không cần ai lo lắng, bận tâm.
Trên thực tế, dù không phải máu mủ ruột thịt nhưng thầy cô giáo lại thương yêu học sinh chẳng khác gì con mình, luôn muốn trao đi những điều tốt nhất. Có lẽ vì vậy mà nhiều thầy cô dù bị bệnh vẫn cố gắng dạy online để học sinh không bị mất kiến thức.
Cách đây hơn 2 năm, hình ảnh về người thầy giáo dù đang làm việc ở viện vẫn cố gắng dạy online, truyền tải kiến thức cho các bạn sinh viên đã khiến nhiều thế hệ học sinh, sinh viên xúc động. Được biết, thầy giáo đó là tiến sĩ - giảng viên bộ môn Ngoại của một trường đại học tại Hà Nội. Trong những tấm hình được chia sẻ, người thầy chân quỳ trên giường, tay đỡ chiếc máy tính, đưa gần cục phát wifi để có đường truyền mạng được ổn định, giúp học sinh không bị khó khăn khi nghe giảng.
Vậy mới thấy, giảng đường luôn là nơi mà thầy cô dành nhiều tâm huyết nhất. Và nếu không có những lý do bất khả kháng, phải rời bục giảng thì có lẽ sẽ chẳng ai muốn từ bỏ cái nghề cao quý đó. Hy vọng câu chuyện của thầy giáo An sẽ được lan tỏa rộng hơn để có nhiều người biết đến và giúp đỡ thầy.
Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn nhất tại YAN !
Với thầy cô giáo, bục giảng là nơi đẹp nhất, đồng nghiệp, học sinh là những người tuyệt vời nhất, do đó, có lẽ chẳng ai muốn rời khỏi nơi đó nếu không có sự cố đặc biệt. Giống như thầy An, người đã dành 34 năm cuộc đời để đứng trên giảng đường, trao đi kiến thức cho các bạn học sinh. Thế nhưng, cuối cùng, thầy phải xót xa viết đơn xin nghỉ việc chỉ vì bệnh tật ập đến. Ngày 20/11 gần kề, có lẽ thầy cũng rất nhớ, rất buồn khi nghĩ về đồng nghiệp, học sinh của mình.
Ngày nhà giáo sắp tới, hãy cùng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới những người thầy, người cô đã dành hết tâm huyết dạy dỗ chúng ta nên người.
Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !