Xót xa hoàn cảnh của cậu bé 11 tuổi đã phải làm trụ cột gia đình

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 00:58:38

Câu chuyện của cậu bé Sùng A Minh đã khiến nhiều người không khỏi xót xa. Theo đó, do hoàn cảnh éo le, từ năm 11 tuổi cậu bé đã phải trở thành trụ cột gia đình.

Trong khi bạn bè đồng trang lứa được gia đình chăm sóc, chiều chuộng từng li từng tí thì Sùng A Minh (học sinh lớp 8, trường Phổ thông dân tộc bán trú Nậm Kè, huyện Mường Nhé) đã phải làm trụ cột gia đình, gánh trách nhiệm nuôi anh trai bị chậm phát triển trí tuệ và 2 em nhỏ. Được biết, cậu bé đã quen với cảnh này được 2 năm nay, kể từ khi bố đột ngột ra đi vì bệnh tật, còn mẹ thì đi tìm hạnh phúc mới. Hai người anh, chị còn lại của A Minh thì một người đi làm xa xứ, biệt tăm biệt tích mấy năm nay, một người thì đi lấy chồng, cắt đứt quan hệ với nhà mẹ đẻ.

Sùng A Minh bất đắc dĩ trở thành trụ cột gia đình khi chỉ mới 11 tuổi. (Ảnh: Minh Tâm)


Cậu bé A Minh 11 tuổi bỗng chốc trưởng thành chỉ sau một đêm, vừa làm nương rẫy thay cha, vừa lo cơm nước thay mẹ. "Trước còn bố mẹ cuộc sống tuy vất vả nhưng có cái ăn. Giờ mấy anh em nhà nó mắm muối không tiền mua, bữa nào có cơm thì lấy nước suối làm canh, có khi nhịn đói. Mình nhìn mà chảy nước mắt", Trưởng bản A Chơ chia sẻ với VnExpress. Thầy cô ở trường Nậm Kè cũng quen gọi A Minh với biệt danh là “ông cụ non”, vì cậu bé mới mười mấy tuổi nhưng đã bất đắc dĩ trở thành người lao động chính trong nhà, như một người đàn ông trưởng thành.

Gia đình A Minh là gia đình nghèo nhất bản Huổi Khon, huyện Mường Nhé. Theo lời kể của Trưởng bản A Chơ, ngày bố A Minh mất, vì nhà em không có tiền nên người trong xóm đã cùng nhau góp tiền lại để tổ chức đám tang. Tài sản trong nhà chỉ còn một con trâu được nhà nước phát cho và một sào nương trên đồi, giúp mấy đứa trẻ trong nhà có gạo để ăn. Đến mùa gặt, A Minh phải nghỉ học một tuần ở nhà để làm nương, xong việc, cậu bé lại vội vàng chân ướt chân ráo về nhà nấu cơm cho em.

Nhiều em bé phải lớn trước tuổi, làm việc phụ gia đình. (Ảnh minh họa: Dân Việt)

Thiếu thốn hình bóng cha là một chuyện, giữa lúc nghèo khó nhất, mẹ A Minh nỡ lòng “dứt áo ra đi”, bỏ lại đàn con nhỏ. A Minh tâm sự với VnExpress, ngày mẹ đi, em chỉ biết bất lực mà im lặng khóc. Căn nhà từng mang lại hơi ấm cho em, từng là nơi em mong ngóng để trở về, nay chỉ còn đống tro tàn bên bếp lửa, cùng hũ đựng gạo trống không. A Minh phải sang nhà hàng xóm xin ít gạo để thổi cơm cho hai em ăn tạm.

Từ ngày mẹ đi, anh em A Minh thường xuyên phải ăn cơm sống, hoặc không có gì ăn. (Ảnh: Minh Tâm)


Lúc mẹ đi, em thật sự ghét mẹ, vì để anh em không có cái ăn, có khi nhịn đói cả ngày. Nhưng bây giờ em lại nhớ mẹ, mong mẹ về nhà”, cậu bé vừa nói vừa gạt nước mắt. Thời gian đầu, A Minh và các em phải ăn cơm sống vì không biết nấu ăn. Nhưng lâu dần, khi đã quen với việc không có người lớn ở cạnh, cậu bé đã biết nấu cơm, luộc trứng, luộc rau và những món đơn giản. Không có tiền nên A Minh phải lên rừng kiếm rau, cái nào ăn được là cậu bé mang về nấu cho các em.

Chỉ những ngày trong năm học, A Minh và các em mới được bữa no, đủ rau, đủ thịt. Ngoài thứ 2 đến thứ 6 ở bán trú tại trường, anh em A Minh phải tự lo bữa cơm cho mình. 5 giờ sáng, A Minh đã dậy thổi cơm cho các em, sau đó vác gùi lên nương, còn anh cả thì lo việc chăn trâu. Những tưởng hoàn cảnh của A Minh đã đủ éo le, nhưng chuyện không lành lại tiếp tục đến với cậu bé vẫn còn đang học cấp 2.

Mùa hè một năm trước, khi nhà hết gạo, A Minh đã nảy ra ý định vào rừng kiếm thêm cái ăn. Không may, tai nạn đã xảy ra, mắt A Minh bị thương. Cái nghèo cuốn thân, không có tiền đi viện, cậu bé cố gắng chịu đựng 2 tháng, chỉ lấy bông che mắt. Đến tận khi không còn nhìn thấy gì, A Minh mới biết mình không thể nhìn thấy. Người đầu tiên phát hiện ra tình trạng này của A Minh là thầy Hoàng Quốc Kiên (38 tuổi), giáo viên chủ nhiệm của em. Thương học trò, thầy Kiên vội vàng đưa cậu bé đến bệnh viện Mường Nhé khám. Tại đây, bác sĩ cho biết, vì mắt của A Minh không được chữa trị kịp thời nên từ nay, cậu bé chỉ còn một mắt nhìn được.

A Minh còn bị hỏng 1 mắt vì vào rừng kiếm thêm cái ăn cho các em. (Ảnh: VnExpress)

Đến trường, A Minh bị bạn bè trêu chọc, kỳ thị, muốn cậu chuyển lớp. Lúc ấy, cậu bé chỉ biết lủi thủi cuối lớp, im lặng khóc một mình. Thầy Kiên phải làm công tác tư tưởng cho học sinh trong lớp, động viên các em thông cảm cho hoàn cảnh của A Minh. Không chỉ vậy, thầy Kiên cũng thường xuyên giúp đỡ A Minh, như mua đôi dép, áo ấm cho em. Khi A Minh nghỉ học ở nhà làm nương, thầy còn về bản dạy thêm kiến thức cho em mỗi khi tan trường.


Hoàn cảnh gia đình là vậy, nhưng A Minh vẫn quyết tâm không nghỉ học. "A Minh rụt rè, ít nói. Cứ mỗi tuần em lại đi bộ xuống trường. Đường đi xa và gập ghềnh, nhưng hai anh em vẫn cố gắng không bỏ học. Nhìn thằng bé chăm lo các em thay bố mẹ, thương lắm" , cô Huyền - Phó hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nhậm Kè chia sẻ với VnExpress.

Dù hoàn cảnh éo le nhưng nhiều đứa trẻ vẫn quyết tâm tìm kiếm con chữ. (Ảnh: Tin mới 247)


Tin vui là mới đây, nhà trường đã xin được giấy chứng nhận khuyết tật cấp xã cho em. Thế là từ nay, em sẽ bớt khó khăn về chi phí học tập trong 2 năm học cấp 2 còn lại. "Em rất muốn học lên cấp ba nhưng sợ mình không có tiền trong khi cái ăn còn chưa đủ", cậu bé lại cúi mặt, nắm bàn tay, chia sẻ với VnExpress.

Cùng hoàn cảnh với A Minh, cô bé Đặng Thị Ngọc Châu (11 tuổi, ngụ xóm 8, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cũng trở thành trụ cột gia đình bất đắc dĩ. Theo Báo Pháp Luật, được biết, bố em đã bỏ đi từ lâu, trong nhà chỉ còn người mẹ thiểu năng trí tuệ và bà cố nội già yếu. Mỗi khi tan trường, em lại đạp xe thật nhanh về nhà để dọn dẹp và lo cơm nước cho gia đình. Mọi chi phí trong nhà đều trông cậy số tiền hơn 800 nghìn đồng tiền hỗ trợ người khuyết tật và người già của mẹ cùng bà cố.

Mới 11 tuổi nhưng Minh Châu đã quán xuyến hết việc nhà, chăm lo cho mẹ và bà cố. (Ảnh: Báo Pháp Luật)


Hoàn cảnh khó khăn nhưng cô bé vẫn cố gắng học thật giỏi. Bốn năm tiểu học, em đều được giấy khen và được bạn bè, thầy cô yêu quý. Châu chỉ ước mình học thật giỏi, có sức khỏe để lo cho mẹ và gia đình . “Nếu có phép màu, em mong mẹ khỏe mạnh như bao người khác để em được ăn cơm mẹ nấu, được mẹ chở đến trường như các bạn. Nhiều khi thấy các bạn có đầy đủ bố mẹ, em cũng tủi thân lắm…” , Châu thật thà chia sẻ cùng Báo Pháp Luật.

Ngôi nhà lụp xụp, cũ kỹ, chỉ để che nắng che mưa của Ngọc Châu. (Ảnh: Báo Pháp Luật)

Bạn có thương cảm cho hoàn cảnh của Sùng A Minh và Ngọc Châu, những cô bé, cậu bé chỉ mới 11 tuổi đã làm trụ cột gia đình. Hãy để lại bình luận cho mọi người cùng biết nhé!


Và đừng quên, cùng YAN cập nhật những tin tức nóng hổi!

Ở độ tuổi của Sùng A Minh, nhiều bạn nhỏ vẫn còn rất ngây thơ, hồn nhiên, tập trung học tập và vui chơi. Thế nhưng, do sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh éo le nên cậu bé Sùng A Minh buộc phải trưởng thành hơn tuổi, nhận trách nhiệm chăm lo người anh bệnh tật và những đứa em nhỏ dại. Nhìn hình ảnh cậu bé gầy gò phải gánh trên vai những "trách nhiệm quá sức"  khiến ai nấy đều không khỏi xót xa. Mong rằng với tất cả những hy sinh và nỗi khổ đã trải qua, Sùng A Minh và các anh em của mình sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ từ mọi người, cũng như được quan tâm, yêu thương nhiều hơn.


Xem thêm thông tin tương tự TẠI ĐÂY.

Chia sẻ Facebook