Xót xa gia cảnh của người thầy nhiều năm liền đạt giáo viên giỏi

Chia sẻ Facebook
18/11/2022 19:11:04

Dù gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, nay lại phải đối mặt với tin dữ nhưng người thầy giáo này vẫn nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó.

Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng và tôn vinh. Bởi đây là sứ mệnh vô cùng cao cả, “ươm mầm” nên những anh tài, công dân gương mẫu của đất nước. Song, bên cạnh việc ở trường, mỗi người thầy, người cô đều sẽ có gia đình riêng của mình. Thế nhưng, không phải ai cũng có cuộc đời êm ấm, sáng đi làm tối về nhà.

Có người thầy dù luôn tỏ ra lạc quan, cố gắng vượt lên nghịch cảnh nhưng có lẽ sâu bên trong, họ đang phải ngày ngày gồng gánh “nỗi đau tinh thần” mà không phải ai cũng hiểu được. Điển hình là câu chuyện của người thầy giáo tâm huyết Dương Tuấn Anh được Dân Trí chia sẻ.

Thầy Dương Tuấn Anh đã có 13 năm kinh nghiệm trong nghề nhà giáo. (Ảnh: Dân Trí)

Theo đó, thầy Dương Tuấn Anh (38 tuổi), hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, giữ chức Phó Bí thư chi đoàn, Tổng phụ trách Đội tại Trường Tiểu học Tiên Phong I.

Có kinh nghiệm 13 năm trong nghề với hàng loạt thành tích ưu tú, ít ai biết rằng, để trở thành một giáo viên giỏi được như ngày hôm nay, thầy cũng từng trượt đại học và có tuổi thơ không mấy dễ dàng.

Gia đình thầy Tuấn Anh xuất phát với bố làm nông dân còn mẹ là văn thư ở trường học. Ngày ấy, lương bố mẹ cũng chỉ được ba cọc ba đồng, bố lại mắc bệnh về phế quản nên trong nhà cũng chẳng dư dả được bao nhiêu. Vì vậy, bữa ăn hàng ngày của thầy là cơm độn ngô, độn sắn để no lâu, có sức còn vượt 5 - 7km đường núi để đi học.

Tuy nhiên, dù khó khăn, vất vả nhưng thầy luôn cảm thấy biết ơn vì bố mẹ vẫn cho con cái được ăn học đầy đủ. Thế nhưng, trong kỳ thi vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, thầy đã không đỗ do chưa có điều kiện để ôn luyện. Từ đây, cơ duyên với nghề “lái đò” của thầy cũng bắt đầu.

Ngôi trường tiểu học người thầy tâm huyết đang làm việc. (Ảnh: Dân Trí)

Ngày trở về quê hương, nghĩ đến tuổi thơ cơ cực của mình, trong đầu thầy bỗng lóe lên một niềm tin phải giúp các em học tập để thoát ra khỏi cái khổ, cái nghèo. Chỉ một suy nghĩ bất chợt trong đầu mà 13 năm trôi qua, thầy Tuấn Anh vẫn yêu và gắn bó với công việc này.

Thêm vào đó, thầy còn cùng nhà trường phối hợp làm công tác từ thiện, quyên góp quần áo và sách vở để các em có thể đầy đủ cắp sách tới trường.

Thầy Tuấn Anh luôn mong muốn mang đến sự đầy đủ, cải thiện tri thức cho các em có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Dân Trí)

Ngoài ra, thầy Tuấn Anh còn đạt được rất nhiều thành tích trong công việc như nhiều năm liền đạt giáo viên Tổng phụ trách đội giỏi cấp huyện, 3 năm liền đạt giáo viên Tổng phụ trách đội giỏi cấp tỉnh và nhiều năm được ban chấp hành Đoàn, Ủy ban nhân dân huyện tặng giấy khen vì đã có thành tích trong phong trào thiếu nhi.

“Trái ngọt” từ sự nỗ lực và cố gắng trong công việc của thầy Tuấn Anh. (Ảnh: Dân Trí)

Tưởng chừng cuộc sống cứ yên bình trôi như thế cho đến năm 2021, gia đình thầy bất ngờ nhận hung tin, đó là đứa con nhỏ chỉ mới tròn 6 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo. Thầy cho biết mình không thể tin nổi và suy sụp tinh thần. Thương con, thầy không thể kìm được nước mắt mà khóc nghẹn.

Khi đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đưa con lên bệnh viện tuyến trên, gia đình thầy chỉ được chọn một người giám hộ. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng khi nhìn cơ thể gầy gò, xanh xao của con phải truyền hóa chất, thầy Tuấn Anh đã khóc rất nhiều. Hàng tháng, vợ chồng thầy sẽ thay nhau đưa con từ Thái Nguyên xuống Hà Nội 20 ngày để điều trị.

Thầy Tuấn Anh luôn đồng hành cùng con trai trong những lần đi chữa bệnh. (Ảnh: Dân Trí)


Đối với thầy Tuấn Anh, việc phải thường xuyên đi qua lại giữa hai tỉnh thành là quãng thời gian vô cùng vất vả. Thầy chia sẻ với Dân Trí: "Mặc dù hoàn cảnh gia đình như vậy nhưng bản thân mình luôn tự nhủ rằng phải vượt qua mọi khó khăn và hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.


Việc phải chăm sóc con nhỏ, thời gian lại kéo dài hàng tháng do vậy nên cũng ít nhiều ảnh hưởng tới công việc. Nhưng ban giám hiệu nhà trường cũng thông cảm và tạo điều kiện giúp mình để mình có thể hoàn thành công việc trước khi đi chăm con”.

Thầy Tuấn Anh luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc gia đình lẫn ở trường. (Ảnh: Dân Trí)

Dù “đau” và thương con nhỏ rất nhiều nhưng mỗi khi lên lớp, thầy đều gạt nước mắt vào trong để nở nụ cười với học sinh. Vì chỉ có sự lạc quan, vui vẻ mới có thể tạo được sự thoải mái, hứng khởi trong học tập của các trò. Thêm vào đó, việc đồng nghiệp, học sinh biết chuyện luôn hỏi thăm, động viên tinh thần khiến thầy mừng và rất hạnh phúc.

Học trò yêu thương chính là một phần nhỏ động lực giúp thầy cố gắng vượt qua “sóng gió”. (Ảnh: Dân Trí)

Có thể thấy, trong cuộc đời mỗi chúng ta ai cũng sẽ phải đối mặt với những thử thách mà ông trời tạo ra. Và thầy Tuấn Anh cũng vậy. Tuy nhiên, thầy đã không đầu hàng trước số phận, cố gắng nắm tay con nhỏ để vượt qua số phận. Mong rằng câu chuyện của người thầy tâm huyết này sẽ lan tỏa, mang đến giá trị nhân văn tốt đẹp cho mọi người.


Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN!

Với mỗi người thầy, người cô, nghề "gõ đầu trẻ" chính là công việc mà họ yêu quý, trân trọng nhất. Những người giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người đưa đường, chỉ lối, hướng học sinh đi đúng hướng, trở thành những người công dân tốt. Và đương nhiên, sự yêu quý, quan tâm của học trò chính là niềm an ủi tinh thần, giúp họ vượt qua khó khăn, ngày càng tâm huyết hơn với nghề.

Nhân dịp 20/11 sắp tới, hãy gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới những người thầy, người cô đã dành hết tâm huyết dạy dỗ chúng ta nên người nhé!

Chia sẻ Facebook