Xót xa chuyện chàng trai ung thư mong được chết để thoát sự kiểm soát của bố mẹ
Biết mình sắp chết vì ung thư nhưng chàng trai 30 tuổi lại cảm thấy "rất vui vì cuối cùng cũng được tự do, thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ”.
Theo VTC News, câu chuyện mà Wang Bowen - blogger có hơn 4 triệu người theo dõi, sống ở Liêu Ninh, Trung Quốc đăng tải mới đây thu hút hàng triệu người quan tâm. Wang nhận được tin bạn thân qua đời ở tuổi 30 vào ngày 29/10 và một ngày sau đó, anh chia sẻ về những gì mà người bạn xấu số phải chịu đựng trong suốt cuộc đời.
Đầu năm 2022, khi biết mình mắc bệnh ung thư, chàng trai này tâm sự ngay với Wang, và blogger rất sốc khi biết anh ấy sẽ không còn sống được bao lâu nữa.
Bạn thân nói với Wang rằng gia đình và những người quen biết cũng có phản ứng tương tự khi biết tin: “Mọi người thấy tiếc cho tôi, nhưng tôi lại rất vui vì cuối cùng mình cũng được tự do, thoát khỏi sự kiểm soát của bố mẹ” .
Suốt bao nhiêu năm, chàng trai này luôn cố gắng hết sức để làm vừa lòng bố mẹ vì họ rất nghiêm khắc. Tất cả mọi việc của anh, từ ăn cơm đến mua sắm quần áo, giày dép..., bố mẹ đều can thiệp và quyết định cả.
Không chỉ can thiệp vào những chi tiết nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày, bố mẹ còn đặt ra cho anh những mục tiêu cuộc sống đầy tham vọng. Để làm hài lòng họ, anh đã làm việc chăm chỉ đến kiệt sức. Thế nhưng mỗi lần anh đạt mục tiêu đề ra, bố mẹ không bao giờ khen ngợi những nỗ lực đó mà tăng gấp đôi yêu cầu đối với con trai mình.
Kể cả khi chàng trai đỗ vào một trường đại học hàng đầu Trung Quốc, bố mẹ tỏ ra không mấy hào hứng và bảo anh hãy tìm một công việc bán thời gian tại nhà hàng thức ăn nhanh để tìm hiểu về cuộc sống, trải nghiệm thực tế.
Wang Bowen chia sẻ câu chuyện của người bạn thân bị ung thư lên mạng xã hội. (Ảnh: Weibo).
“Bất cứ điều gì tôi làm đều sai” , anh nói với Wang. Chàng trai thậm chí còn cho rằng, việc phải sống trong môi trường ngột ngạt không thể chịu đựng này và sự căng thẳng kéo dài do bố mẹ gây ra đã góp phần khiến anh mắc bệnh ung thư. Thay vì đau khổ về căn bệnh sẽ khiến mình đoản mệnh, anh lại cảm thấy đó là sự giải thoát.
Bài viết mà Wang Bowen đăng tải thu hút hơn 13.000 bình luận và gần 16 triệu lượt xem. Phần lớn mọi người xót xa cho chàng trai và bất bình với sự độc đoán, kiểm soát con quá mức của bố mẹ anh.
Thông tin trên vnexpress, nhiều cha mẹ lầm tưởng việc kiểm soát là bảo vệ con, nhưng thực tế lại gây những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Bảo vệ con cái là bản năng, nhưng phụ huynh cần vạch ra những giới hạn cơ bản. Cố tình xâm phạm quyền riêng tư của con dễ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là sức khỏe tinh thần và làm trầm trọng các mối quan hệ trong gia đình.
Mất niềm tin ở cha mẹ: Sự soi xét, ngờ vực và thiếu lòng tin của phụ huynh khiến con trẻ ngày càng tách rời cha mẹ. Con không cảm nhận được sự đồng cảm, thất vọng khi cha mẹ thiếu tin tưởng, dễ trở nên lầm lì, hạn chế chia sẻ, giao tiếp. Việc sửa chữa một mối quan hệ như vậy có thể rất khó.
Trẻ cảm nhận sự ngột ngạt, mất tự do : Trên lý thuyết, hành vi kiểm soát của cha mẹ với con cái giúp trẻ phát triển đúng hướng, tránh phạm sai lầm và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Nhưng nếu vượt quá giới hạn sẽ tạo thành áp lực vô hình cho con. Xâm hại quyền riêng tư khiến trẻ mất đi sự độc lập, dễ lệ thuộc và làm trầm trọng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khi bị kìm kẹp quá mức.
Hình thành thói quen chống đối : Nuôi dạy con cái trở thành người cởi mở, trung thực là điều phụ huynh mong muốn. Nhưng kiểm soát quá chặt, đề ra các quy tắc hà khắc có thể phản tác dụng.
Phản ứng tự nhiên của trẻ với kiểu nuôi dạy là là che giấu và nói dối. Con không muốn mở lòng và bày tỏ quan điểm với cha mẹ. Về lâu dài, phụ huynh không nắm bắt được tâm lý con trẻ, việc chống đối, cãi lại gia tăng.
Dễ gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần : Làm hỏng mối quan hệ tốt đẹp giữa bạn với con khi kiểm soát quá mức không phải là điều tồi tệ nhất. Tác động tiêu cực nhất của hành vi này là gây ảnh hưởng tâm lý, khiến trẻ lo lắng và trầm cảm. Đặc biệt, kiểm soát quá mức dễ ảnh hưởng vào suy nghĩ, tạo thói quen và lối sống lệch lạc khi con trưởng thành.
Tình trạng cha mẹ kiểm soát và gây áp lực quá mức cho con cái khá phổ biến. Vào tháng 9, cộng đồng mạng cũng bất bình vì một bà mẹ ở miền Bắc, Trung Quốc kiểm soát chặt con trai là sinh viên đại học. Bà nghĩ ra nhiều hình thức khen thưởng và kỷ luật rất phức tạp và hà khắc để buộc con phải cố gắng học tập.
Hồi tháng 4, một người cha ở miền đông Trung Quốc bị chỉ trích dữ dội khi cố ép con gái 24 tuổi chia tay bạn trai để tìm một người đàn ông "tốt hơn" sau khi cô học xong cao học.
Tùng Lâm (Tổng Hợp)