Xoài cổ thụ Cam Lâm được khai thác làm du lịch
Người trẻ ở Cam Lâm đã bắt đầu khởi nghiệp từ việc khai thác, nâng tầm giá trị những cây xoài cổ thụ. Đó là cách họ giữ gìn, phát huy giá trị của sản vật quê hương.
Những gốc xoài Tây
Theo người dân địa phương, những vườn xoài cổ thụ ở vùng đất Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa được hình thành từ đầu thế kỷ 20. Khi ấy, người Pháp đã mang giống xoài Canh Nông từ Ấn Độ sang, rồi được người dân trồng thành những vườn xoài lớn. Những gốc xoài này có tuổi đời từ 50-60 năm, thậm chí có những gốc xoài có tuổi đời gần cả trăm năm.
Ông Phạm Xuân Thìn (SN 1952, trú xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm) cho biết, xoài Canh Nông còn được người dân địa phương gọi là xoài Tây. Giống xoài này có thân lớn, cành lá vươn cao, tạo tán rất rộng. Do đó, xoài Canh Nông được trồng khá thưa.
Mỗi cây cách nhau hàng chục mét để tạo không gian cho cây xoài phát triển. Trong vườn xoài cổ thụ nhà ông rộng 12.000m 2 nhưng chỉ trồng 50 gốc cũng bởi lý do trên.
Những cây xoài trong vườn nhà ông Thìn phần lớn là những cây xoài cổ thụ 50-60 tuổi. Có những gốc xoài cổ thụ xù xì, gốc to 2 - 3 người ôm không xuể, cành lá vươn dài tạo tán che mát cả một khoảnh đất lớn, cành lá sum suê.
“Giống này trái nhỏ mà thơm, tạo nên đặc sản xứ xoài Cam Ranh - Cam Lâm một thời. Về sau, giống xoài này khó cạnh tranh với những giống xoài ngoại nhập có trái lớn được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn trồng giống xoài này vì khai thác được lâu, cây không bị chết. Hơn nữa, xoài này không chỉ ăn trái được mà còn làm được bánh xoài mà các giống xoài khác không thể”, ông Thìn cho biết.
Xoài Canh Nông chín chua nhẹ, ngọt thanh, có mùi thơm riêng biệt, chín đều từ trong ra ngoài nên được người dân ưa chuộng. Hiện nay, ở Cam Lâm những vườn xoài cổ thụ giống Canh Nông vẫn còn giữ được một diện tích lớn.
Đánh thức giá trị của những vườn xoài
Vì giá trị kinh tế của xoài Canh Nông không cao như các giống xoài thương phẩm hiện nay nên người dân địa phương chặt xoài này để ghép xoài khác vào. Tiếc cho giá trị vốn có của những vườn xoài cổ thụ nên một số người trẻ ở huyện Cam Lâm đã thuê lại những vườn xoài này của người dân để vừa khai thác quả làm bánh xoài vừa làm du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Anh Trần Lê Hòa (SN 1994), Giám đốc Công ty TNHH Mango Cát Tiên chia sẻ: “Tôi thấy xót cho những gốc xoài cổ vì nếu chặt bỏ thì phải trồng vài chục năm sau mới có được những cây xoài như hiện nay. Vì vậy, tôi mới mạnh dạn đầu tư làm du lịch để người dân thấy rằng những vườn xoài này mang lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, họ cố gắng giữ gìn những vườn xoài cổ, để sau này chính người nông dân sẽ thực hiện những mô hình như chúng tôi làm hiện nay”.
Theo anh Hòa, sau khi thuê lại vườn của người dân, anh giữ nguyên vẹn những gốc xoài cổ, không tác động vào cây xoài để kích trái như cách người dân thường làm với mong muốn nâng cao chất lượng trái xoài và tuổi thọ của cây.
Hiện nay, anh đang thuê khoảng 3-4 vườn của người dân để làm, vườn rộng thì khoảng 12.000m 2 ha; còn vườn nhỏ nhất cũng tầm 7.000 – 8.000m 2 .
Ngoài khai thác quả để làm bánh xoài bán ra thị trường, anh còn kết hợp với các đơn vị để làm du lịch từ những vườn xoài cổ, cho du khách trải nghiệm làm sản phẩm.
“Trước đây, xoài được người dân bán qua thương lái nên thường xuyên xảy ra tình trạng ép giá. Nhiều khi mùa xoài chín, sản lượng lớn nhưng giá rẻ, lắm lúc phải đổ bỏ rụng đầy gốc nên rất tiếc. Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa cứ xảy ra. Do đó, tôi đã thu mua xoài làm bánh xoài bằng giá thương lái bán ra để người dân có thêm thu nhập. Tôi đang cố gắng phát triển thị trường bánh xoài để trong tương lai có thể làm đầu ra tốt cho người nông dân”, anh Hòa nói.
Đến mùa, mỗi cây xoài cổ thụ cho trái từ 500kg – 1 tấn, có cây cho thu hoạch đến 2 tấn xoài. Mỗi tháng, xưởng sản xuất của anh Hòa ở xã Cam Hòa làm ra từ 10 - 20 tấn bánh xoài thì cần khoảng 100 - 200 tấn xoài tươi. Sản lượng xoài lớn là nguồn nguyên liệu khá ổn định cho việc sản xuất, chế biến các sản phẩm từ xoài. Đồng thời, còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Tour trải nghiệm vườn xoài cổ
Trong khi đó, nhóm các bạn trẻ của Công ty TNHH Camlamonline cũng đã tìm hướng đi mới nâng cao giá trị cho những vườn xoài cổ thụ của Cam Lâm. Anh Đặng Thế Truyền (SN 1991), Giám đốc Công ty TNHH Camlamonline cho biết, những vườn xoài cổ thụ ở huyện Cam Lâm nằm gần các khu du lịch lớn ở Bãi Dài, vì vậy có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Vườn xoài nằm ở vị trí không chỉ thuận tiện trong việc di chuyển mà còn có thể kết nối lịch trình với các địa điểm du lịch khác.
“Với lợi thế sẵn có về các địa điểm du lịch tại địa phương được nhóm thực hiện trên website camlamonline.com và các fanpage trước đó, chúng tôi đã cung cấp cho các công ty lữ hành, resort, nhà hàng… để họ giới thiệu đến du khách, tạo ra những tour du lịch trải nghiệm tại địa phương. Trong đó, kết hợp để du khách tham quan các vườn xoài cổ thụ, hái xoài, theo dõi quy trình và tự tay trải nghiệm các công đoạn làm bánh xoài cùng người dân địa phương, mang nét độc đáo riêng, khác biệt”, anh Truyền nói.
Thời gian qua, nhiều đoàn khách đã tìm tới tham quan vườn xoài, chụp hình, tự tay hái xoài, trò chuyện với người nông dân và tìm hiểu về quy trình canh tác, thu hái nông sản… tạo sự phong phú cho du lịch địa phương. Những vườn xoài cổ do anh Hòa thuê lại để khai thác cũng thường xuyên đón những đoàn khách đến tham quan.
Tại đây, anh sẽ giới thiệu về những gốc xoài cổ, giá trị của cây xoài để du khách hiểu hơn về văn hóa, lịch sử của địa phương. Còn tại xưởng sản xuất bánh xoài, du khách được tự tay trải nghiệm các quy trình làm ra sản phẩm.
Bên cạnh đó, anh Truyền còn liên kết với các vườn xoài khác của người dân địa phương để đưa du khách đến trải nghiệm, tham quan. Đến Cam Lâm, du khách cũng có thể thưởng thức các món ăn ngon từ xoài tại quán cơm, showroom. Không chỉ lạ miệng với món canh chua xoài, sườn xốt xoài, xoài bằm ăn với cá chiên… mà du khách còn được thưởng thức các sản phẩm từ xoài như trà xoài, kem xoài, chè xoài, xoài sấy muối ớt… Thời gian tới, anh Truyền cùng cộng sự cũng sẽ tiếp tục đưa ra thị trường rượu xoài, vang xoài... để du khách thưởng thức trọn vẹn các sản phẩm được chế biến từ xoài. Địa điểm thưởng thức các món ăn về xoài cũng sẽ trở thành nơi để chia sẻ câu chuyện về xứ xoài, giá trị của xoài Cam Lâm.
“Dựa trên những mô hình du lịch cộng đồng đã phát triển ở Việt Nam như dâu ở Đà Lạt, nho ở Ninh Thuận… chúng tôi giới thiệu đến du khách về xoài Cam Lâm. Không chỉ nói về diện tích xoài lớn, những trái xoài Úc đẹp mắt… mà chúng tôi còn giới thiệu để du khách hiểu hơn về nét đặc trưng của những vườn xoài cổ thụ ở đây, câu chuyện lịch sử gắn liền với xứ xoài. Những cây xoài cổ thụ này đã gắn bó với người dân quê hương từ bao đời nay, nếu biết cách khai thác tiềm năng của những vườn xoài này, nó sẽ sống cùng người dân lâu hơn nữa”, anh Truyền chia sẻ.
Du khách đến với tour này đều tỏ vẻ thích thú vì có những trải nghiệm mới lạ. Sau khi trải nghiệm tour du lịch vườn xoài, chị Anaiya Mussolini (du khách Mỹ) chia sẻ: “Tham gia tour du lịch này, tôi được trải nghiệm rất nhiều, có cơ hội thấy tận mắt thấy những trái xoài trên cây, được ăn xoài, bánh xoài… Với những tour quá đông khách sẽ làm cho du khách bị ngợp, nhưng với tour này, chúng tôi được trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa người Việt thông qua tham quan vườn xoài cổ, đi chợ, đi chùa, tham quan xưởng sản xuất bánh xoài. Tôi còn tự tay làm bánh xoài nên rất thích”.
Bằng hình thức chia sẻ thông tin lên các mạng xã hội, website kết hợp với các đơn vị du lịch, các bạn trẻ ở Cam Lâm đã thu hút được sự quan tâm của du khách với mô hình du lịch này. Từ đó, tạo ra lợi ích kinh tế cho cả nhà nông và du lịch. Đồng thời, góp phần quảng bá giá trị của trái xoài, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của địa phương và nâng tầm giá trị cho những vườn xoài cổ nơi đây.
Chị Nguyễn Thị Thanh Châu, một hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Du khách rất thích tour này vì khá mới mẻ và riêng biệt, nhất là khách quốc tế. Riêng tại vườn xoài cổ, du khách rất ngạc nhiên khi được tận mắt nhìn thấy những cây xoài to lớn, có tuổi đời lâu như vậy”.
Clip: Du khách thích thú trải nghiệm tour trải nghiệm vườn xoài ở Cam Lâm.
Châu Tường