'Xóa mù' tài chính
Thời gian qua có nhiều vụ án bị khởi tố do cán bộ làm trái các quy định của luật pháp. Nhiều dự án, công trình rơi vào cảnh dở dang hoặc không hiệu quả.
Hậu quả là thêm gánh nặng lên ngân sách quốc gia, làm tốn hao tiền thuế của người dân. Ngoài nguyên nhân là một bộ phận cán bộ suy thoái, lợi ích nhóm, lấy cái chung phục vụ riêng tư, còn do nhiều cán bộ có quyền quyết định lại yếu kém năng lực về quản lý tài chính.
Cứ hình dung trong gia đình, cha mẹ nếu biết thu vén thì cũng số tiền ấy nhưng có thể lo chu toàn cả trước mắt và tương lai học hành sau này cho con cái. Ngược lại, cũng tiền ấy nhưng có gia đình muôn đời ở nhà thuê, không có điều kiện để con cái học lên cao. Đơn giản là quản lý tài sản, chi xài 1 tỉ đồng sẽ khác 10 tỉ hay cả trăm tỉ, nếu không có kỹ năng quản lý tài chính.
Thế nhưng, cải cách tài chính công, một trong các cấu phần của chương trình cải cách hành chính quốc gia nhưng mới chỉ dừng ở các nguyên tắc phân bổ, tăng quyền tự chủ, định mức chi tiêu, kiểm tra giám sát mà quên bồi dưỡng năng lực quản lý tài chính cho những người đứng đầu các cơ quan công quyền và cả các cơ sở dịch vụ công.
Đào tạo về quản lý tài chính cho những người nắm và có quyền quyết định xài tiền ngân sách trước hết làm cho những người này có tri thức và kỹ năng huy động nguồn lực tài chính, phân bổ, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả và minh bạch. Việc bồi dưỡng đạo đức, chính trị, tin học và ngoại ngữ cho cán bộ quản lý như hiện nay là cần thiết nhưng cũng rất cần có thêm một chương trình "xóa mù" tài chính cho những đối tượng này để làm cho nền tài chính công lành mạnh.
Thực tế cho thấy không ít người đứng đầu cơ quan hành chính hoặc cơ sở dịch vụ công quyết định chi tiêu hằng năm từ hàng chục tỉ đến hàng trăm tỉ đồng nhưng rất thiếu tri thức về kinh tế - tài chính nên dễ dẫn đến sai phạm.
Ở các cơ sở dịch vụ công như trường học hay bệnh viện, đổi mới quản lý tài chính không thể đơn giản chỉ là các nguyên tắc phân bổ tài chính từ ngân sách nhà nước và chi tiêu theo những định mức chặt chẽ do Nhà nước ban hành mà còn phải là những hoạt động đào tạo "xóa mù" tài chính cho những người đứng đầu các cơ sở này nhằm tiêu đồng tiền ngân sách một cách thông minh và đúng luật pháp.
Kinh nghiệm cho thấy những cơ sở giáo dục hoặc y tế có người lãnh đạo am hiểu về tài chính thường có điều kiện phát triển rất tốt trên cơ sở huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả từ xã hội. Ngược lại, các đơn vị được giao cho những người non tay, thiếu kinh nghiệm, thậm chí "mù" về quản lý tài chính thì khó tránh khỏi thất thoát hoặc đơn vị ì ạch không phát triển.
Chúng ta nói "tiết kiệm là quốc sách", nhưng trong thực tế chúng ta đã khá lãng phí khi sử dụng nguồn lực tài chính, nguồn lực con người, nguồn năng lượng, tài nguyên, thời gian và cả không gian.
Không có ai trở nên giàu có nếu lãng phí, và cũng không có quốc gia nào trở nên hùng mạnh khi không đầu tư quản lý tốt nguồn lực. "Xóa mù" giao việc và tài sản đúng người am hiểu, biết quản lý sẽ hạn chế được những vụ án thất thoát tài sản, ngược lại sẽ có nhiều đơn vị "ăn nên làm ra" nhờ biết khai thác tốt tài sản công được giao.
Với cơ chế ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự địa phương có thể xử lý tài sản cùng lúc trên nhiều địa phương đối với tội phạm tham nhũng, có thể khắc phục điểm nghẽn thu hồi tài sản tham nhũng.