Xóa bỏ ca khúc phản cảm, dung tục: Quyền lực trong tay khán giả

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 13:57:31

Bên cạnh sự mạnh tay của các cơ quan quản lý, chính công chúng đang nắm giữ quyền lực mềm, đó là tẩy chay các sản phẩm âm nhạc phản cảm, dung tục.


Mới đây, Chi Pu đã cho ra mắt sản phẩm âm nhạc mới, nhận được nhiều ý kiến đánh giá trái chiều. Điều đáng tiếc là không phải khen mà là những bình luận tiêu cực. Nhiều nhà báo chuyên mảng âm nhạc đã nhận định đây một video ca nhạc gợi dục, phản cảm , với ca từ dung tục, sáo rỗng. Thậm chí không ít nhạc sĩ phải thốt lên - đây là rác. Nhưng đáng nói là chỉ sau 5 ngày ra mắt, video này đã có tới gần 2 triệu lượt xem - 1 con số nhiều ca sĩ,  nghệ sĩ phải mơ ước.

Vì sao những sản phẩm như vậy lại thu hút đông đảo khán giả đến thế? Vừa qua, một MV ca nhạc đã tự gỡ xuống và bị chỉ trích vì nội dung cổ xuý tình dục trốn công sở. Một ca sĩ có tầm ảnh hưởng đã buộc phải gỡ khỏi youtube, nộp phạt 70 triệu cùng lợi nhuận thu được từ MV vì nội dung gây ảnh hưởng xấu tới tâm lí của những người trẻ.

Phần lớn ý kiến đều phản đối những nội dung tục tĩu. Nhưng kỳ lạ là các video này thường có lượng xem cao, bài ít nhất có 6 triệu lượt xem, nhiều thì lên tới 24 triệu. Thậm chí, nhiều bài còn lọt top thịnh hành của các trang nhạc trực tuyến.


Nói về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Hà Sơn chia sẻ: "Một người A chê bài hát này phản cảm , người B chê có thể không yêu thích cô ca sĩ đó nhưng hoàn toàn có thể chọn xem. Chính sự tò mò dây chuyền đó khiến những bài hát có thể được đánh giá là phản cảm, dung tục nhưng nếu nhìn lượng view rất cao. Tôi nghĩ có nhiều ca sĩ tạo ra các sản phẩm gây những luồng tranh luận trái chiều thì họ biết, có những lời ca khi viết ra họ biết có thể gây tranh cãi nhưng họ chấp nhận điều đó, miễn là sản phẩm của mình gây chú ý".

Một điểm chung là đa phần những ca khúc hoặc video ca nhạc như vậy dễ nghe, dễ thuộc, bối cảnh, vũ đạo bắt mắt, cách thể hiện thịnh hành với xu hướng thế giới. Người hát lại được truyền thông, mạng xã hội lăng xê tích cực. Thế nhưng, điều gì sẽ xảy ra khi ca từ, động tác biểu diễn, hình ảnh tràn ngập nội dung cố súy bạo lực, khiêu dâm, tự tử? Người lớn có thể nhún vai bỏ qua. Nhưng với trẻ em tuổi teen, lứa tuổi nhạy cảm, đây lại là câu chuyện đáng nói.

"Rõ ràng, khi các bạn trẻ nghe đi nghe lại, tiếp nạp vào trong đầu thì sẽ trở thành thói quen. Họ nghĩ rằng như thế là không sai, thậm chí có người nghĩ như vậy là đúng. Điều đó ảnh hưởng tới nhân cách của mỗi con người mà chúng ta cần phải thanh lọc từ những người làm nghề, từ chính phụ huynh và thậm chí sự tác động của người trẻ khi họ lựa chọn và nghe âm nhạc", nhà báo Hà Sơn cho hay.


"Có khá nhiều sản phẩm âm nhạc khi đưa ra công chúng gây tranh cãi vì ca từ dung tục, hoặc hình ảnh và thông điệp trái thuần phong mỹ tục và bị xử phạt. Nhưng có vẻ với nhiều ca sĩ, việc xử phạt không phải hình thức răn đe lớn nhất, có nhiều người bị xử phạt rồi vẫn tái diễn. Cơ quan quản lý văn hóa cần có biện pháp lớn hơn. Ngoài ra, về phía khán giả cũng vậy, chúng ta phải có sự quyết liệt hơn".

Âm nhạc là sáng tạo, có thể có những lối đi riêng trong thủ pháp nghệ thuật, phong cách, trào lưu... Nhưng sẽ không ai dung túng cho những sản phẩm đi ngược lại chuẩn mực văn hóa, đạo đức xã hội được gắn mác sáng tạo.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết Cục đã gửi văn bản đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý những rapper phát hành sản phẩm có nội dung phản cảm.

Chia sẻ Facebook