Xiaomi: Hành trình của một công ty khởi nghiệp trở thành thương hiệu toàn cầu
Năm 2019, chỉ 9 năm sau khi thành lập, Xiaomi đã trở thành trở thành cái tên trẻ nhất lọt vào bảng xếp hạng Fortune 500. Năm 2020, Xiaomi trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ ba trên thế giới sau Samsung và Apple. Cuốn sách “Xiaomi Hành trình của một công ty khởi nghiệp trở thành một thương hiệu toàn cầu”- tiết lộ hành trình phi thường với những chiến lược kinh doanh sâu sắc của Xiaomi - là cuốn sách cần phải đọc cho bất cứ ai quan tâm khởi nghiệp và kinh doanh thành công.
Khi ngành công nghiệp điện thoại thông minh của thế giới "bị thống trị" bởi hai "đại gia" Apple và Samsung với hàng chục tỷ đô la được chi cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo mỗi năm nhằm duy trì vị trí hàng đầu của họ; ít người có thể hình dung sẽ có một công ty nào đó đe dọa được vị thế của hai "ông lớn này". Vì vậy, Xiaomi thực sự đã làm nên kỳ tích khi bám đuổi được sát nút hai "đại gia" này.
Từ một công ty khởi nghiệp vô danh, Xiaomi chỉ mất vẻn vẹn 9 năm để lọt top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới - Fortune 500, sau đó vào năm 2020 thì trở thành doanh nghiệp điện thoại thông minh lớn thứ ba trên thế giới; thậm chí trở thành thương hiệu thống trị tại Ấn Độ - thị trường điện thoại điện thoại di động lớn thứ hai trên thế giới. Vậy điều gì đã giúp tạo nên hành trình phi thường này của Xiaomi?
Cuốn sách "Xiaomi Hành trình của một công ty khởi nghiệp trở thành một thương hiệu toàn cầu" của tác giả Jayadevan - một phóng viên công nghệ có hơn 12 năm kinh nghiệm, đã theo sát quá trình phát triển của Xiaomi cũng như nhiều công ty công nghệ khác – sẽ đem đến câu trả lời đầy đủ cho các độc giả quan tâm chủ đề này.
Người lãnh đạo số 1
Yếu tố đầu tiên quyết định sự thành bại của Xiaomi chính là đầu tàu, người lãnh đạo số 1 của tập đoàn này, ông Lôi Quân. Là một người từng hoạt động trong ngành công nghệ trong hơn 20 năm, nhưng vì nhiều lý do, ông Quân không gặt hái được thành công đáng kể trong công việc điều hành. Bù lại ông gặt hái thành công đáng ghi nhận hơn trong mảng đầu tư mạo hiểm cho các công ty công nghệ khởi nghiệp tại Trung Quốc.
Dầu vậy, ông Quân vẫn luôn nung nấu ý định xây dựng được một doanh nghiệp lớn, có thể vươn tầm thế giới. Ở tuổi 40, nhận thấy điện thoại thông minh chính là tương lai, ông Quân quyết định thành lập nên Xiaomi. Quá trình điều hành và kinh doanh trong ngành công nghệ hơn 20 năm, giúp ông có được nhiều kinh nghiệm quý giá khi thành lập và phát triển công ty để đời của mình.
Đầu tiên đó là chuyện kêu gọi tám người bạn trong việc góp tiền, góp sức để phát triển công ty. Với tài sản có được trong hơn 10 năm đầu tư mạo hiểm thành công, tiền vốn rót cho Xiaomi không phải là một vấn đề lớn với ông Lôi Quân. Nhưng ông muốn kêu gọi bạn bè góp cổ phần là muốn mỗi người với một thế mạnh, có thể giúp Xiaomi từng bước đi tới thành công. Quá trình phát triển của Xiaomi kể từ năm 2010 đến nay là một minh chứng không thể phủ nhận cho chiến lược khôn ngoan và đúng đắn này của ông Lôi Quân.
Thực tế, sau này, với việc lôi kéo Hugo Barra (nguyên Giám đốc điều hành của Google); sau đó là việc phát hiện Manu Jain (một người khởi nghiệp Ấn Độ, giàu tiềm năng) vào đội ngũ ban lãnh đạo cấp cao, đóng góp sự phát triển vượt bậc cho Xiaomi; ông Lôi Quân lại tiếp tục chứng minh được tầm nhìn xa cũng như nghệ thuật lãnh đạo tài ba của mình.
Lấy người dùng làm trung tâm
Lấy người dùng làm trung tâm là chiến lược vô cùng quan trọng tiếp theo của Xiaomi. Hơn 10 năm làm việc tại Kingsoft và quan sát sự thất bại của các thương hiệu lớn như Nokia, Motorola giúp ông Lôi Quân nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc đáp ứng nhu cầu, mong muốn của khách hàng.
Ra mắt thương hiệu Xiaomi bằng việc giới thiệu hệ điều hành MIUI (nền tảng tùy biến dựa trên hệ điều hành Android), lắng nghe phản hồi của khách hàng và đưa ra bản cập nhật hàng tuần, thay vì hàng năm như nhiều hãng khác, là điều khiến khách hàng hoàn toàn tin tưởng vào sự xuất sắc của sản phẩm, giúp tạo ra tiếng vang và sự ủng hộ nhiệt thành khi Xiaomi ra mắt mẫu điện thoại đầu tiên vào năm 2011. Đây cũng là chiến lược được Xiaomi áp dụng xuyên suốt trong quá trình phát triển của mình và ngày càng lôi kéo được nhiều người gia nhập vào cộng đồng fan hâm mộ của mình.
Chiến lược giá trung thực
Tiếp đó, chiến lược giá trung thực (bán những chiếc điện thoại chất lượng cao gần với giá sản xuất nhất) càng khiến Xiaomi chiếm được lòng tin của khách hàng. Nửa đầu năm 2014, doanh thu của Xiaomi đạt 5,5 tỷ đô la (vượt qua doanh thu của cả năm 2013), lãi thực đạt 566 triệu đô là và đứng trong top thương hiệu điện thoại di động hàng đầu Trung Quốc. Đây cũng là chiến lược giúp Xiaomi lần lượt chinh phục được nhiều thị trường quốc tế lớn sau đó như Brazil, đặc biệt là Ấn Độ- thị trường điện thoại di động lớn thứ hai trên thế giới… Người tiêu dùng ở khắp nơi hân hoan và truyền tai nhau khi họ có thể sở hữu một chiếc điện thoại nhiều tính năng hơn cả mong đợi với giá tiền vừa phải so với nhiều thương hiệu trên thị trường.
Mi Fans
Việc coi người dùng là trung tâm cùng chiến lược giá trung thức đã giúp Xiaomi tạo dựng được sự tin tưởng vững chắc trong lòng người tiêu dùng, hình thành nên cộng đồng Mi Fans hùng hậu trên khắp thế giới. Điều này giúp Xiaomi có thể tận dụng cộng đồng để quảng bá sản phẩm, mà không hề phải mất hàng tỷ đô la chi cho quảng cáo như nhiều tập đoàn công nghệ khác.
Nó cũng giúp Xiaomi khi phát triển thêm hàng loạt các sản phẩm công nghệ khác như: tai nghe, pin sạc dự phòng, loa bluetooth, tivi, đồng hồ theo dõi sức khỏe, máy lọc không khí, đèn chiếu sáng thông minh, robot hút bụi… thì có thể dễ dàng "xâm nhập" vào các gia đình. Chiếc điện thoại thông minh uy tín đã trở thành cánh cổng để Xiaomi đi vào hàng triệu gia đình với hàng loạt các sản phẩm khác.
Để tăng tính kết nối với cộng đồng, Xiaomi cũng thường xuyên cung cấp cho người hâm mộ những phần mềm nhỏ miễn phí và hữu ích. (Họ không trả tiền cho người hâm mộ của mình hoặc thu phục họ bằng điện thoại miễn phí)
Mặc dù luôn bị cáo buộc là thương hiệu sao chép Apple. Tuy nhiên thực tế kinh doanh chứng minh, nếu không có những chiến lược, đường lối riêng, những biện pháp linh hoạt để đối phó với sự thay đổi của thị trường (ví dụ tình trạng tẩy chay dâng cao tại Ấn Độ) Xiaomi khó có thể gặt hái được thành công khiến nhiều người phải ngưỡng mộ như vậy.
Và với độ dày vừa phải (hơn 200 trang sách), lối viết lôi cuốn, nội dung hấp dẫn cùng phân tích toàn diện, sâu sắc về quá trình phát triển phi thường của thương hiệu điện thoại di động lớn thứ ba trên thế giới, "Xiaomi Hành trình của một công ty khởi nghiệp trở thành một thương hiệu toàn cầu" là cuốn sách cần phải đọc cho bất cứ ai quan tâm khởi nghiệp, kinh doanh thành công, đặc biệt là có mong muốn chinh phục thị trường thế giới.
Nhận xét về cuốn sách, Kunal Shah, CEO kiêm nhà sáng lập CRED viết: "Jayadevan P.K dẫn ta vào một hành trình hấp dẫn về sự nổi lên của Xiaomi. Đây là cuốn sách cần phải đọc cho bất kỳ ai có mong muốn xây dựng một công ty khởi nghiệp. Nó mở khóa các yếu tố chiến lược giúp nhiều công ty hiện đại trở nên khác biệt và thành công ngay cả khi phải đối mặt với những đối thủ đáng gờm".
Theo Nhịp Sống Kinh Tế