Xét xử vụ Việt Á: Nhìn lại diễn biến nổi bật tại phần tranh luận
Tại phần tranh luận, đại diện VKS đưa ra nhiều luận cứ phản bác bị cáo và người bào chữa về căn cứ xác định "thổi giá”, hay việc cựu Thứ trưởng nhận 50.000 USD.
Căn cứ xác định giá test của Việt Á chỉ 143.000 đồng
Tại phần tranh luận, một số luật sư ý kiến về căn cứ xác định giá test của Việt Á là 143.000 đồng và căn cứ khẳng định kết luận Việt Á nâng khống lên 470.000 đồng. Phải chăng cần trưng cầu giám định?
VKS lý giải, việc trưng cầu giám định là không cần thiết, bởi cơ quan chức năng đã xác định rõ, cụ thể thời điểm, từng đợt thầu… Trong đó, yếu tố cấu thành giá được xác định từ 6 nguồn, cơ quan điều tra của VKS cũng đã xác định rõ các nguồn đó.
Quá trình thực nghiệm điều tra, cơ quan chức năng đã xuống cơ sở sản xuất của Việt Á, trực tiếp theo sát quá trình sản xuất ra những kít test với đúng nhân viên, máy móc, quy trình của Việt Á đang làm.
Bên cạnh đó, căn cứ vào nguyên liệu đầu vào, hoá đơn chứng từ nguyên vật liệu, phần mềm lưu trữ, sổ sách ghi chép của Công ty Việt Á, cộng cả thuế, lợi nhuận… để cơ quan chức năng xác định được mức giá 143.000 đồng là hoàn toàn có cơ sở.
100 triệu hay 50.000 USD?
Đây là vấn đề tiếp tục được tranh cãi từ phiên xét hỏi cũng như tại phần tranh luận của luật sư cho cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc.
Ông Tạc khai, chỉ nhận 2 cọc tiền được Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á gửi trong túi quà, mỗi cọc 50 triệu đồng, tổng là 100 triệu đồng. Luật sư bào chữa cho rằng, căn cứ kết tội ông Tạc nhận 50.000 USD là mờ nhạt và hoài nghi về việc Phan Quốc Việt có thể mang số tiền hàng triệu đô được đổi từ Đà Nẵng rồi qua sân bay ra Hà Nội.
Theo luật sư, rất khó để xác định Việt có dùng số tiền đó để đưa như lời khai hay không vì Việt nói rút tiền ở Đà Nẵng rồi ra Hà Nội, một thời gian sau mới dùng tiền đó để đưa ông Tạc.
VSK cho rằng, luật sư nhớ nhầm vì quy định mang tiền đô trong nước qua sân bay không phải khai báo, trừ khi ra nước ngoài phải khai báo hải quan. Cơ quan điều tra đã xác định kỹ từ lời khai, sao kê, sổ sách ghi chép,… chứ không đơn thuần là một chứng cứ nào. Nếu luật sư có thể đưa ra bằng chứng cơ quan tố tụng làm sai quy trình thì VKS chịu trách nhiệm.
Về phần Việt, bị cáo cho hay, có thói quen dùng USD để “cảm ơn” lãnh đạo cấp cao, như đối với các ông: Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng… Quà cảm ơn sẽ được ông chủ Việt Á căn cứ theo chức vụ, vai trò giúp đỡ,... và con số 50.000 USD là thường dùng.
Tính nhân văn của phiên toà
Theo đại diện VKS Nhân dân Tp. Hà Nội, vụ án này có quy mô lớn, xảy ra tại nhiều tỉnh thành lại được thực hiện theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó mọi quy trình trong vụ án đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, triển khai thận trọng.
Trong đó cũng thể hiện tính nhân văn, vận dụng triệt để mức khoan hồng. Nhiều luật sư cho rằng, mức án còn cao, nhưng phải thấy trong các nhóm tội danh, án cao nhất cho tội “Nhận hối lộ” lên đến tử hình; tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” mức án cao nhất là chung thân, nhưng ở đây, VKS đều đề nghị mức án thấp hơn rất nhiều, nhiều bị cáo được hưởng án treo.
Tính nhân văn còn thể hiện việc đưa các bị cáo của Việt Á về xét xử tại tòa Hà Nội, đại diện VKS nói: “Nếu đẩy về từng địa phương thì các bị cáo không biết còn phải chịu bao nhiêu bản án”.
Hiện HĐXX bước vào thời gian nghị án, phiên toà sẽ mở lại vào thứ 6 (ngày 12/1/2024) .