Xét xử ông Lê Thanh Thản: Trả hồ sơ điều tra bổ sung

Chia sẻ Facebook
11/08/2023 01:07:13

Hội đồng xét xử vụ Lê Thanh Thản đã hội ý và ra thông báo quyết định trả hồ sơ để điều tra, làm rõ một số vấn đề hiện không thể làm rõ tại phiên tòa sáng ngày 10/8.


Sáng nay (10/8), Tòa án nhân dân Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản về tội lừa dối khách hàng.

Đại diện cho phía bị hại, bà Đinh Thị Nguyệt, người dân trực tiếp ký kết với công ty Bemes để mua căn hộ không đồng ý với cáo trạng của Viện kiểm sát là hành động của Công ty Bemes chỉ gây ra thiệt hại gần 500 tỷ đồng.


bà Nguyệt nêu quan điểm hành vi của ông Thản nói riêng và công ty Bemes nói chung là hành vi vi phạm pháp luật gây ra rất nhiều khó khăn khác cho người dân mua nhà và sinh sống tại dự án CT6C Kiến Hưng.

Là người bị hại, bà Nguyệt cho biết dù đã mua căn hộ được hơn 10 năm nhưng không được xác nhận quyền sở hữu tài sản nên không thể thể chấp để vay tiền khi cần, không thể đăng ký hộ khẩu khai sinh cho con cái, không có cơ sở làm địa chỉ đăng ký tạm trú…

Theo thời gian, giá trị căn hộ đã thay đổi vì đã 10 năm trôi qua. Với phương án mà ông Lê Thanh Thản đưa ra là trả lại giá trị căn hộ ban đầu theo bà Nguyệt là không hợp lý bởi hiện này giá nhà đất đã thay đổi rất nhiều, nếu nhận lại số tiền mua nhà của 10 năm trước thì đến nay rất khó để mua được một căn hộ tương đương.


Ngoài ra, trong quá trình về sinh sống tại căn hộ, các hộ dân đã phải đầu tư về nội thất một khoản chi phí không nhỏ, chuyển đi sẽ có sự thiệt hại.

Đồng thời bà Nguyệt còn cho biết thêm, trong suốt 10 năm qua đã phải đi khiếu kiện khắp các cấp chính quyền, “gõ cửa” từng bộ ban ngành để giành lại quyền và lợi ích của bản thân.

Tòa nhà CT6C không nằm trong quy hoạch được duyệt (Ảnh: Phạm Tùng).

Do đó, chủ căn hộ tại toà CT6C bày tỏ mong muốn được toà án nhanh chóng giải quyết vụ việc, tránh tách ra thành vụ án dân sự khác rồi để bị kéo dài thời gian, tiếp tục gây thêm thiệt hại về tinh thần cho cư dân.

Trước những luận điểm trên, đại diện người bị hại kiến nghị được bồi thường theo giá trị căn hộ tham khảo trên thị trường trong khu vực quanh toà nhà CT6C với giá trị 25,5 triệu đồng/m2, nhân với diện tích của từng căn hộ.

Tuy nhiên thẩm phán đã bác bỏ ý kiến trên và cho rằng dự án CT6C là một dự án sai phạm, không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng nên không thể tính theo giá thị trường được bởi không có cơ sở để tính toán.

Bà Nguyệt đối đáp lại rằng để xảy ra sự việc trên còn là vấn đề trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong khu vực đã không hoàn thành đúng chức trách, nhiệm vụ mới dẫn đến một dự án sai phạm được ngang nhiên xây dựng và chào bán như vậy.

Cũng là người bị hại nhưng trái ngược với ý kiến của bà Nguyệt, ông Nguyễn Văn Công – người chi 1,3 tỷ đồng để mua lại căn hộ vào năm 2017 lại chỉ muốn lấy lại được đúng số tiền bỏ ra mua căn hộ. Tuy nhiên đến nay ông vẫn chưa đạt được thoả thuận cuối cùng đối với công ty nên vẫn chưa nhận được khoản tiền nào.

Bổ sung thêm ý kiến, bà Phạm Thị An, người cũng mua lại căn hộ qua bên thứ ba có hợp đồng chuyển nhượng và xác nhận của công ty lại có ý kiến khác. bà An đề nghị mức giá lên tới 34 triệu đồng/m2 căn hộ với lý do dự án ở Thanh Trì đang được rao bán mức giá thấp hơn, trong khi căn hộ ở CT6C Kiến Hưng lại có vị trí đẹp và thuận lợi hơn Thanh Trì.

Ông Thản bày tỏ muốn được ngồi lại trao đổi với cư dân toà CT6C.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các bị hại, bị cáo Lê Thanh Thản cam kết sẽ tiếp tục tiến hành đàm phán, thoả thuận với người dân để đưa ra mức tiền “hợp tình hợp lý nhất với cả hai bên”, với điều kiện hai bên phải đồng thuận ngồi lại trao đổi.

Đối với các bị hại, Hội đồng xét xử cho biết, trong giai đoạn cơ quan điều tra vụ án này, các bị hại chưa được làm việc thì liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an Tp.Hà Nội để được bảo đảm quyền lợi.


Đối với bị hại nào muốn thỏa thuận với Công ty Bemes về việc mua bán lại căn hộ, hoặc nhận tiền bồi thường có thể đến Công ty Bemes để trực tiếp làm việc .

Chia sẻ Facebook