Xếp hạng sức mạnh quân sự: Ukraine tăng hạng, nhiều "ông lớn" NATO tụt bậc

Chia sẻ Facebook
11/07/2023 15:49:37

Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự thế giới do Global Firepower (GFP) đánh giá cho thấy Ukraine tăng hạng đáng kể còn các nước thành viên NATO như Đức và Pháp tụt hạng.


Quân đội Đức đang ngày càng tụt bậc trong bảng xếp hạng sức mạnh quân sự thế giới của GFP.

Mỹ và Nga vẫn lần lượt là hai quốc gia xếp thứ 1 và thứ 2 trong bảng xếp hạng của GFP. Năm nay, Ukraine tăng hạng đáng kể, từ xếp hạng 22 của năm ngoái lên hạng 15. Trong khi đó, Đức tụt xuống hạng 25, theo RT.

GFP đánh giá sức mạnh quân sự của 145 quốc gia trên thế giới và chấm điểm dựa trên quy mô về vũ khí, năng lực tài chính và hậu cần.

Trong bảng xếp hạng, Nga vẫn vượt xa Mỹ về số lượng xe tăng, pháo tự hành và pháo phản lực phóng loạt. Trong khi đó, Mỹ hoàn toàn vượt trội về năng lực không quân.

Để giữ vị trí số 1 toàn cầu, Mỹ đã chi ngân sách quốc phòng hằng năm bằng 10 quốc gia xếp sau cộng lại. Trung Quốc là quốc gia xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng của GFP.

Không có quốc gia nào sở hữu sức mạnh quân sự tiệm cận Mỹ, Nga và Trung Quốc trong bảng xếp hạng. Ấn Độ xếp thứ 4 và Anh xếp thứ 5 có số điểm kém xa so với 3 quốc gia hàng đầu.

Năm nay, Anh vượt Nhật Bản, Hàn Quốc và Pháp để xếp ở vị trí 5, dù giới lãnh đạo Anh không ngừng báo động về tình trạng quân đội.

Nhiều quốc gia thành viên NATO khác tụt hạng. Pháp rơi từ vị trí thứ 7 xuống thứ 9. Đức từng nằm trong top 10 nhưng nay đã rơi xuống vị trí thứ 25, xếp sau Thái Lan. Canada, quốc gia thành viên NATO khác, rơi từ vị trí thứ 23 xuống 27.

Trong khi đó, Ukraine tăng 7 hạng, từ vị trí thứ 22 lên 15. Trong bối cảnh Ukraine vẫn đang có xung đột với Nga, chỉ số sức mạnh quân sự của nước này cũng tăng lên, một phần nhờ vào sự hỗ trợ tài chính và quân sự từ phương Tây, báo cáo cho biết.

Năm 2023 được cho là năm quan trọng để quyết định cục diện xung đột Nga - Ukraine. Theo số liệu của Viện Kiel có trụ sở ở Đức, Mỹ và các đồng minh đã hỗ trợ Ukraine 170 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1/2022 cho đến tháng 2/2023.

Phần lớn sự hỗ trợ nằm ở vũ khí, dẫn đến việc Washington ngày càng thiếu hụt vũ khí trong kho dự trữ. Mỹ đang sản xuất đạn dược với quy mô thấp hơn Nga, trong khi chưa thể đẩy nhanh sản xuất trong thời gian ngắn.

Trước đó, giới phân tích nhận định, Ukraine sẽ có khoảng thời gian từ nay đến cuối năm nhằm tạo bước đột phá với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bởi sang năm, sự hỗ trợ có thể giảm sút do cuộc bầu cử ở Nghị viện châu Âu vào tháng 6/2024 và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024.


Đăng Nguyễn - RT

Chia sẻ Facebook