Xem xét đề xuất giảm thuế môi trường để hạ giá xăng dầu vào tuần tới

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 20:30:38

Chính phủ đã có Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội sẽ họp, thẩm tra ngay vào chiều 18/3, trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đợt họp thứ 2, Phiên họp thứ 9 diễn ra vào tuần sau (22/3-25/3).

Cuối tuần trước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31 thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14/3/2022 cho phép bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính khẩn trương gửi hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14/3/2022 về dự án Nghị quyết nêu trên để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định.

Nếu được thông qua, dự kiến mức giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Việc giảm giá xăng dầu hoặc điều hành để biên độ tăng của giá xăng dầu (khi thị trường thế giới có biến động lớn) ở mức chấp nhận được là mong mỏi của cử tri, nhân dân cả nước, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu này.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua (16/3), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng để thực hiện được yêu cầu này, Chính phủ cần sớm trình các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng dầu ngay tại phiên họp lần thứ 9 đợt 2 trong tháng 3 này, để có thể tiến hành thực hiện ngay từ đầu tháng 4.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là cách làm nhanh nhất, tác động trực tiếp nhất tới việc giảm giá hoặc thu hẹp biên độ tăng của giá xăng dầu, không gây sốc cho người dân, doanh nghiệp là cách làm cấp bách, kịp thời như đề nghị của Bộ Tài Chính.

Tuy nhiên, để điều hành chắc tay với mặt hàng chiến lược này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra yêu cầu Chính phủ cần thực hiện các nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất, xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, đảm bảo cung cầu về giá và về xăng dầu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thứ hai, cần có những giải pháp tổng thể, căn cơ để kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, đảm bảo an ninh năng lượng ngay từ trong nước. Xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh.

Thứ ba, nghiên cứu đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống. Thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch rạch ròi giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát và điều chỉnh các loại thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận, v.v… cấu thành trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần kiểm soát giá xăng dầu nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao;...


Theo Trường Phong

Tiền Phong

Chia sẻ Facebook