Xem xét chuyển đầu tư công dự án BT 'nghìn tỷ' chậm tiến độ do tranh chấp nội bộ

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 19:35:30

UBND TP Hà Nội yêu cầu trước ngày 30/11/2022, nếu Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây không có phương án thống nhất giải quyết những vướng mắc, TP sẽ rà soát khối lượng đã thực hiện và chấm dứt thực hiện dự án BT để chuyển sang đầu tư công.

Xem xét chuyển đầu tư công dự án BT 'nghìn tỷ' chậm tiến độ do tranh chấp nội bộ


Dự án chậm 9 năm do mâu thuẫn lợi ích nội bộ

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có Thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn về xử lý các tồn tại, vướng mắc Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức hợp đồng BT và các dự án đầu tư khác để hoàn vốn dự án đầu tư theo hợp đồng BT.

Được biết, thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây có 2 đơn vị tham gia, gồm: Nhà đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và doanh nghiệp dự án là Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5.

Nguyên nhân dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây chậm tiến độ chủ yếu là do mâu thuẫn về lợi ích giữa Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án.

Theo đó, sau khi nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra TP, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP báo cáo tại hội nghị và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Chủ tịch UBND TP kết luận chỉ đạo các nội dung liên quan đến dự án.

Cụ thể, UBND TP thống nhất với nội dung báo cáo, kiến nghị của các Sở, ngành TP về nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là do mâu thuẫn về lợi ích giữa Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án. Hiện nay, mới thực hiện đạt 18,56km/41.5km đường và cầu sông Nhuệ, chưa đạt 50% tổng chiều dài tuyến, tiến độ dự án chậm hơn 9 năm.


"Tối hậu thư" để xem xét chuyển sang đầu tư công

Để đảm bảo lợi ích của Nhà nước và của nhân dân trong việc sớm đưa dự án đầu tư vào khai thác sử dụng, UBND TP yêu cầu trước ngày 30/11/2022, Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án phải có phương án thống nhất đảm bảo cơ sở pháp lý để giải quyết các vướng mắc và cam kết về tiến độ triển khai thực hiện Dự án đầu tư BT đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, có tính kế thừa.

Trên cơ sở đó, TP sẽ xin ý kiến của các cơ quan nội chính có liên quan để xem xét chấp thuận việc hoàn thiện các thủ tục tiếp tục đầu tư dự án.

“Sau thời hạn trên mà không có phương án thống nhất giải quyết, TP sẽ rà soát khối lượng đã thực hiện và chấm dứt thực hiện Dự án đầu tư BT để chuyển sang đầu tư công”, văn bản của UBND TP nêu rõ.

Ngoài ra, lãnh đạo TP Hà Nội cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Sở: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thanh tra TP; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP và các đơn vị có liên quan xác định ngay điểm dừng Dự án đầu tư BT và các dự án đối ứng, tính chi phí của dự án đầu tư BT, cân đối với giá trị quyền sử dụng đất đã giao để thanh toán dự án đầu tư BT tại các khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B. Cân đối tính toán theo nguyên tắc ngang giá phù hợp quy định của pháp luật.

Sau thời hạn ngày 30/11/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất về việc dừng Dự án đầu tư BT, chuyển sang đầu tư công, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.

Tại báo cáo về việc kiểm tra, rà soát tổng thể dự án BT Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT mới đây, Thanh tra Hà Nội chỉ ra hàng loạt tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án BT và các dự án khác để hoàn vốn như: Việc thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5; việc ký và thực hiện hợp đồng số 872 ngày 31/7/2008 giữa Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5; việc giao đất cho Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 (Doanh nghiệp dự án) thực hiện dự án BT Đường trục phía Nam và dự án đối ứng khác; về mâu thuẫn giữa Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP và Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 đều cho rằng công ty mình là nhà đầu tư dự án Đường trục phía Nam và chủ đầu tư dự án Khu đô thị Thanh Hà A,B, dự án Khu đô thị Mỹ Hưng (3 dự án đối ứng)…

Đình Phong


Tiền phong

Chia sẻ Facebook