Xem tranh, tranh luận cái... khung
Một số khung tranh còn trở thành vật bất ly thân của tác phẩm...
1. Hiếm khi người yêu nghệ thuật ở Sài Gòn có dịp xem tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái, bởi tranh của danh họa đã tản mác nhiều nơi, phần lớn đều nằm trong tay các nhà sưu tập. Vì vậy, khi triển lãm Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái trình làng với sáu chục tác phẩm và những hiện vật hiếm có về cuộc đời ông, giới mộ điệu đã mong chờ không ít. Tuy nhiên, thay vì bàn về loạt tác phẩm này, người xem lại xôn xao về những chiếc khung vàng óng ánh với họa tiết rườm rà được lồng vào tranh. Nói như nhiều họa sĩ, nhà phê bình, sự diêm dúa của chúng đã tương phản chan chát với thẩm mỹ dung dị của Bùi Xuân Phái.
Còn nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn trả lời báo Tuổi Trẻ: "Cái khung vàng là một sở thích, một ngôn ngữ của tôi".
Ở góc độ trung dung, họa sĩ Siu Quý cho rằng lý tưởng nhất vẫn là họa sĩ tự chọn khung tranh cho tác phẩm của mình vì họ mới là người hiểu nhất tinh thần bức tranh.
"Một khi bức tranh đã thuộc về nhà sưu tập thì đó là quyền tự do cá nhân, rất khó để khán giả nói vào. Đẹp hay xấu thì cũng tùy thuộc vào mắt thẩm mỹ của họ. Ở Hội Mỹ thuật TP.HCM, chúng tôi yêu cầu tác giả phải gửi tranh đi kèm với khung và tượng đi kèm bục. Tự bản thân nghệ sĩ phải trau chuốt cho tác phẩm và biến chúng thành một thể hoàn chỉnh" - ông nói.
2. Chuyện khung tranh tưởng như đơn giản nhưng lại gây ra nhiều tranh luận giữa giới nghệ sĩ và nhà sưu tập trên thế giới chứ không riêng ở Việt Nam. Thậm chí, mỗi một nhà sưu tập lại có cách đóng khung khác nhau, đại diện cho diễn ngôn trong từng thời kỳ, bối cảnh xã hội.
Vào những năm 1970, trước khi qua đời, nhà sưu tập Justin Thannhauser đã để lại một số tác phẩm nghệ thuật cho Bảo tàng Guggenheim. Như một chiến lược kinh doanh để khiến các tác phẩm trông có vẻ hoành tráng và giá trị hơn, Thannhauser lồng khung mạ vàng sang trọng cho các tác phẩm. Sau khi tiếp nhận, Thomas Messer - giám đốc bảo tàng - lại thay chúng bằng những chiếc khung trắng dạng hộp hiện đại hơn bởi khung mạ vàng đã lỗi thời, không hợp với bảo tàng.
Sự bất đồng tương tự cũng diễn ra với nghệ sĩ người Đức Hilla Rebay và giám tuyển James Johnson Sweeney. Hilla Rebay cho rằng việc thưởng thức nghệ thuật giống như thực hành tâm linh, vậy nên bà đặt làm những chiếc khung bạc khổ lớn, áp sát tường để tạo không khí linh thiêng. Sweeney, ngược lại, thấy những chiếc khung tranh quá khổ này đang làm người xem bị mất tập trung, nên đã tìm cách thay thế bằng khung mỏng hoặc có khi còn không sử dụng cái khung nào để bao tranh.
Một số khung tranh còn trở thành vật bất ly thân của tác phẩm như bức Lion Hunt của họa sĩ Kandinsky. Chiếc khung có những chấm màu điểm xuyết là một phần của tranh, khiêu khích người xem đến với thế giới bên trong tranh.
Georgia O'Keeffe muốn người xem có thể quan sát cách thức hoạt động hình dạng, màu sắc, đường nét và bố cục mà không bị phân tâm. Thế nên, nữ nghệ sĩ đã làm việc với một nhà sản xuất khung để phát triển tám loại khung riêng biệt phù hợp với các tác phẩm của bà.
3. Gắn liền với tác phẩm và là một phần của lịch sử nghệ thuật, tuy nhiên, những chiếc khung tranh lại có số phận chìm nổi và đôi khi bị đối xử tùy tiện, dù nghệ sĩ Martin Kotler diễn tả tầm quan trọng của chúng như "người mẹ đang ôm đứa con của mình".
Để tác phẩm không rơi vào tình huống phải mặc chiếc áo kệch cỡm, để bức tranh có một mái nhà xứng hợp và tránh bị đối đãi thô bạo, thiết nghĩ trước hết nghệ sĩ nên tìm cho tranh chiếc khung thích đáng, thậm chí thẳng thắn trao đổi với nhà sưu tập về tiêu chuẩn khung tranh. Đó cũng là một trong những thứ mà nghệ sĩ, bằng quyền hạn của mình, có thể giúp người yêu nghệ thuật thưởng thức tác phẩm trọn vẹn.
Một số khung tranh còn trở thành vật bất ly thân của tác phẩm như bức Lion Hunt của họa sĩ Kandinsky. Chiếc khung có những chấm màu điểm xuyết là một phần của tranh, khiêu khích người xem đến với thế giới bên trong tranh.
TTCT - Tại sao chúng ta không còn cảm thấy một bức tranh đẹp có giá trị gì nữa, khi nó bị phát hiện là giả mạo, sao chép, cho dù bản chất vật lý của bức tranh không thay đổi? Điều gì đã xảy ra với tâm lý của người xem bức tranh đó?