Xem thường sinh mạng dân, vua quan cũng phải chịu quả báo

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 19:52:18

Thời xưa, vua quan thường được ví như phụ mẫu của dân, vậy nên luôn phải vì dân, che chở và lo cho dân. Tuy nhiên, cũng có những quan viên cậy quyền cậy thế ức hiếp dân, coi nhẹ mạng sống của dân, cuối cùng gặp quả báo nhãn tiền.

Trời vì dân mà lập vua, vua vì dân mà lập quan, đã làm vua quan thì đều cần lấy lợi ích của nhân dân mà làm, lấy dân làm gốc. (Ảnh: Sohu)


Người ta thường ví vua quan là “phụ mẫu” (cha mẹ) của dân, tức là người thân cận với dân nhất, vậy nên phải thương yêu, chăm lo cho đời sống của người dân. Nếu không làm được như vậy là đã trái với Thiên ý, khiến lòng dân căm hờn và ắt sẽ bị Trời trừng phạt.


Trong cuốn “An sĩ toàn thư” có viết: “Thiên vi dân nhi lập quân, quân vi dân, nhi thiết quan”, ý rằng Trời vì dân mà lập vua, vua vì dân mà lập quan, đã làm vua quan thì đều cần lấy lợi ích của nhân dân mà làm, lấy dân làm gốc.


Mạnh Tử trong “Tẫn Tâm Chương Cú Hạ” viết: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, ý rằng, dân là quý nhất, sau rồi đến xã tắc, cuối cùng mới là vua. Chính vì tư tưởng này mà trong văn hoá truyền thống xưa nay, những vua hiền quan nghĩa đều là lấy lợi ích của dân làm gốc, vì dân mà lo toan suy nghĩ trăm bề.


Thế nhưng, cũng có không ít vị quan phụ mẫu, vì lợi ích bản thân mà chà đạp lên dân thường, coi nhẹ mạng sống của dân, lợi dụng sức người sức dân để thu lợi bất chính cho mình. Trong mắt họ, người dân chỉ là một thứ công cụ không hơn không kém. Tuy nhiên, “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”, dù là bậc Đế vương hay quan lại, một khi dám trái Thiên ý mà áp bức dân thường, đều phải chịu báo ứng tương xứng. Dưới đây là một vài trường hợp được ghi chép lại trong lịch sử.

Bỏ bê trọng trách, cả gia quyến chết bất đắc kỳ tử


Vào thời nhà Thanh, có một vị quan đến Giang Tô nhậm chức quản lý tứ trấn trong vùng. Người này đem theo vợ con cùng đi, khi đến nơi thì hay tin vị quan tiền nhiệm mắc bệnh nặng vừa qua đời.


Trong năm đó, một số nơi trong vùng xảy ra lũ lụt, triều đình hạ lệnh miễn thuế cho dân đồng thời cho mở kho cứu tế. Triều đình cũng hạ chiếu chỉ cho tân huyện lệnh cùng với hai vị quan sai đi điều tra số người gặp nạn trong khu vực thiên tai, khẩn cấp cứu người.


Hai vị quan sai và tân huyện lệnh vốn là chỗ quen biết, vì vậy tân huyện lệnh đã giữ hai người cùng ở lại trong phủ, ngày đêm uống rượu hàn huyên tâm sự, để mặc việc cứu tế cho cấp dưới đi làm.


Vì quan huyện lệnh không sát sao giám sát, bỏ bê nhiệm vụ, nên những người bên dưới thừa cơ cấu kết với nhau, mưu cầu tư lợi khiến bách tính muôn dân phải chịu khổ, cơm không có ăn, áo không có mặc, không được cứu giúp, nhiều gia đình vì thế mà bỏ mạng.


Không lâu sau đó, cả hai vợ chồng tân huyện lệnh đều chết bất đắc kỳ tử. Lúc này tân huyện lệnh vẫn chưa đầy 40 tuổi. Đây chính là tội bỏ bê trọng trách khiến cho nhân dân chịu khổ lầm than, thực là quả báo nhãn tiền.

Trong văn hoá truyền thống xưa nay, những vua hiền quan nghĩa đều là lấy lợi ích của dân làm gốc, vì dân mà lo toan suy nghĩ trăm bề. (Ảnh: Aboluowang)

Làm quan bức cung dân lành, chịu quả báo đột tử


Vương Bá Dương sống vào triều Thanh, làm chức Tư mã, kiêm tri huyện Thượng Hải. Vì thế, những việc như chiêu mộ tráng đinh, bắt trộm cướp… đều do ông xử lý. Dưới tay ông có hai cha con nhà họ Chu rất hung bạo, võ nghệ cao cường, giúp ông đối phó với bọn trộm cướp.


Một hôm, quân lính tuần tra bắt được một chiếc thuyền trên có 12 người bị tình nghi là cướp biển, liền áp giải đến chỗ quan tri huyện. Vương Bá Dương đích thân thẩm vấn những người này.


Cả 12 nghi phạm này đều một mực kêu oan, kiên quyết không nhận mình là cướp biển. Họ khai làm nghề mua bán muối, hơn một ngàn đồng tiền vàng trong thuyền đều là tiền bán muối, tuyệt đối chẳng phải trộm cắp.


Vương Bá Dương thấy họ kiên quyết không thừa nhận thì giận lắm, liền ra lệnh dùng cực hình tra tấn. Chỉ trong chốc lát, cả 12 người đều bị đánh đập đến khắp người máu me bê bết, thế mà những trận đòn như trời giáng vẫn cứ tiếp tục đổ xuống thân thể họ. Không chịu nổi cực hình, cuối cùng họ phải nhận bừa rằng mình đúng là cướp biển.


Ngày hôm sau, quan quân tiếp tục lùng bắt những người tình nghi là cường đạo. Họ Chu vì để quên đồ vật trên thuyền tuần tra nên đi thuyền ra lấy, bỗng nhiên gặp một cuồng phong kéo đến, sóng gió đập mạnh vào thuyền làm chiếc thuyền nghiêng qua ngã lại, sau đó lật úp kéo theo họ Chu chìm sâu dưới lòng đại dương bao la.


Song Vương Bá Dương vẫn không nhận ra quả báo xấu ác của họ Chu bắt oan dân lành, lại phán quyết 12 người bán muối là hải tặc, lôi ra chém đầu. Quan trên cho rằng Vương Bá Dương có công lùng bắt hải tặc, liền thăng chức cho ông. Nhưng chỉ đến ngày thứ 3 sau khi được thăng chức thì Vương Bá Dương bị đột tử. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông ta luôn kêu thét kinh hoàng, bảo là nhìn thấy có rất nhiều oan hồn đến đòi mạng!

Bức hại bách tính, gặp quả báo thống khổ

Một người thân mang trọng trách của một vị quan phụ mẫu mà không làm tròn bổn phận vì dân phục vụ thì sẽ bị xử tội nơi Địa phủ. (Ảnh: Kinked)


Xưa có viên quan tham tên là Liễu Thắng, thường hay lạm dụng chức quyền làm nhiều điều ác khiến cho trăm dân căm phẫn, oán hận không nên lời. Sự việc được bẩm báo lên kinh, triều đình bèn phái một viên quan là Ân Thuật Khánh đến giám sát.


Nhưng Ân Thuật Khánh cũng là một tham quan, lợi dụng chức quyền cấu kết với Liễu Thắng để bòn rút của dân, cùng chia nhau số tiền tài bất chính.


Dân lành bị áp bức tàn khốc nhưng không thể kêu oan, chỉ còn cách cầu xin Thần Phật phù hộ người vô tội. Không đến nửa năm sau, Liễu Thắng đột nhiên mắc bệnh qua đời, sau đó vài ngày Ân Thuật Khánh cũng lâm bệnh rồi chết.


Lúc ấy, một gia nô đã cao tuổi cùng với con chó nuôi trong phủ của Liễu Thắng cũng vô duyên vô cớ mà chết đột ngột. Sang ngày thứ hai, khi mọi người đang chuẩn bị hậu sự thì người gia nô bỗng tỉnh dậy khiến ai nấy đều một phen hoảng loạn. Người gia nô này kể lại:


“Tôi vừa xuống địa phủ, thấy Diêm Vương đang ngồi trên điện đường. Sau đó ngài lệnh cho quỷ sứ áp giải lão gia Liễu Thắng và Ân Thuật Khánh đến, hai vị quan gia lúc đó đều phải chịu cực hình vô cùng thống khổ.


Diêm Vương bèn lệnh cho người mở cuốn sổ công tội ra xem, trên đó ghi chi tiết rõ ràng tôi đã thay mặt chủ nhân nhận bao nhiêu tiền, ngay cả con chó thường xuyên đi với tôi cũng cùng đến đối chứng.


Không lâu sau, trên điện đường truyền xuống: ‘Đem nhốt Liễu Thắng và Ân Thuật Khánh vào địa ngục cho đến khi đền hết tội ác đã gây ra’. Diêm Vương cho tôi trở về nhân gian là để nói rõ sự việc, hy vọng thế nhân sẽ lấy đó làm bài học răn đe, từ nay về sau không còn hành ác nữa”.


Liễu Thắng và Ân Thuật Khánh, một người thì thân mang trọng trách của một vị quan phụ mẫu mà không làm tròn bổn phận vì dân phục vụ, một người thì dùng thủ đoạn mua quan bán chức, hối lộ tham ô, cuối cùng đều gặp quả báo.


Có thể thấy, mỗi một triều đại hưng thịnh trong lịch sử đều có yêu cầu nghiêm khắc đối với đức hạnh của người làm Vua quan. Đồng thời phải đặt đạo trị quốc “lấy dân làm gốc” lên hàng đầu. Cổ nhân thường nói: “Mất thiên hạ là bởi vì mất dân. Mất dân là bởi vì mất lòng dân. Được lòng dân thì được thiên hạ. Điều dân muốn thì hãy làm cho đầy đủ, điều dân ghét thì đừng đem đến cho dân” .


Một người may mắn có được địa vị cao, vì dân mà phục vụ thì cần phải xử lý thận trọng, không sợ hãi, tận lực vì dân, thời thời khắc khắc đều phải vì dân mà nghĩ, mang lại hạnh phúc nhiều hơn nữa cho dân. Ngược lại nếu ỷ vào quyền cao chức trọng mà ức hiếp dân, coi thường mạng sống của dân, tham ô hối lộ, hại dân lợi mình, thì cho dù tự thân có bị lưu đày hay phải chịu cảnh tuyệt tử tuyệt tôn, cũng chưa đủ đền bù cho tội lỗi đã gây ra.


Tuệ Tâm (t/h)

Từ Khóa :

Chia sẻ Facebook