Xe tự lái khiến giới đầu tư mất kiên nhẫn: Thách thức khó hơn cả ‘lên trời’, chỉ có thể thành công sau 5 năm nữa
Sự mất kiên nhẫn của giới đầu tư vô hình chung đè nén áp lực lên một ngành công nghiệp vốn đã quá quen với việc được 'rót' vốn hào phóng.
Sau nhiều năm được vẽ ra mục tiêu tham vọng và hứa hẹn táo bạo, các nhà đầu tư đang ngày càng mất kiên nhẫn với tốc độ phát triển chậm chạp của xe tự lái. Điều này vô hình chung đè nén áp lực lên một ngành công nghiệp vốn đã quá quen với việc thường xuyên nhận được ‘núi’ tiền đầu tư.
Theo WSJ, các nhà sản xuất ô tô những tuần gần đây đã thu hẹp đáng kể kế hoạch cho công nghệ tự lái, trong bối cảnh áp lực kiềm chế chi phí ngày càng tăng do suy thoái kinh tế. Một quỹ phòng hộ có tầm ảnh hưởng đã đặt câu hỏi về triển vọng phát triển mảng công nghệ tự lái của Google với Waymo - thứ vốn được cho là khó khăn hơn nhiều so với dự tính 1 vài năm trước đó của nhiều chuyên gia.
Nhà đầu tư hoạt động Quản lý quỹ TCI trong tháng này đã gửi một lá thư tới Alphabet, thắc mắc về triển vọng này của Waymo. “Waymo không hề biện minh cho các khoản đầu tư quá mức của mình”, Christopher Hohn, Giám đốc điều hành TCI, viết.
Waymo vốn đã được hưởng lợi từ sự kiên nhẫn của Alphabet. Công ty này bắt đầu nghiên cứu xe không người lái từ hơn một thập kỷ trước, sau đó dần huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài vào năm 2020. Động thái này khiến nhiều người khi đó đồn đoán rằng Waymo sẽ tách ra thành một công ty độc lập.
Waymo tích hợp công nghệ tự lái vào dịch vụ gọi xe trả tiền tại khu vực tàu điện ngầm Phoenix, đồng thời đang mở rộng sang San Francisco và Los Angeles. Tháng trước, Tekedra Mawakana, đồng Giám đốc điều hành Waymo, đã chia sẻ về những thách thức trong việc triển khai công nghệ mới một cách an toàn.
“Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn trong quá trình học hỏi và chính xác trong từng khâu thực hiện. Đây thực sự là một cơ hội lâu dài”, bà Mawakana nói.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng kiên nhẫn như Waymo kỳ vọng. Đầu tháng này, Intel ra mắt mảng công nghệ xe hơi Mobileye thông qua đợt chào bán lần đầu ra công chúng, song định giá chỉ ở mức 23 tỷ USD trong ngày đầu giao dịch. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu 50 tỷ USD đã được đặt ra.
Ford Motor, tập đoàn đang chi 50 tỷ USD cho xe điện cho đến năm 2026, mới đây cũng đã từ bỏ kế hoạch theo đuổi giấc mơ xe tự lái, thay vào đó là tập trung vào tính năng lái xe rảnh tay Blue Cruise.
“Vào năm 2017, khi Ford đầu tư vào startup xe tự hành Argo AI, công ty dự đoán có thể đưa công nghệ ADAS cấp độ 4 ra thị trường vào năm 2021. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi”, CEO Jim Farley của Ford cho biết. “Chúng tôi lạc quan về tương lai phát triển của công nghệ ADAS, nhưng còn lâu nó mới có thể giúp công ty kiếm lợi nhuận. Chúng tôi không nhất thiết phải tự mình tạo ra công nghệ đó”.
Ford sau đó kết luận rằng thành quả cho những đột phá cần thiết đối với taxi tự động và giao hàng không người lái sẽ chỉ đến sau hơn 5 năm nữa. Doug Field, Giám đốc công nghệ tiên tiến của Ford, cũng gọi xe tự lái là “vấn đề kỹ thuật khó nhất thời đại, thậm chí khó hơn cả việc đưa một người lên mặt trăng”.
VW, tập đoàn từng ‘rót’ 2,6 tỷ USD vào Argo AI vào năm 2020, cũng có động thái tương tự. Thay vì xem xét việc mua lại khoản đầu tư của Ford và tiếp quản hoàn toàn Argo, VW quyết định đầu tư 2,3 tỷ USD thành lập một liên doanh xe tự hành với Horizon Robotics Inc của Trung Quốc.
Trong khi đó, công ty khởi nghiệp giao hàng không người lái Nuro tháng này cũng tuyên bố cắt giảm khoảng 20% nhân viên, với lý do gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn mới.
Thay đổi trong quan điểm trái hẳn so với 1 vài năm trước đây, khi nhiều công ty và thậm chí cả Thung lũng Silicon đặt cược vào công nghệ tự lái. Họ kỳ vọng đây sẽ trở thành cú hích phá vỡ ngành công nghiệp ô tô truyền thống và đem lại hàng tỷ USD doanh thu.
Tesla hồi năm 2016 cũng hứa hẹn sẽ ra mắt một chiếc xe vận hành hoàn toàn tự động từ Los Angeles đến New York vào cuối năm 2017. Rất tiếc, chẳng có buổi trình diễn đáng mong đợi nào diễn ra. Chỉ biết là, tầm nhìn và những lời hứa của Musk về công nghệ không người lái đã giúp Tesla thăng hoa và trở thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới.
Tuy nhiên, sự nhiệt thành bắt đầu dao động vào năm 2018, sau khi một phương tiện thử nghiệm được sử dụng bởi Uber Technologies gây tai nạn giao thông. Vụ việc thúc đẩy các nhà sản xuất xem xét kỹ lưỡng hơn loại công nghệ mới tiềm ẩn rủi ro, đồng thời nêu bật những thách thức về an toàn cho người dùng.
Trước đó vào tháng 10, chuyên gia phân tích Adam Jonas của Morgan Stanley cho biết ông không còn tính đến giá trị mảng kinh doanh xe tự hành Cruise của GM khi định giá tập đoàn này. Khoản lỗ dự kiến với Cruise, trước đó vốn được cho là 2 tỷ USD/năm, nay có thể tăng gấp đôi trong thời gian tới.
Hiện tại, căng thẳng chính trị Nga-Ukraine tiếp tục gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu, song song với nhiều vấn đề xoay quanh chuỗi cung ứng và lạm phát cao nhất trong 40 năm tại Mỹ. Việc chi hàng tỷ USD cho một công nghệ chưa được chứng minh có vẻ không phải là một màn cá cược tốt.
Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh bi quan, nhiều nhà phân tích cho rằng công nghệ tự lái vẫn có tiềm năng lớn đủ để khiến các nhà sản xuất ô tô gặp 1 vài khó khăn khi cân nhắc nhu cầu trong tương lai.
Điển hình như GM. Tập đoàn này vẫn lạc quan về tương lai những chiếc xe không người lái, đồng thời nhấn mạnh quá trình đầu tư này cần rất nhiều sự bền bỉ. Đầu năm nay, GM đã tăng cường hỗ trợ Cruise, chi 3,45 tỷ USD mua lại cổ phần của SoftBank Vision Fund và rót thêm vốn cho bộ phận xe tự lái. Theo Giám đốc điều hành Mary Barra, Cruise hiện là thương hiệu đi đầu trong lĩnh vực xe tự hành.
“Mọi nhà sản xuất ô tô sẽ cần một chiến lược tự chủ. Chúng ta có thể còn cách điểm uốn 5 năm nữa và các công ty muốn hái trái ngọt cần phải tích cực đầu tư vào công nghệ đó ngay từ hôm nay”, Gene Munster, đối tác quản lý tại Loup Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm chuyên nghiên cứu công nghệ cho biết.
Theo: WSJ, Bloomberg
Vũ Anh