Xe tăng phương Tây và đàm phán hòa bình cho Nga-Ukraine trong 24 giờ

Chia sẻ Facebook
30/01/2023 02:15:00

Xung đột đang nhích dần đến mốc 12 tháng. Trong khi hỗ trợ quân sự tiếp tục đổ về Ukraine, Nga có thể sẽ không ngồi yên.

Còi báo động không kích rền vang lên khắp Ukraine hôm 26/1 khi mọi người đang trên đường đi làm. Tại thủ đô Kiev, đám đông chen chúc trú ẩn trong các ga tàu điện ngầm.

Các lực lượng Nga được cho là đã chĩa hỏa lực xe tăng, súng cối và pháo binh vào hơn 60 thị trấn và làng mạc trong một vòng cung lãnh thổ kéo dài từ vùng Chernihiv và Sumy ở phía bắc qua vùng Kharkiv ở phía đông bắc và tại các trọng điểm mà Nga cố gắng tiến vào vùng Donetsk ở phía đông - Bakhmut và Avdiivka.

Quân đội Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 47 trong số 59 tên lửa của Nga - một số được bắn từ máy bay ném bom chiến lược Tu-95 ở Bắc Cực thuộc Nga. Theo Ukraine, phía Nga cũng tiến hành 37 cuộc không kích, 17 trong số đó sử dụng máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất. Tất cả các máy bay không người lái đã bị bắn hạ, Quân đội Ukraine cho biết.

Theo cơ quan dịch vụ khẩn cấp của Ukraine, 11 người thiệt mạng, 11 người khác bị thương, và 35 tòa nhà bị hưu hại trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa trong 11 khu vực.

Reuters thừa nhận không thể xác minh các tuyên bố chiến trường.

Mọi người trú ẩn bên trong một ga tàu điện ngầm trước các cuộc tấn công bằng tên lửa vào thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 26/1/2023. Ảnh: The Guardian

Công nhân sửa chữa đường dây điện nơi một tên lửa đã hạ cánh ở làng Hlevakha, vùng Kiev, ngày 26/1/2023. Ảnh: The Guardian

Leo thang khẩu chiến về chuyện hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Các cuộc không kích diễn ra sau khi Ukraine nhận được lời hứa cung cấp xe tăng từ Mỹ, Anh, Đức và các đồng minh phương Tây. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cảm ơn các đồng minh NATO đã gửi xe tăng, ca ngợi đây là “bước quan trọng trên con đường dẫn đến chiến thắng”.

Điện Kremlin cho biết, họ coi việc phương Tây hứa cấp xe tăng cho Kiev là bằng chứng cho thấy “sự tham gia trực tiếp” ngày càng tăng của Mỹ và EU vào cuộc xung đột đã kéo dài hơn 11 tháng. Cả Washington và Brussels đều cực lực phủ nhận điều này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/1 cho biết rằng động thái trang bị xe tăng cho Ukraine “không phải là một mối đe dọa tấn công” đối với Nga, đây là việc “giúp Ukraine phòng thủ và bảo vệ đất Ukraine”, và nhấn mạnh mong muốn của Mỹ về một kết thúc hòa bình cho cuộc xung đột, hiện đã gần tròn một năm.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ hôm 26/1 đã cáo buộc chính quyền Biden đang cố gắng gây ra “thất bại chiến lược” cho Nga với quyết định cung cấp cho Ukraine một tiểu đoàn xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams.

Đây là một sự leo thang khẩu chiến về hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Kiev.

Đại sứ Anatoly Antonov cho rằng Washington đã thường xuyên nâng giới hạn đối với các loại vũ khí mà họ gửi tới Ukraine kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2/2022. Trước khi công bố chuyển giao xe tăng Abrams, Lầu Năm Góc đã chuyển gần 200 khẩu lựu pháo, hàng trăm xe bọc thép chở quân và hàng chục hệ thống tên lửa di động, cùng các khí tài khác.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu quyết định chuyển M1 Abrams đến Kiev được thực hiện, xe tăng Mỹ sẽ bị quân đội của chúng tôi phá hủy giống như cách tất cả các mẫu thiết bị khác của NATO bị phá hủy”, ông Antonov cho biết trên Telegram trong tuần này.

Một nhà thờ ở Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 26/1/2023. Ảnh: Getty Images

Một tòa nhà ở Bakhmut, vùng Donetsk, bốc cháy sau pháo kích, ngày 26/1/2023. Ảnh: The Guardian

Các đồng minh phương Tây đã cam kết cung cấp khoảng 150 xe tăng, trong đó có 14 xe tăng Challenger 2 của Anh, 31 xe tăng M1 Abrams của Mỹ và 14 xe tăng Leopard 2 của Đức. Tuy nhiên, Ukraine cho biết họ cần hàng trăm chiếc để phá vỡ các tuyến phòng thủ của Nga và tái chiếm các vùng lãnh thổ ở phía nam và phía đông. Cả Moscow và Kiev, vốn dựa vào xe tăng T-72 từ thời Liên Xô, dự kiến sẽ tiến hành các cuộc tấn công trên bộ mới vào mùa xuân.

Sau khi được hứa hẹn về các loại xe tăng tối tân, Ukraine hiện đang tìm kiếm các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của phương Tây như F-16 của Mỹ, một cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine tiết lộ.

Tại Odessa, thành phố cảng bên bờ Biển Đen hôm 25/1 đã được cơ quan văn hóa của Liên Hợp Quốc là UNESCO công nhận là một “Di sản Thế giới đang gặp nguy hiểm”.

Mỹ hôm 26/1 đã chính thức “gắn mác” công ty quân sự tư nhân của Nga, Tập đoàn Wagner, là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, đóng băng tài sản của công ty này tại Mỹ vì đã giúp đỡ quân đội Nga ở Ukraine.

Tuyên bố mới nhất của ông Trump về xung đột Nga-Ukraine

Cựu Tổng thống Donald Trump gần đây tuyên bố rằng ông có thể đàm phán thành công để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine “trong vòng 24 giờ”.

Ông Trump, người nhiều thập kỷ trước khi trở thành Tổng thống đã nổi tiếng là tác giả của cuốn “The Art of the Deal” (Nghệ thuật Đàm phán), đã lập luận rằng kỹ năng đàm phán của ông sẽ dễ dàng chấm dứt xung đột.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth của mình hôm 26/1, ông Trump khẳng định rằng giao tranh “sẽ không bao giờ xảy ra” nếu ông không bị Tổng thống Joe Biden đánh bại vào năm 2020, đồng thời khẳng định rằng ông vẫn có thể nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột với tư cách là Tổng thống Mỹ.

“Nếu tôi là Tổng thống, xung đột Nga-Ukraine sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng ngay cả bây giờ, nếu là Tổng thống, tôi sẽ có thể đàm phán để chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp và đang leo thang nhanh chóng này trong vòng 24 giờ”, ông Trump viết. “Thật là một sự lãng phí bi thảm mạng sống con người!!!”

Trong một bài đăng trên Truth trước đó hôm 26/1, ông Trump cảnh báo rằng kế hoạch gửi 31 xe tăng M1 Abrams tối tân tới Ukraine của chính quyền Biden có thể dẫn đến “trả đũa hạt nhân” từ Nga. Cựu Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố rằng việc kết thúc cuộc chiến, hiện đang ở tháng thứ 12, là “dễ dàng”.

“Đầu tiên là xe tăng, sau đó là vũ khí hạt nhân”, ông Trump viết. “Kết thúc cuộc chiến điên cuồng này ngay bây giờ. Quá dễ dàng để làm vậy!”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy loại trừ khả năng đàm phán hòa bình với Nga trong một cuộc phỏng vấn mới với Sky News, ngày 26/1/2023. Ảnh: Daily Mail

Trong cuộc phỏng vấn với Sky News, ông Zelensky cho rằng ông Putin "không muốn đàm phán vì ông ấy không muốn hòa bình". Ảnh: Daily Mail

Mặc dù ông Trump và một số đồng minh của ông đã lập luận rằng cuộc xung đột sẽ dễ dàng kết thúc dưới sự lãnh đạo của vị cựu Tổng thống, nhưng hiện nay cả Ukraine và Nga đều tỏ ra không sẵn sàng đàm phán.

Tuần này, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga, nói với các phóng viên rằng các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine “hiện không thể thực hiện được vì không có điều kiện nào để làm điều đó cả trên thực tế lẫn trên luật định”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Sky News hôm 26/1 rằng ông “không quan tâm” đến việc đàm phán với ông Putin, lập luận rằng Tổng thống Nga cũng “không muốn đàm phán vì ông ấy không muốn hòa bình”.

Các bình luận hôm 26/1 không phải là lần đầu tiên ông Trump đề nghị can thiệp để nhanh chóng kết thúc xung đột Nga-Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với văn phòng của ông Trump để yêu cầu bình luận.


Xe tăng không sẵn có và không tham chiến nga y được

Những người hy vọng rằng xe tăng chiến đấu chủ lực do các đồng minh NATO gửi cho Ukraine sẽ có tác động ngay lập tức trong cuộc chiến với Nga có thể phải nghĩ lại.

Sau khi xác nhận sẽ nhận được xe tăng Abrams của Mỹ, Leopards của Đức và Challenger của Anh, Kiev hiện đang phải đối mặt với những thực tế về mặt hậu cần và hoạt động để tích hợp nhiều loại thiết giáp hạng nặng khác nhau và phức tạp vào các đơn vị chiến đấu của mình một cách hiệu quả.

Đầu tiên, Ukraine phải tính đến thời gian giao hàng. Theo ước tính lạc quan nhất, sẽ mất vài tháng để số lượng xe tăng tham chiến tạo ra sự khác biệt lớn, trong khi đối với xe tăng Abrams, có thể phải mất hơn một năm Ukraine mới có thể triển khai chúng.

Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh hôm 26/1 cho biết rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine phiên bản tiên tiến của Abrams, là M1A2.

“Không có sẵn những chiếc xe tăng này trong kho dự trữ của chúng tôi ở Mỹ”, bà nói, đồng thời cho biết thêm sẽ mất “nhiều tháng để chuyển” chúng đến Ukraine.

Leopard 2 là xe tăng chiến đấu chủ lực của các lực lượng vũ trang Đức. Ảnh: Getty Images

Xe tăng Leopard, Challenger, Abrams: Loại nào phù hợp nhất?

Nhiều nhà phân tích cho rằng việc Ukraine sử dụng chỉ một loại xe tăng sẽ giúp mọi việc dễ dàng hơn, và đó là điều khiến quyết định của Đức cho phép Leopard tham chiến trở nên quan trọng.

Xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại là loại vũ khí phức tạp. Nhìn bề ngoài có vẻ ghê gớm và chắc chắn, phần lớn hiệu quả của chúng trên chiến trường là nhờ hệ thống máy tính và điện tử tinh vi ở phần lõi. Những hệ thống đó sẽ tìm và chĩa nòng súng chính của xe tăng vào mục tiêu.

Việc duy trì, sửa chữa xe tăng và cung cấp các bộ phận cần thiết đòi hỏi phải được đào tạo chi tiết từ đội ngũ lái xe cho đến đội ngũ hậu cần hỗ trợ họ, cách tiền tuyến ở miền Đông Ukraine hàng trăm hoặc có thể hàng nghìn dặm.

“Xe tăng mà họ có thể vận hành và bảo trì hiệu quả nhất sẽ là lựa chọn phù hợp, điều này có thể có nghĩa là xe tăng có sẵn với số lượng lớn với các hệ thống ít phức tạp hơn, chạy bằng nhiên liệu dễ tiếp cận nhất và sử dụng đạn dược sẵn có – và điều đó có thể có nghĩa là Leopard 2”, ông Blake Herzinger, một cộng tác viên tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, cho biết.

Ông Nicholas Drummond, một nhà phân tích công nghiệp quốc phòng chuyên về chiến tranh trên bộ và là cựu sĩ quan Quân đội Anh, đồng tình với ý kiến trên.

Mỹ sẽ cung cấp xe tăng M1 Abrams cho Ukraine, nhưng có thể mất tới 1 năm hàng mới đến nơi. Ảnh: Getty Images

“Tôi cho rằng khả năng huấn luyện binh lính Ukraine hỗ trợ bất kỳ loại xe tăng nào mà họ được chuyển giao sẽ quan trọng hơn loại xe tăng mà họ sử dụng”, ông nói.

Vị chuyên gia cho biết, xe tăng Đức được thiết kế để bảo dưỡng bởi các đội quân nghĩa vụ, như của Ukraine, giúp Leopard có lợi thế hơn Abrams và Challenger, được các lực lượng chuyên nghiệp tình nguyện trong quân đội Mỹ và Anh điều khiển.

Vì lính nghĩa vụ có ít thời gian hơn để tiếp nhận huấn luyện, nên một thiết kế đơn giản hơn như Leopard giúp giảm khả năng mắc lỗi bảo trì, theo ông Drummond.


Sự đảm bảo cho an ninh Ukraine và châu Âu về lâu dài

Trong khi Ukraine chờ xe tăng hiện đại, Nga khó có thể ngồi yên nhìn. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) hôm 26/1 cho rằng Moscow có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công ở khu vực Luhansk thuộc Donbass.

Người Nga cũng có thể đẩy mạnh cuộc tấn công mùa xuân được mong đợi lâu nay để giáng một số đòn đau trước khi người Ukraine kịp triển khai những chiếc xe tăng đó. Trước đó, Nga đã giành được chút động lực sau khi chinh phục Soledar, một thị trấn khai thác muối ở Donetsk, và mục tiêu tiếp theo có lẽ là thành phố Bakhmut lân cận, chìa khóa để kiểm soát toàn bộ khu vực Donbass.

Moscow cũng có thể chuyển sang nhắm mục tiêu trực tiếp vào các chuyến vận chuyển xe tăng khi chúng vào lãnh thổ Ukraine. Theo đó, nhân sự từ các quốc gia NATO được giao nhiệm vụ huấn luyện và bảo dưỡng xe tăng có thể gặp nguy hiểm.

Nhưng việc biết chắc chắn rằng các xe tăng mới đang trên đường tới sẽ giúp các chỉ huy Ukraine tự do hơn trong việc triển khai các phương tiện hiện có của họ để chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga, ISW đánh giá.

Xe tăng Challenger 2 do Anh cung cấp cho Ukraine dự kiến sẽ đến nơi vào cuối tháng 3/2023. Ảnh: PA


Ông Mark Hertling, nhà phân tích quân sự của Đài CNN, người từng chỉ huy Sư đoàn Thiết giáp số 1 của Quân đội Mỹ, cũng cho biết trên Twitter xe tăng Leopard có thể sẽ tham chiến trong khoảng 3 tháng nữa, trong khi Abrams có thể mất từ 8 tháng trở lên.

Và mặc dù những chiếc Leopard và Abrams có thể mất một thời gian dài để có mặt ở chiến trường, nhưng các chuyên gia cho rằng Quân đội Ukraine sẽ cần chúng trong nhiều năm sau này.

“Chúng ta đang chứng kiến Quân đội Ukraine vừa được hiện đại hóa và phương Tây hóa, vừa chiến đấu trong một cuộc chiến sinh tồn”, ông Herzinger nói. “Vì vậy, các quyết định đang được đưa ra về loại xe tăng mà họ sẽ muốn trong tương lai, điều này đi kèm với rất nhiều lựa chọn dài hạn liên quan đến các đối tác an ninh”.

Ukraine có thể không sớm gia nhập NATO, nhưng nước này sẽ được trang bị vũ khí như một quốc gia thành viên NATO.

Các nhà phân tích lưu ý rằng kho vũ khí ấn tượng của Ukraine hiện bao gồm các thiết bị tương thích với NATO đã có mặt trên chiến trường hoặc đang được chuẩn bị cho Ukraine – xe chiến đấu bộ binh của Mỹ, Anh và Đức, hệ thống tên lửa HIMARS và các loại pháo khác, và các khẩu đội phòng không Patriot.

“Điều này sẽ đảm bảo không chỉ số lượng mà còn chất lượng của các thiết bị có sẵn cho họ và cho phép Ukraine hội nhập hiệu quả hơn vào NATO cũng như các hệ thống bảo trì và hậu cần khác của phương Tây”, ông Frank Ledwidge, một chuyên gia quân sự tại Đại học Portsmouth, cho biết trên The Conversation xuất bản tháng này.


“Ukraine sẽ không chỉ có khả năng đánh bại Quân đội Nga ngày càng thiện chiến trong năm nay và năm tới – mà các lực lượng vũ trang của họ sẽ là lực lượng ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công trả đũa nào tiếp theo của Moscow trong tương lai. Nó sẽ đảm bảo an ninh của Ukraine – và do đó là của châu Âu – trong thập kỷ tới” .


Minh Đức (Theo CNN, Newsweek, GZero Media, Washington Times)

Chia sẻ Facebook