Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 5: Xe tăng hiện đại đối đầu tên lửa
Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh hiện đại thuộc Học viện Quân sự West Point (Mỹ), xe tăng hiện đại muốn sống sót trước tiên cần trang bị hệ thống phòng thủ chủ động (APS).
Muốn bắn trúng tên lửa tấn công, APS "tiêu diệt cứng" của xe tăng phải có rađa hiện đại, thời gian phản ứng phải nhanh và phải nhắm chính xác.
TS JACK WATLING
Liên Xô phát triển APS đầu tiên
APS đầu tiên trên thế giới do Liên Xô phát triển từ giữa những năm 1960. Từ năm 1982, Liên Xô bắt đầu sản xuất hàng loạt APS mang tên 1030M Drozd.
Xe tăng đầu tiên sử dụng APS Drozd là xe tăng Liên Xô T-55AD, được triển khai trên chiến trường Afghanistan từ năm 1983 để chống tên lửa vác vai và súng phóng lựu của Taliban.
Khi phát hiện đạn bay tới cách xe tăng hơn 150m, rađa của APS tự động kích hoạt 8 ống phóng ở tháp pháo phóng một loại đạn đặc biệt phân mảnh cao (đạn ghém HE-FRAG) đánh chặn để đạn phát nổ cách xe tăng 6,6m hoặc bay chệch hướng.
Khi APS được kích hoạt, đèn bật sáng để các binh sĩ bám theo xe tăng tránh xa vì có thể bị đạn đánh chặn gây nguy hiểm. Liên Xô ngừng sản xuất Drozd vào năm 1988, sau đó thử nghiệm thành công lắp đặt Drozd trên xe bọc thép hạng nhẹ.
Trong những năm 1980 và 1990, Liên Xô (sau là Nga) đã đi trước thế giới về công nghệ APS. APS Shtora có thể vô hiệu hóa tên lửa TOW (Mỹ), trừ phiên bản TOW 2B Aero, và không có tác dụng đối với tên lửa Javelin (Mỹ).
Để tránh bị hệ thống Shtora phát hiện, xạ thủ đánh tăng không chiếu tia laser trực tiếp vào xe tăng mà nhắm vào vị trí cách đó bằng chiều dài ba xe tăng.
Trong thập niên 1990, Nga đã phát triển APS Arena có thể đánh bại tên lửa Carl Gustaf (Thụy Điển) và tên lửa TOW (trừ TOW 2B Aero). Tên lửa Javelin có thể đánh bại APS Arena bằng cách đánh đột nóc. Gần đây nhất, Nga đã phát triển APS Afganit cho xe tăng T-14 Armata.
Các nước khác dần dà bắt kịp Nga trong cuộc chạy đua phát triển APS cho xe tăng chiến đấu với các hệ thống còn tốt hơn của Nga. Nổi bật nhất là APS Trophy của Israel, được khai thác từ năm 2010.
Trophy xử lý cùng lúc nhiều tên lửa bay đến từ nhiều hướng và chỉ tiêu diệt tên lửa nào bay đúng hướng xe tăng, đồng thời không gây hại cho các binh sĩ tác chiến cạnh xe tăng.
Trophy đủ sức vô hiệu hóa nhiều loại súng chống tăng do Nga sản xuất như RPG-7, RPG-29, Kornet (tương tự tên lửa TOW), hạ gục các loại súng không giật tương tự tên lửa TOW và tên lửa Javelin của Mỹ dù phiên bản TOW 2B Aero có thể ngăn chặn Trophy bằng cách gây nhiễu rađa.
Hệ thống Trophy thành công đến mức quân đội Mỹ cũng phải đặt hàng mua về cung cấp cho các lữ đoàn thiết giáp.
Nói chung, hệ thống APS thường sử dụng cảm biến (phổ biến là rađa sóng milimet) để phát hiện tên lửa bay tới, khóa mục tiêu và phóng đạn đánh chặn từ xa.
APS có hai loại gồm hệ thống "tiêu diệt mềm" (chiếu tia hồng ngoại hoặc tia laser can thiệp vào hệ thống dẫn đường của tên lửa) và hệ thống "tiêu diệt cứng" (ngắm và tiêu diệt tên lửa). Thật ra cả hai hệ thống này đều có điểm yếu.
TS Jack Watling tại Viện Các quân chủng thống nhất hoàng gia Anh (RUSI) nhận định tình hình chiến sự ở Ukraine hiện nay cho thấy hệ thống "tiêu diệt mềm" không thể đánh chặn hết nhiều loại tên lửa với đủ thứ hệ thống dẫn đường khác nhau.
Trong khi đó, hệ thống "tiêu diệt cứng" phải có rađa hiện đại mới đủ khả năng phát hiện tên lửa bay với vận tốc hàng trăm mét mỗi giây, thời gian phản ứng phải nhanh và nhắm chính xác mới bắn trúng tên lửa.
Ngoài ra, xe tăng trang bị APS này vẫn có thể tiêu tùng vì các mảnh vỡ từ vụ đánh chặn trước đó có thể làm rối rađa hoặc đối phương mưu mẹo có thể dùng hỏa lực súng máy vô hiệu hóa rađa dò tìm tên lửa.
Sử dụng vật liệu mới làm giáp xe tăng
Để đối phó với tên lửa chống tăng, cách bảo vệ xe tăng đơn giản nhất là tăng độ dày lớp giáp, song chưa đủ đánh bại các loại đạn đặc dụng như đạn chống tăng nổ mạnh (HEAT sử dụng nguyên lý nổ lõm) hoặc đạn xuyên nổ định hình (EFP).
Do đó, hầu hết các loại xe tăng hiện đại như Challenger (Anh), M1 Abrams (Mỹ), Leopard (Đức), Arjun (Ấn Độ) đều sử dụng lớp giáp composite nhiều lớp kết hợp gốm sứ hoặc các vật liệu phi kim loại khác với thép hoặc bằng các loại vật liệu có độ bền cao như uranium nghèo có chức năng giảm bớt hoặc hấp thụ năng lượng khi đạn chống tăng đập vào xe tăng.
Đây là loại giáp phản ứng không năng lượng (NERA) có ưu điểm ít gây nguy hiểm cho các binh sĩ vận động theo xe tăng trong chiến đấu. Loại giáp NERA phổ biến nhất hiện nay là giáp Chobham do Anh phát triển lần đầu tiên cho xe tăng FV 4211. Chính lớp giáp này đã tạo cho xe tăng M1 Abrams và xe tăng Challenger có ngoại hình đặc trưng.
Giáp bằng các tấm hợp kim uranium nghèo sẽ làm cho giáp dày hơn, cứng hơn nhưng xe tăng nặng thêm, làm ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động và độ bền của xe tăng đồng thời gây tốn kém thêm cho các công đoạn sản xuất, lắp đặt và thay thế/ sửa chữa trong chiến đấu.
Có nhiều ưu điểm hơn giáp NERA là giáp phản ứng nổ (ERA). Loại giáp này thường được phủ bên ngoài giáp NERA để gia tăng khả năng bảo vệ xe tăng. Có thể dễ dàng nhìn thấy các tấm ERA trên xe tăng T-72 Ajeya của Ấn Độ với các cấu trúc dạng hộp được gắn trên khắp tháp pháo và thân xe tăng.
Giáp ERA đã được sử dụng từ những năm 1970. Theo trang web Interesting Engineering (Mỹ), lớp giáp ERA hình hộp rỗng có thể vô hiệu hóa khả năng xuyên giáp của các loại đạn chống tăng HEAT và EFP bằng cách phân tán sức xuyên phá trước khi đạn chạm tới lớp giáp chính.
Giáp có chứa chất nổ dẻo giữa các tấm hợp kim tạo thành lớp như bánh mì sandwich. Khi đạn xuyên qua giáp ngoài, chất nổ bên trong sẽ được kích hoạt mở bung lớp giáp, đạn sẽ bị lệch hướng bay ra khỏi giáp.
Giáp ERA hiệu quả nhưng vẫn có điểm yếu. Ví dụ có thể bắn cùng lúc nhiều quả đạn vào một bộ phận xe tăng khiến giáp ERA dễ bị xuyên thủng vì bị tấn công liên tiếp. Các binh sĩ đi theo xe tăng trong bán kính vụ nổ của giáp ERA có thể mất mạng như chơi.
Các loại vũ khí chống tăng hiện đại như tên lửa Javelin và tên lửa TOW có thể đánh bại giáp ERA bằng đầu đạn lõm nổ hai lần. Lần nổ thứ nhất là nổ xuyên giáp để kích nổ chất nổ bảo vệ giáp và lần nổ thứ hai sẽ tiêu diệt xe tăng. Khi giáp ERA gây nổ sớm ở khoảng cách cách xe tăng từ 0,5m - 1,5m còn có thể làm tăng sức xuyên giáp của tên lửa hiện đại.
Lồng sắt bảo vệ rẻ tiền
Giải pháp cuối cùng là công nghệ cũ rẻ tiền nhưng đến nay vẫn còn khá phổ biến, đó là giáp lồng sắt.
Giáp có dạng song sắt hoặc lồng che có chức năng phá chất nổ lõm trong đầu đạn HEAT để vụ nổ xảy ra sớm hơn, ngăn chặn sức nổ tối đa của đạn xuyên giáp. Loại giáp này trước đây được lắp ở hai bên và phía sau xe tăng.
T rong chiến sự Ukraine mới đây, xe tăng Nga đã cải tiến giáp này thành giáp hình tán che trên tháp pháo nhưng vẫn không hiệu quả trước các loại tên lửa của Mỹ và phương Tây.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, ngoài tên lửa chống tăng có điều khiển, xe tăng còn phải đương đầu với mối đe dọa mới là "cái chết thầm lặng" từ máy bay không người lái và nhiều chiêu khác.
>> Kỳ tới: Công nghệ chống tăng hiện đại nhất
Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 4: Bí mật đạn chống tăng xuyên giáp Có hai kỹ thuật phổ biến là đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT) và đạn nổ mạnh đầu đạn dẻo (HESH).