Xẻ núi đá 'xanh như ngọc, biếc như khói', Lý Thường Kiệt khởi nguồn cho 1 di sản thế giới
Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII, những tảng đá từ một ngọn núi không quá hùng vĩ ở xứ Thanh đã được lựa chọn để gửi ký ức của nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử trọng đại.
Nằm ở phường An Hoạch, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá ngày nay, dãy núi An Hoạch hay tên dân gian là núi Nhồi, núi Khế… mang trong mình một lịch sử đặc biệt. Nhân duyên của An Hoạch với lịch sử Việt Nam bắt nguồn chính từ chất đá núi.
Đá trên núi có kết cấu rất đặc biệt, màu sắc đa dạng: Đen tuyền, đỏ, nâu, vàng, xanh khói... Trong đó, đá đen và đá xanh là loại quý hiếm nhất, có chất lượng tốt nhất. Hai loại đá này có thớ mịn, ít tạp chất, liền khối và rắn chắc, có sức chống chịu phong hoá. Bởi vậy, đá An Hoạch mang trong mình những điều kiện lý tưởng để trở thành chứng nhân của lịch sử.
Khởi nguồn – công lao của vị anh hùng dân tộc
Thời nhà Lý, trên núi An Hoạch từng tồn tại một ngôi chùa mang tên Báo Ân. Ngôi chùa tuy đã biến mất theo thời gian nhưng vẫn kịp để lại một bảo vật quốc gia: Tấm bia "An Hoạch Sơn Báo Ân Tự Bi Ký". Đây là một trong những tấm bia có niên đại sớm nhất (từ thời Lý) còn lưu giữ được cho tới ngày nay.
Có thể thấy, trán bia hình bán nguyệt; thân bia khắc chìm bài minh văn chữ Hán, nét chữ chân phương, ghi việc Thái úy Lý Thường Kiệt chủ trì cùng với sự ủng hộ của tín đồ vùng Thanh Hóa xây dựng chùa Báo Ân.
Nội dung văn bia ghi lại như sau:
"Nay có Thái uý Lý công, giúp vua thứ tư triều Lý… Rồi đó ông thề trước ba quân: Phía bắc đánh quân Tống xâm lược, phía Tây đánh bọn không lại chầu, giỏi thắng địch bằng sách lược bảy lần bắt bảy lần đều thả… Đến năm Nhâm Tuất, nhà vua đặc biệt ban thêm một quận ở Thanh Hoá cho ông làm phong ấp…
Ở phía tây nam huyện, có một quả núi lớn và cao gọi là núi An Hoạch, sản xuất nhiều đá đẹp, đó là sản vật quý giá của mọi người. Sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Sau này đục đá làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng ngân muôn dặm; dùng làm bia, văn chương để lại thì còn mãi nghìn đời. Thế là Thái uý Lý công sai một thị giả là Giáp thủ Vũ Thừa Thao suất lĩnh người hương Cửu Chân, dò núi tìm đá trong mười chín năm…".
Như vậy, qua ghi chép của bia chùa Báo Ân núi An Hoạch, chúng ta được biết Lý Thường Kiệt là người đầu tiên mang lại nghề làm đá cho dân vùng An Hoạch.
Trong cuộc đời Lý Thường Kiệt, công lao khác bên cạnh cuộc Kháng chiến chống Tống là bảo vệ, phát triển vùng đất Thanh Hoá ngày nay. Thanh Hoá khi ấy phải đối mặt với nhiều mối đe doạ từ phía Tây và phía Nam. Việc Lý Thường Kiệt trấn thủ vùng đất này trong suốt thời gian dài không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi quốc gia mà còn khiến đời sống vật chất và tinh thần của dân chúng đi lên.
Trong thời gian ở Thanh Hoá, Lý Thường Kiệt đã khuyến khích sản xuất và truyền bá Phật Giáo. Trong bối cảnh chung đó, đá An Hoạch chính thức bước vào dòng chảy lịch sử với tư cách vật liệu cho nhiều tạo tác vô giá của các triều đại sau này.
Bia đá bảng vàng – Di sản thế giới
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay còn lưu giữ được 82 tấm bia Tiến sĩ, ghi họ tên và quê quán của các vị tiến sĩ của 82 khoa thi được tổ chức dưới hai triều Hậu Lê và Mạc (1442-1779). Bia Tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được dựng vào năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780, ghi danh các vị đại khoa của khoa thi năm 1779 thời vua Lê Hiển Tông.
Năm 2011, Tổng giám đốc UNESCO đã công nhận 82 bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Ngày 14 tháng 1 năm 2015, 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Nội dung ghi danh của bia Tiến sĩ được khắc trên lòng bia. Thân bia thường có hình chữ nhật, hai bên diềm bia và chân bia trang trí hoa văn, lòng bia khắc bài văn bia bằng chữ Hán theo thể văn cổ gồm bài ký, danh sách các vị đỗ Tiến sĩ, cuối cùng là họ tên, chức vụ của người soạn văn bia, người viết chữ trên trán bia, người viết chữ trên lòng bia, đội thợ khắc bia và năm dựng bia.
Dù thuộc phần nội dung phụ, không liên quan trực tiếp đến những vị đại khoa được ghi danh nhưng phần lạc khoản ở cuối văn bia vẫn có giá trị lịch sử vô cùng quan trọng. Đại bộ phận văn bia không ghi lại quá chi tiết về xuất xứ của vật liệu và thợ khắc nhưng vẫn có những tấm bia ghi lại thông tin tưởng chừng là "phụ" này.
Dòng cuối cùng của văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) ghi rõ "hai đội thợ đá Tả, Hữu ở xã An Hoạch huyện Đông Sơn vâng mệnh khắc chữ".
Không khó hiểu khi cái tên An Hoạch lại có thời gian xuất hiện lâu dài trong lịch sử như vậy. Với chất liệu đá độc đáo vừa bền đẹp vừa có độ mềm, mịn phù hợp, thuận lợi cho kỹ nghệ chạm khắc các hoa văn tinh xảo, đá xanh ở An Hoạch - Thanh Hóa đã được chọn để tạc bia Tiến sĩ.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Theo Đăng Khoa
Pháp Luật và Bạn đọc