Xe con, xe khách vẫn vun vút lao vào làn khẩn cấp trên cao tốc
Hàng chục ôtô, xe khách... bật đèn cảnh báo nguy hiểm rồi thản nhiên lao vun vút trên làn đường khẩn cấp của cao tốc.
Nhiều tài xế chạy xe trên cao tốc như đi trên đường làng, sẵn sàng "cúp đầu" các xe khác để vượt lên trước nếu phát hiện có khoảng trống.
Dù đây là hành vi bị cấm và xử phạt nặng nhưng tình trạng ôtô, xe khách đi vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc đang diễn ra "như cơm bữa", tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông, thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cấp cứu, cứu hỏa do làn đường ưu tiên đã bị chiếm dụng.
Biến cao tốc thành... đường làng
Ngày 12-5, một xe cấp cứu chở bệnh nhân từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy lên Bệnh viện Chợ Rẫy trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã không thể nào vượt lên khi đến khu vực Bến Lức (Long An) do đã có hàng loạt xe "chình ình" trên làn dừng khẩn cấp.
Dù xe cấp cứu bấm còi và phát loa tín hiệu liên tục để xin đường ưu tiên, nhưng do có quá nhiều xe chạy vào làn này khiến việc vượt qua đoạn đường này là nhiệm vụ "bất khả thi". Clip ghi lại sự việc này được đăng lên các phương tiện truyền thông đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Trước đó, ngày 4-5, xe chở nhớt trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương bốc cháy. Nhiều xe cũng chạy trên làn dừng khẩn cấp khiến lực lượng chức năng, xe cứu hỏa gặp rất nhiều khó khăn để đến hiện trường.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương vào ngày 10-5, khi đến km34 (huyện Mộc Hóa, Long An), một ôtô 12 chỗ biển số 68B-007... chuyển sang làn khẩn cấp và lao đi với tốc độ cao. Một vài phút sau, một xe tải biển số 94C-033... cũng đua theo trên làn đường này, dù đường đang vắng hoe!
Trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, chúng tôi cũng nhiều lần chứng kiến các ôtô, xe khách và thậm chí có cả xe tải "đua tốc độ" ở làn đường khẩn cấp, kèm theo những pha "cúp đầu" thót tim. Chỉ khoảng 20 phút có mặt trên cao tốc này, chúng tôi đã ghi nhận hơn 20 trường hợp chạy vào làn đường khẩn cấp.
Lúc 17h30 ngày 10-5, tại khu vực gần cầu Long Thành, xe khách biển số 60B-051... lao vun vút trên làn đường khẩn cấp từ hướng TP.HCM đi Đồng Nai. Xe này còn lạng lách, đánh võng cả một đoạn đường mỗi khi phát hiện khoảng trống.
Gần 18h cùng ngày, tại đoạn gần cầu Ruột Ngựa hướng Đồng Nai đi TP.HCM, khi xe chúng tôi đang chạy với tốc độ khoảng 80 km/h thì bất ngờ bị xe container biển số 51R-211... từ làn đường khẩn cấp phía sau "cúp đầu" hướng từ phải qua trái. Chúng tôi bị một phen thót tim do chỉ còn vài centimet nữa, hai xe sẽ va chạm nhau.
Tương tự, hơn 2km đường cao tốc hướng Đồng Nai đi TP.HCM (gần trạm thu phí Long Phước), nhiều ôtô (từ xe con đến xe tải, xe khách) đồng loạt bật đèn cảnh báo nguy hiểm để đánh lái vào làn đường khẩn cấp, khiến giao thông lộn xộn không khác gì "ong vỡ tổ", dù các xe này không gặp sự cố, cũng chẳng phải xe thuộc diện ưu tiên.
Do đường hẹp, phương tiện đông?
Thường xuyên chạy trên đường cao tốc, tài xế Nguyễn Văn Cường (55 tuổi, quê Tiền Giang) cho rằng đa số xe chạy vào làn khẩn cấp trên cao tốc xảy ra vào thời điểm xe cộ ùn ứ, kẹt xe. Nhiều tài xế thiếu kiên nhẫn, không muốn chờ đợi mà ngang nhiên chạy vào làn đường cho xe ưu tiên.
"Ai cũng chịu cảnh kẹt mà mình chạy vào làn khẩn cấp là khôn lõi. Có khi không đi nhanh được bao nhiêu mà còn làm kẹt hơn do xe cứ tấp ra tấp vô, rất dễ xảy ra va quẹt rồi kẹt càng thêm kẹt. Khổ nhất là xe cấp cứu, người bệnh đang chạy đua thời gian để giành mạng sống mà xe không thể chạy trên phần đường ưu tiên", ông Cường nói.
Là tài xế chạy taxi lâu năm, nhưng ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ TP Thủ Đức) cho biết rất bức xúc khi chứng kiến một số tài xế bất chấp luật lệ, thậm chí nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn lái xe "chặt" ngang đường để vượt qua các xe khác.
"Nhiều tài xế chạy xe trên cao tốc như đi trên đường làng, chen vào làn đường khẩn cấp, đánh võng để vượt lên hay tạt đầu khi phát hiện phía trước không có cảnh sát giao thông", ông Thắng nói.
Thừa nhận việc chạy xe vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc là sai nhưng tài xế T.N.T. (52 tuổi, TP Thủ Đức) cho rằng do các tuyến cao tốc quá hẹp, mỗi bên chỉ có 2 làn xe, trong khi lưu lượng xe ngày một nhiều hơn.
"Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa lớn nhưng 2 cao tốc ở 2 cửa ngõ TP.HCM lại nhỏ, chỉ có 2 làn đường. Có những ngày chưa cần vào đến cao tốc mà vừa đến đường dẫn đã thấy xe đông", tài xế T. nêu quan điểm.
Cũng theo ông T., một số "tay lái mới" chưa nhiều kinh nghiệm đi cao tốc nên cứ chạy "tà tà" ở làn trong cùng vốn dành cho xe đi với tốc độ cao, rồi chạy song song nhau với tốc độ chậm, dẫn đến ùn ứ xe. Nhiều tài xế phía sau "nóng ruột" đã chen vào làn khẩn cấp để vượt lên.
Ngoài ra, theo tài xế N.M.H. (26 tuổi, quê Bình Thuận), nhiều xe tải nặng chạy trên cao tốc với tốc độ rất chậm, thậm chí chạy song song một đoạn dài, gây ùn ứ phía sau trong khi phía trước đường vắng tanh. "Do đó để thoát qua những đoạn này, chúng tôi không còn cách nào khác là phải đánh lái sang làn khẩn cấp để vượt lên, nếu không muốn cao tốc bị ùn ứ", tài xế H. nói.
Phạt nguội chưa đủ răn đe?
Một số tài xế cũng bày tỏ bức xúc về việc các trạm thu phí không chịu xả trạm khi xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài. "Dù các trạm thu phí hiện nay rất rộng, nhiều làn thu phí nhưng kẹt xe một phần do nhiều xe cùng dừng lại trả phí, nhất là tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây", tài xế Huy chia sẻ.
Theo đại diện Trung tâm quản lý trạm thu phí Long Phước, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xảy ra ùn ứ ở khu vực đầu cầu Long Thành (hướng Đồng Nai - TP.HCM), do cầu bị "thắt cổ chai". Do đó trước khi đến trạm thu phí, các tài xế có tâm lý "nôn nóng" dẫn đến chạy vào làn khẩn cấp để rồi sau đó chen nhau nhập vào làn để lên cầu dẫn đến ùn ứ.
"Chúng tôi thường xuyên tăng cường người điều tiết giao thông nhưng nhiều tài xế ý thức kém vẫn không tuân thủ, những trường hợp này thường xuyên bị CSGT ghi hình phạt nguội. Vào những ngày lễ hay ngày cao điểm, chúng tôi tăng cường người điều tiết, bố trí sẵn xe cứu hộ ở cả hai đầu cầu để khi có sự cố đột xuất thì có thể xử lý ngay", vị này chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Đồng Thái Chiến - phó trưởng phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ Cục CSGT - cho biết ngoài việc được xử lý thông qua hình ảnh ghi nhận trên hệ thống camera, máy quay cầm tay của CSGT, những hình ảnh được đăng tải trên mạng cũng sẽ là căn cứ để xác minh và xử lý.
"Chúng tôi đã chỉ đạo các đội tuần tra trên cao tốc tập trung xử lý nghiêm hành vi chạy xe vào làn khẩn cấp và các hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông khác", ông Chiến nói.
Một cán bộ thuộc Cục CSGT Bộ Công an cho hay trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có bố trí khoảng 5 camera cố định để ghi hình hành vi điều khiển xe vào làn khẩn cấp để phạt nguội. Do đó trên cao tốc vẫn có những "điểm mù" mà hệ thống camera không ghi nhận được.
Để khắc phục tình trạng này, lực lượng CSGT khi tuần tra trên đường đã dùng máy quay cầm tay để quay lại hình ảnh xe chạy vào làn khẩn cấp để phạt nguội. Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT tuần tra trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương đã xử phạt khoảng 450 xe chạy vào làn khẩn cấp.
Sẽ tăng cường tuần tra, xử phạt
Ngày 20-5, đại diện đội tuần tra CSGT đường bộ cao tốc số 7, Phòng 8 Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết ngày nào cũng có ít nhất 1 trường hợp tài xế chạy vào làn dừng khẩn cấp bị lực lượng tuần tra phát hiện, lập biên bản xử lý. Có ngày số lượng bị xử phạt rất nhiều.
"Trên đường tuần tra, nếu phát hiện xe chạy vào làn dừng khẩn cấp, tổ tuần tra sẽ quay phim lại. Đến cuối đoạn cao tốc sẽ chặn dừng và lập biên bản xử phạt ngay, với mức phạt là 5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng", vị này cho biết.
Cũng theo vị này, lực lượng CSGT thường xuyên xử lý các hành vi lấn vào làn đường khẩn cấp, nhưng việc xử phạt chỉ là một trong những biện pháp để nâng cao ý thức của tài xế, chủ yếu là ý thức tự giác.
Bởi khi thấy đường có dấu hiệu lưu thông chậm, đa số tài xế sẽ lái xe vào làn khẩn cấp để vượt lên, dẫn tới cả ba làn xe đều tắc. "Do đó chúng tôi kêu gọi các lái xe có tắc đường thì cũng không nên chạy vào làn khẩn cấp", vị này nói thêm.
Nói về hệ thống camera giám sát và phục vụ công tác phạt nguội trên cao tốc, vị này cho biết hệ thống giám sát bằng camera đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được đưa vào thực hiện và sẽ xử phạt nguội nếu phát hiện xe vi phạm.
"Nhưng nhiều tài xế biết được đoạn đường nào có đặt camera cố định sẽ không vượt và lợi dụng đoạn đường không có camera sẽ vượt lên chạy vào làn đường khẩn cấp. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát trên tuyến đường cao tốc, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm", vị này cho biết thêm.
HOÀI THƯƠNG
Phạt 4 - 6 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 - 4 tháng
Theo Luật giao thông đường bộ, khi chạy trên đường cao tốc không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường.
Tài xế chỉ có thể dừng trên làn khẩn cấp trong các trường hợp như xe hỏng (chết máy, nổ lốp, quá nhiệt...), tài xế gặp vấn đề về sức khỏe không thể tiếp tục lái xe.
Làn dừng xe khẩn cấp còn được dành cho xe ưu tiên (xe cứu hỏa, cấp cứu, công an...) lưu thông trong trường hợp khẩn cấp.
Theo nghị định 100/2019 được sửa đổi bổ sung theo nghị định 123/2021, người lái xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc sẽ bị phạt 4 - 6 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng hoặc 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
* Ông Khương Kim Tạo (nguyên phó văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia):
Xử nghiêm để nâng cao ý thức của tài xế
Tình trạng chiếm dụng làn khẩn cấp trên cao tốc chủ yếu là do ý thức của tài xế. Để nâng cao ý thức của tài xế, cần phải giám sát giao thông chặt chẽ và xử lý vi phạm triệt để. Thời gian qua trên đường cao tốc đều được lắp đặt camera giám sát.
Thậm chí người ta có thể quay chậm lại và nhìn rõ vết bánh xe xem thử các xe này có chạy đúng làn đường, vạch sơn hay không.
Tài xế nào chạy sai làn đường đều được camera xác định chính xác nên có thể xử lý được ngay khi người này vừa ra khỏi cao tốc.
Tuy nhiên với một số đoạn đường chưa có camera (cao tốc cũ, lập dự án ban đầu chưa đầy đủ) hoặc camera sử dụng lâu ngày bị hỏng, các đơn vị quản lý hệ thống camera giám sát phải có biện pháp theo dõi thường xuyên, phát hiện và kịp thời thay thế để giám sát sai phạm của người tham gia giao thông trên đường cao tốc.
Ngày 4-5, xe chở nhớt trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương bốc cháy. Nhiều xe chạy trên làn dừng khẩn cấp khiến việc chữa cháy gặp khó khăn. Ngày 5-5, nhiều tài xế chạy xe vào làn dừng khẩn cấp ngay cả khi đường cao tốc vắng hoe.