Xe buýt Đà Nẵng 5 năm vẫn 'đói' khách

Chia sẻ Facebook
05/05/2022 21:56:26

Được đầu tư xe mới, tài xế thân thiện nhưng 5 năm kể từ khi xe buýt trợ giá lăn bánh, các tuyến xe buýt nội đô ở Đà Nẵng vẫn trong tình trạng "đói" khách. Sau dịch, số lượt khách chỉ còn phân nửa so với trước.

Xe mới, hạ tầng bài bản nhưng lượng khách sử dụng xe buýt ở Đà Nẵng vẫn chưa được như mong đợi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG


Sau thời gian dài phải "đắp mền" vì dịch COVID-19, cuối năm 2021 TP Đà Nẵng đã cho chạy lại các tuyến xe buýt trợ giá. Gần nửa năm trôi qua, khách vẫn chỉ lác đác vài người mỗi chuyến.

Chúng tôi lên xe buýt tuyến R17A có lộ trình dài nối từ cảng sông Hàn đến trung tâm hành chính huyện Hòa Vang, đi qua nhiều khu dân cư vào giờ cao điểm nhưng cả lộ trình chỉ có 8 hành khách.

Anh Nguyễn Công Tín (công chức) kể trước đây anh và hai con trai đang lứa tuổi đi học đón buýt hằng ngày. Hầu hết người sử dụng xe buýt đều hài lòng vì tốn ít tiền mà đi xe có máy lạnh sạch sẽ, được xem tivi, lộ trình thông báo tự động... Từ khi dịch bệnh tới, anh Tín chạy xe máy đi làm vì thuận lợi hơn khi vào khu vực trung tâm.

Do không di chuyển nhiều ở trung tâm thành phố nên từ khi xe buýt trợ giá đi vào hoạt động, ông Lê Thanh Bình cùng một số người bạn làm công sở chọn buýt vì giá rẻ và an toàn.


Thế rồi, nhóm bạn đi xe buýt của ông Bình cũng rơi rớt nhiều vì có người còn ngại dịch. Hiện nhiều trạm dừng vẫn còn xa khu vực công sở và trụ sở các công ty. Ông Bình đề xuất nên có thêm phương tiện như xe đạp cho thuê ở trạm chờ xe buýt, tạo thuận lợi cho hành khách dần thay đổi thói quen.

Theo Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng (DATRAMAC), hiện mới chỉ có 4 trong tổng số 11 tuyến xe buýt trợ giá đang hoạt động gồm tuyến R4A (Cảng sông Hàn - Hòa Tiến), tuyến R6A (Bến xe trung tâm - Khu du lịch Non Nước), tuyến R16 (Kim Liên - Đại học Việt Hàn), tuyến R17A (cảng sông Hàn - huyện Hòa Vang).

Mặc dù đều đi qua các tuyến đường trung tâm ở Đà Nẵng, nhưng theo thống kê trong những tháng qua, mỗi lượt xe chỉ có từ 7 - 8 hành khách. Hiện tần suất chạy xe được điều chỉnh giãn ra từ 15 phút lên 30 phút/chuyến, nhưng các chuyến xe vẫn không tránh khỏi tình trạng thưa vắng.


Cải thiện để tăng lượng khách xe buýt

Ông Đặng Nam Sơn - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng - cho biết trong số 11 tuyến buýt trợ giá thì có 5 tuyến hoạt động từ đầu năm 2017.

Từ tháng 1-2022, hợp đồng 5 tuyến đầu tiên giữa Đà Nẵng và Công ty CP công nghiệp Quảng An 1 (đơn vị khai thác tuyến xe buýt) kết thúc, thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đấu thầu lại 5 tuyến này. Dự kiến trong tháng 8 này sẽ hoàn thành việc nối lại các tuyến xe buýt này.

Về nguyên nhân dẫn đến lượng khách giảm đột ngột, ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, phó giám đốc phụ trách DATRAMAC, cho biết chủ yếu đến do đại dịch.

Theo ông Cường, khi mới đưa vào khai thác, đơn vị đã liên tục có cải thiện các tuyến để nâng số lượt khách. Qua thời gian, học sinh, sinh viên và người cao tuổi có thói quen đi xe buýt, đây cũng là sự lựa chọn của nhiều khách du lịch.

Theo ông Cường, trong năm 2022, DATRAMAC đặt ra các giải pháp về cải thiện hạ tầng, công nghệ. Trong đó, sắp xếp lại lộ trình thuận lợi và bố trí hợp lý các điểm dừng, nhà chờ. DATRAMAC sẽ tiếp tục vận động cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên sử dụng xe buýt để thay dần xe cá nhân.

Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ thí điểm việc cho thuê xe đạp và bố trí một số điểm cho thuê gần các bến, điểm đừng xe buýt để hoàn thiện hệ thống vận tải công cộng.

Do nhiều xe khách quay đầu không kịp để đưa khách về quê dịp lễ 30-4, 1-5, bến xe Miền Tây đã điều động hơn chục xe buýt để đưa người dân về quê sau nhiều giờ chờ đợi.

Chia sẻ Facebook