Xe bánh dừa 40 năm nức tiếng tại quận 5: Dù có di dời đi đâu thì "khách ruột" vẫn tìm đến mua
Tồn tại hơn 40 năm, món bánh dừa tuy giản dị nhưng lại có sức hút kỳ lạ khiến bao nhiêu khách quen lẫn những người mới ăn lần đầu cũng trót đắm say hương vị ngọt ngào này.
Cứ đều đặn vào buổi sáng, quán bánh dừa của chú Phát lại bắt đầu một ngày bận rộn để bán cho khách. Chỉ cần mùi thơm ngào ngạt từ vỏ bánh mới nướng và các loại nhân thập cẩm cũng đủ khiến nhiều người xếp hàng mua phải "chảy nước miếng". Ban đầu, quán của chú chỉ là một xe bánh nhỏ nằm sâu trong con hẻm đường Nguyễn Duy, quận 8. Chú Phát - một người đàn ông đã gần 60 tuổi vẫn tâm huyết với món bánh gia truyền của gia đình mình.
Bánh dừa là một loại bánh ngọt truyền thống của người Triều Châu. Với hai thành phần đơn giản là vỏ bánh nướng bên ngoài ngoài còn bên trong sẽ thấm đẫm nhân từ dừa sên, ca dé hay sầu riêng. Đôi khi, các vị khách chỉ thích ăn vỏ bánh không vì phần vỏ cũng đã rất đậm đà hương vị.
Được kế nghiệp nghề bánh từ anh rể, chú Phát nay đã không còn phải miệt mài nướng bánh rồi đẩy xe đi các con đường tại quận 5 để bán mà đã thuê được cho mình một nơi buôn bán khang trang hơn. Lý do lấy tên là bánh dừa Tản Đà là vì khi xưa chú gắn bó với con đường Tản Đà tại quận 5 buôn bán món bánh này suốt bao năm, các bạn học sinh khi đó ai cũng ghiền món bánh của chú. Đến bây giờ khi chuyển đi nhiều nơi rồi thì mọi người vẫn nhớ tên bánh dừa Tản Đà nên chú quyết định lấy cái tên đó làm thương hiệu của mình.
Mỗi ngày, chú Phát cùng những người thân đều dậy từ sớm để chuẩn bị than củi, bột nướng bánh để kịp bày bán, tất cả đều được làm thủ công. Để làm ra được những chiếc bánh dừa thơm ngon, công đoạn quậy bột, xào dừa, làm nhân vô cùng quan trọng. Thau bột sau khi pha phải được đánh đều tay suốt 20 phút để không bị vón cục và bột sẽ mịn màng hơn để làm ra những chiếc vỏ bánh chất lượng.
Công đoạn quan trọng thứ hai chính là kỹ thuật nướng, mỗi khi nướng bánh, chú Phát phải thật sự tập trung khi đổ từng lớp bánh cho phủ đầy chảo. Người nướng phải kiểm tra nhiệt độ, đồng thời kiểm tra than phía bên dưới để canh chuẩn thời gian nướng. Từng lớp bánh chỉ cần 1 đến 2 phút để nướng nhưng nếu sai sót công đoạn nào thì sẽ hư luôn phần vỏ bánh.
Ngày trước, chú Phát chỉ bán 2 loại nhân truyền thống là dừa và bơ đường. Nhưng vì nhu cầu thưởng thức càng tăng cao nên quán đã "nâng cấp" lên 8 loại nhân khác nhau như ca dé, đậu phộng, sầu riêng. Ngoài ra lớp vỏ cũng được chú Phát làm thêm hương lá dứa khiến chiếc bánh vô cùng bắt mắt. Tuy nhiên, theo chú chia sẻ thì những người khách quen hay lớn tuổi thường sẽ thích ăn vỏ bánh vàng vị truyền thống vì thơm mùi bơ trứng hơn, còn những người trẻ lại ưa chuộng bánh lá dừa thanh thanh, bùi bùi.
Các công đoạn xử lý sau khi vỏ bánh được nướng xong, nhân viên sẽ quết bơ đều lên vỏ trong của bánh, bỏ mứt dừa vào làm nhân bánh, úp vỏ bánh còn lại lên trên và cắt nhỏ ra làm 4 đến 6 phần như bánh pizza để tiện cho bạn mang về hoặc ăn luôn tại chỗ.
Bánh được các vị khách nhận xét là không quá ngọt, vì chú Phát cho biết bánh của chú tuy là bánh truyền thống nhưng cũng phải "chạy đua" theo nhu cầu của thị trường. Vì món bánh này khi xưa sẽ rất ngọt hoặc sẽ có thêm nhân đậu xanh, nhưng giờ đây ít ai mua nhân đậu xanh nên chú không bán nữa và công thức cũng phải gia giảm vị ngọt để hợp khẩu vị khách hàng hơn.
Bánh dừa có giá bánh dao động từ 40.000 đến 55.000 đồng/ổ bánh hoặc nửa ổ chỉ từ 25.000 đến 30.000 đồng, một mức giá khá bình dân cho số lượng bánh đầy ụ hộp như vậy, tầm 3 - 4 người ăn vẫn đủ. Khách cũng được lựa chọn tuỳ loại vỏ bánh đến nhân bánh theo ý thích. Loại bánh này có thể bảo quản được từ 8 đến tận 10 tiếng, nhưng mùi vị ngon nhất vẫn là khi thưởng thức món bánh nóng hổi vừa mới nướng xong.
Từ sáng sớm đến tầm 6-7h tối tại quán bánh dừa đều tấp nập khách ra vào, nhân viên thì làm bánh luôn tay mới kịp. Cứ lâu lâu sẽ có những cuộc điện thoại đặt mấy chục hộp bánh để người ta biếu khách hoặc mang đi xa. Hay cũng có nhiều vị khách tới thường mua hai cái trở lên, ăn vừa lúc làm xong nóng hổi thì ngon không còn gì bằng.
Với tuổi đời dài như vậy, quán bánh dừa này đã là tuổi thơ của không biết bao nhiêu thế hệ, dù chú Phát có di dời đi đâu thì vẫn không sợ bị "ế". Vì đã chuyển chỗ đến tận 3 lần nhưng vì thương nhớ cái vị bánh dừa béo bùi, mà các vị khách vẫn tìm đến nơi bán cho để mua cho bằng được.