Xây sân bay tổng vốn 10.000 tỷ đồng, UBND Bình Thuận muốn chỉ định thầu
Sau khi chấm dứt trước thời hạn hợp đồng với Rạng Đông, UBND Bình Thuận đề xuất chỉ định thầu để tiếp tục xây dựng sân bay dân dụng và điều chỉnh quy mô từ sân bay cấp 4C lên cấp 4E (công suất thay đổi từ 500.000 khách lên 2 triệu khách/năm). Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án sân bay Phan Thiết ban đầu được quy hoạch cấp 4C, đường cất hạ cánh dài 2.400 m, công suất khai thác 500.000 hành khách mỗi năm.
Đến tháng 9/2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với Công ty cổ phần Rạng Đông đầu tư hạng mục hàng không dân dụng.
Đến năm 2018, quy hoạch sân bay Phan Thiết được Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh thành cảng hàng không quốc nội cấp 4E, đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách mỗi năm.
Hôm 6/6, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn đề nghị Công ty cổ phần Rạng Đông chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn.
Ngày 25/7, UBND tỉnh Bình Thuận đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.
Tỉnh Bình Thuận muốn lựa chọn nhà đầu tư thay thế trong năm 2023 để sớm triển khai thi công xây dựng công trình.
Đối với các chi phí mà nhà đầu tư cũ đã thực hiện, gồm chi phí chuẩn bị đầu tư dự án, khảo sát, lập hồ sơ dự án, quy hoạch, rà phá bom mìn phục vụ khởi công dự án, chi phí quản lý dự án sẽ được đơn vị tư vấn kiểm toán độc lập đánh giá, xác định theo quy định.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ đề nghị nhà đầu tư được lựa chọn thay thế hoàn trả các chi phí này cho Công ty Rạng Đông.
Hiện tại, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án sân bay Phan Thiết đã hoàn thành toàn bộ mặt bằng sân bay 542 ha, đài DVOR/DME 1 ha và đài dẫn đường 2,56 ha.
Bình Thuận cũng đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các hạng mục bổ sung thuộc dự án sân bay quân sự với diện tích 30 ha.
Đến nay, nhiều hạng mục quân sự sắp hoàn tất. Đường băng đã cơ bản và sẽ làm xong trong tháng 9 nên các tổ bay quân sự có thể bay huấn luyện tại đây vào tháng 1/2024.
Sân bay Phan Thiết kết hợp quân sự và dân dụng được Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch năm 2013 với diện tích 543 ha, xây dựng tại xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết.
Bộ Quốc phòng có thẩm quyền đối với hạng mục quân sự, còn hạng mục hàng không dân dụng do UBND tỉnh Bình Thuận phụ trách.
Công trình được khởi công vào đầu năm 2015, sau đó tạm dừng. Đến tháng 4/2021, dự án được tái khởi động.
Thời gian qua, Quân chủng Phòng không Không quân đã thực hiện các hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay… theo kế hoạch đề ra.
Tuấn Minh
Sau Hà Giang và Ninh Bình, Bắc Giang cũng muốn có sân bay lưỡng dụng
Bắc Giang có sân bay Kép là sân bay quân sự cấp hai, tọa lạc tại xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang. Hiện tỉnh muốn chuyển phi trường này để khai thác cả hàng không…