Xây nhà lầu cho… bò
“Đàn bò là cả gia tài, nước lũ ào xuống mình biết đường chạy chứ chúng phải có người dắt, nên khó mấy cũng ráng vay mượn lo chỗ ở cho chúng an toàn” - bà Nguyễn Thị Tuyết (57 tuổi), ở tổ đoàn kết số 4, thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) chia sẻ.
Ám ảnh Lệ Bắc
Nước lũ trên sông Thu Bồn tràn qua, thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu) lại thu mình thành một ốc đảo phía bên kia dòng. Tôi tìm về Lệ Bắc sau đợt mưa lớn vừa dứt, lại nghe dự báo chuẩn bị đón lượng mưa dự báo lên tới 600ml. Hay tin đợt mưa lũ mới, người dân lại tất tả mua đồ tích trữ, dự phòng cho cả tuần nếu bị cô lập.
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, dự án cầu bắc qua thôn Lệ Bắc đã được đưa vào kế hoạch trung hạn. Dự kiến kinh phí 130 tỷ đồng, tuy nhiên hiện tỉnh chưa bố trí được kinh phí nên chưa thể triển khai.
“Trường học, chợ đều ở bên kia sông nên phải tranh thủ mua đồ chứ nước lên lớn là sẽ cấm qua lại vì nguy hiểm. Nhà mình toàn con nít nên cũng phải trữ thêm ít đồ” - anh Nguyễn Thành Xuyên (47 tuổi), người dân trong thôn nói. Nhà có 4 người con, đứa lớn nhất năm nay mới vào lớp 4. Những ngày này anh Xuyên tất tả vừa lo dọn đồ chống lũ, vừa canh giờ… cõng con tới lớp. Tôi gặp anh khi đang bì bõm lội nước trở về làng sau khi cõng con đi học. Dòng nước đục ngầu ngập quá đầu gối, cuồn cuộn xiết ngang con đường bê tông dẫn vào làng, ai nấy tay cầm dép, chân bám chặt bước từng bước thận trọng.
Ông Hồ Xuân Tám, Trưởng thôn Lệ Bắc: "Người dân vùng này cực khổ nhiều, nhưng cũng vì thế mà ai cũng nỗ lực, chịu khó. Lớp trẻ thì có nếp ham học. Năm vừa rồi cả thôn có 16 em đỗ đại học các trường. Nhiều em ra trường, thậm chí du học nước ngoài vẫn trở về đóng góp cho quê hương".
Mỗi khi mùa mưa lũ đến người dân Lệ Bắc lại thở dài ngao ngán với cảnh cõng con tới lớp hoặc chen chúc trên ghe đò để sang bên kia bờ. Nỗi ám ảnh trượt chân nước cuốn như đã từng xảy ra không ít lần. Mới năm ngoái, đúng thời điểm này, một phụ nữ 65 tuổi bị đuối nước khi lội nước gánh hàng mang ra chợ bán.
Trưởng thôn Lệ Bắc, ông Hồ Xuân Tám nói, điều ám ảnh của người dân hoàn toàn có cơ sở. Con đường độc đạo vào làng mỗi trận mưa lại ngập nên việc đi lại của người dân hết sức nguy hiểm, nhiều người từng sẩy chân đuối nước ở đây. Năm 2003 từng xảy ra 3 vụ đuối nước, trong đó có một trường hợp là y sĩ của thôn bị cuốn trôi khi ra mua thuốc cho người dân. Những cái chết hết sức thương tâm” - ông Tám chia sẻ.
Cả thôn có 365 hộ, 1.256 khẩu trong đó khoảng 400 em học sinh. Người dân luôn thấp thỏm lo âu khi con cái phải vượt lũ đến trường. Không yên tâm để con băng giữa dòng nước lớn, phụ huynh túc trực cõng con qua bên kia sông. Học trò thấp thỏm vừa học vừa lo nước lớn. “Buổi sáng rất đông người phải qua bên kia sông. Trẻ em đi học, công nhân vào công xưởng, người nội trợ đi chợ… Người dân ở đây mong mỏi một cây cầu bắc qua nhưng mãi vẫn chưa thấy” - ông Tám nói.
Vừa dẫn đứa con gái đầu học lớp 10 sang bên kia sông vào lớp, chị Nguyễn Thi Bé (44 tuổi) lật đật chạy về bắc vội nồi cơm rồi lại tiếp tục đưa cậu con trai lớp 8 đi học. “Cứ mưa xuống là không làm được gì, chỉ có chạy đưa đón mấy đứa nó đi học, chứ để mấy đứa nhỏ tự lội nước mình không yên tâm”, chị phân trần.
Chiều muộn, cô sinh viên năm thứ nhất ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng Lê Thị Hoài Trinh lỉnh kỉnh tay xách dép, vai đeo ba lô lội nước vào làng. Trinh nói hôm nay tan học sớm lại được nghỉ thêm một hôm nên tranh thủ về thăm nhà. Hơn 10 năm đi học, Trinh cũng quen với việc lội nước để tới lớp những ngày mưa lũ. Thoát cảnh "đi học trên lưng mẹ", nhưng cứ đến mùa mưa lũ, Trinh không khỏi xót lòng với lứa đàn em.
Xây nhà lầu cho… bò
Trưởng thôn Hồ Xuân Tám dẫn tôi đi một vòng quanh làng. Điều đặc biệt là, bên cạnh những ngôi nhà cấp 4 là những “nhà tầng” dựng sau vườn, đó là chỗ tránh lũ cho đàn bò của các hộ dân.
Ông Tám nói, thôn có đàn bò “khủng” 600 con, vì thế chăn nuôi cũng là nghề chủ lực giúp người dân thoát nghèo. Sống giữa vùng ngập lụt mưa lũ nên người dân tìm cách giữ “đầu cơ nghiệp” bằng việc lo chuồng trại chắc chắn, tích trữ đồ ăn cho bò trong suốt mùa mưa bão.
Ngôi nhà bà Nguyễn Thị Tuyết (57 tuổi) thuộc tổ đoàn kết số 4 thôn Lệ Bắc, vốn là vùng thấp dễ ngập lụt. Cứ mưa lớn nước lũ tràn vào, ngoài việc lo kê dọn đồ đạc vợ chồng bà phải lo dắt bò đi tránh lũ. Năm 2017, vợ chồng bà quyết định đầu tư hơn 50 triệu đồng để xây khu chuồng trại cho đàn bò của gia đình. Trên khoảnh đất rộng bên hông nhà, khu chuồng trại được xây 2 tầng bê tông cốt thép chắc chắn.
Nền tráng xi măng, cầu thang dựng ngoài trời để dẫn bò lên khu tầng trên khi có nước lớn. Ngày thường bò sẽ ở tầng dưới, khu phía trên được tận dụng chứa lương thực dự trữ cho vật nuôi ngày nước ngập. “Hồi đấy không đủ tiền nhưng cũng ráng vay mượn để xây chứ cứ mưa bão lại dẫn bò đi trú cực quá, mà cũng chẳng yên tâm. Đây là tài sản của cả gia đình, giữ như túi tiền của mình vầy đó” - bà Tuyết tâm sự.
Tay thoăn thoát lấy từng đụn cỏ cho bò ăn, ông Hồ Văn Bảo (thôn Lệ Bắc) nói, chính nhờ đầu tư đàn bò đã giúp gia đình có cái ăn cái mặc, nuôi 3 đứa con học hành trong đó có cô út đã trở thành bác sĩ. Làng này, ai cũng cố gắng đầu tư chuồng trại cho đàn vật nuôi của mình. "Nó ăn có no, ngủ có ngon mình cũng mới yên tâm." - ông Bảo cho biết.
Dù phải vay nợ, nhưng năm ngoái, chị Nguyễn Thị Bé cũng đầu tư hơn 50 triệu đồng để xây khu chuồng trại cho bò. Đàn bò 5 con là tài sản lớn của cả nhà, do đó xây chuồng trại là "công trình" thuộc diện ưu tiên. Chị nói từ khi có khu chuồng trại chắc chắn cảm thấy tự tin trong mùa mưa bão.
Trưởng thôn Lệ Bắc cho biết, dù nhiều vất vả nhưng tính cần cù, chịu khó ham học hỏi đã giúp người dân từng bước nâng cao đời sống, giảm nghèo. Đến nay toàn thôn chỉ còn 1 hộ nghèo. Mừng hơn nữa lớp trẻ giữ được nếp ham học, năm vừa rồi cả thôn có 16 em đỗ đại học.
“Giờ niềm mong mỏi lớn nhất của tất cả người dân trong làng là sớm có được cây cầu bắc qua đây. Cây cầu sẽ giúp các em đến trường an toàn hơn, giúp việc đi lại thông thương thuận tiện hơn, đặc biệt là không còn nỗi lo đuối nước mỗi mùa mưa bão” - Trưởng thôn Lệ Bắc bày tỏ.
Theo Hoài Văn