Xây dựng “Trường học hạnh phúc” với yêu thương, an toàn và tôn trọng

Chia sẻ Facebook
19/09/2022 21:49:15

Một trường học hạnh phúc có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.


Tiêu chí trường học hạnh phúc


Lấy cảm hứng từ mô hình "Happy School" của UNESCO, mô hình "Trường học hạnh phúc" được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước. Tùy theo điều kiện mà mỗi địa phương có những tiêu chí khác nhau nhưng một trường học hạnh phúc có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.


Cụ thể, về tiêu chí yêu thương đó là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao trùm lên là bao dung.

Về tiêu chí an toàn: Trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà.

Đối với tiêu chí tôn trọng: Cần tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.

Nói đến trường học hạnh phúc, nhiều người nghĩ ngay đến việc phải đầu tư những ngôi trường thật hiện đại. Nhưng hạnh phúc, trước tiên lại phải bắt đầu từ việc tạo niềm vui đi học mỗi ngày cho trẻ.

Ở một tỉnh miền núi khó khăn như Yên Bái, tưởng rằng khó để xây dựng trường học hạnh phúc thế nhưng, ở các trường học vùng xa xôi, những thay đổi của thầy cô, nhà trường đang giúp cho các em học sinh cảm thấy háo hơn khi được đi học.


Trường học hạnh phúc


Mỗi buổi sáng đến lớp, những học sinh sẽ được chọn cách để chào ngày mới.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến (Trường Mầm non Hoa Phượng, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) chia sẻ: "Ban đầu tâm lý e ngại, sau đó cả học sinh và giáo viên đều rất thích".

Từ thích đến trường, sẽ thích học, vậy những giờ học làm sao cho trẻ hạnh phúc?

Vận động trên những đường đua bằng sỏi, học tính toán qua trò chơi bắt cua bỏ giỏ, phát triển thẩm mỹ từ việc thỏa sức tô màu, tạo hình, góc vận động mang lại những giờ học hạnh phúc nhưng không hề tốn kém.

Ở bậc học lớn hơn, nhiều học sinh cảm thấy lo lắng bởi kiến thức khó hơn. Ngay như môn âm nhạc, dù vận động với nhiều giai điệu, việc ghi nhớ các nốt nhạc cũng là một thử thách. Cô giáo đã xây dựng các vở kịch để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ.


Trong lớp có học sinh tự kỷ vậy nhưng, chính em học sinh đó lại biểu lộ sự chú tâm với tiết học. Cô giáo biết và giúp những cá nhân khác biệt có thể hòa nhập với tập thể. Đó cũng là một cách để trường học hạnh phúc với mọi học sinh.


Thay đổi tích cực trong trường học


Để xây dựng trường học hạnh phúc thì không chỉ học sinh mà giáo viên cũng được cần quan tâm đầy đủ. Thế nên, những sự thay đổi nhỏ từ phòng chờ của giáo viên cũng tạo nên những giây phút thư giãn, thoải mái. Những sự quan tâm, thay đổi thực chất từ những công trình phụ mà không phụ đã giúp thời gian của thầy cô và học sinh ở trường vui vẻ hơn.

Chia sẻ Facebook