Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh về văn hóa vật thể, phi vật thể và trên không gian mạng

Chia sẻ Facebook
02/06/2022 16:10:39

Ngày 2-6, Tọa đàm 'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Sự lan tỏa mạnh mẽ những tư tưởng, văn hóa, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phụ nữ TP.HCM' đã được tổ chức.

Quang cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: TTXVN


Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM là nơi chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc riêng không phải nơi nào cũng có được.


Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là một vài bức tượng ngoài không gian công cộng hay những tác phẩm văn học nghệ thuật, câu khẩu hiệu tuyên truyền mà còn là tổng hòa nhiều yếu tố từ lối sống, phong cách, ứng xử, sự nghĩa tình, hướng đến hình thành lối sống cao đẹp, đầy nhân nghĩa nơi con người thành phố, mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh.

Do đó, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chung, quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 do Đảng bộ Thành phố lãnh đạo, chính quyền quản lý, tất cả người dân đang sinh sống, làm việc, học tập tại thành phố là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng.

Để làm được điều này cần tổ chức thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, nhất là tại địa bàn dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người, xứng đáng với thành phố mang tên Bác.

Nhấn mạnh đến sự cần thiết về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM, ông Ngô Văn Luận - phó trưởng ban Dân vận Thành ủy cho rằng, là thành phố vinh dự mang tên Bác, TP.HCM có trách nhiệm cao hơn trong việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm sao người dân thành phố, người dân ở các địa phương, kể cả du khách các nước đến cảm nhận, hiểu được sâu sắc hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm yêu thương, quý trọng, sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ Việt Nam cũng như công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới. Do đó, tham gia cùng thành phố xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, các cấp Hội Phụ nữ Thành phố cần tạo cho mình nét riêng và mang "bản sắc giới".

Ngoài việc xây dựng những không gian vật thể, phi vật thể về Bác Hồ như xây dựng tủ sách Bác Hồ, triển lãm hình ảnh về Bác, các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp hội cần tập trung xây dựng hình ảnh người phụ nữ thành phố "Đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc" mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI đã đề ra trong phong trào thi đua.

Các cấp hội cần xác định rõ, cụ thể các cặp tiêu chí để có hoạt động phù hợp, thiết thực đi liền với tham gia phong trào "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Trung ương Hội khóa XIII.

Để làm tốt việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ hội, đảng viên, công chức, viên chức phải luôn gương mẫu, tiên phong trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, đặt lợi ích của hội viên, phụ nữ, nhân dân lên trên hết như câu nói của Bác "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".

Thành phố khuyến khích Hội Liên hiệp phụ nữ có những ý tưởng và hoạt động cụ thể xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh mang nét đặc trưng của riêng giới bằng hình thức không gian vật thể hoặc phi vật thể, kể cả trên không gian mạng nhằm tuyên truyền, quảng bá một cách trực quan, sinh động về người phụ nữ của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Ở nhiều thành phố tại các quốc gia khác nhau trên thế giới, nơi nào có dòng sông chảy qua thì nơi đó luôn được quy hoạch để trở thành một biểu tượng đặc trưng của địa phương, là môi trường thuận lợi cho sự phát triển nhiều mặt của thành phố.

Chia sẻ Facebook