Xây dựng hệ giá trị quốc gia thời kỳ mới
Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ mới có vai trò quan trọng để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Trong suốt lịch sử hàng ngàn năm, đất nước ta có thể đánh thắng mọi kẻ thù để tồn tại và phát triển chính là nhờ cả dân tộc chung một ý chí, chung một khát vọng mãnh liệt về độc lập, hòa bình. Đó là biểu hiện sinh động nhất của sức mạnh hệ giá trị quốc gia.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước và dân tộc nên ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc và năm 1943, Đảng ta đã đề ra "Đề cương văn hóa Việt Nam".
Đại hội lần thứ VIII năm 1996, Đảng đã đặt vấn đề phải "Hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại'. Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm khóa VIII xác định: Những giá trị văn hóa bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc.
Trải qua hơn 25 năm, những nghiên cứu đúc rút về hệ giá trị quốc gia được thực hiện qua hàng chục công trình nghiên cứu lớn và được tổng kết tại Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng. Đặc biệt, đến Đại hội XIII, khái niệm "hệ giá trị quốc gia" chính thức được xác định như 1 trong 4 hệ giá trị quan trọng nhất cùng với hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết 9 giá trị tiêu biểu của hệ giá trị quốc gia là "Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".