Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm của Bạc Liêu là 147.900ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh 35.900ha.
Sản xuất theo hướng bền vững, th ích ứng với biến đổi kh í h ậu
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đạt hiệu quả và đóng góp tỷ trọng rất lớn vào thị phần kinh tế của địa phương.
Trao đổi với Người Đưa Tin , ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước phù hợp với đường lối của Đảng chủ trương của Nhà nước, đáp ứng được các yêu cầu về đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt là phát triển thủy sản (trọng tâm là phát triển ngành tôm) theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao được phát triển có 6 công ty, đơn vị và hơn 265 hộ dân đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh với diện tích trên 1.100ha, năng suất thu hoạch 18,35 tấn/ha, sản lượng 2.147 tấn và diện tích thâm canh, bán thâm canh gần 3.000ha.
Theo ông Cận, để đạt mục tiêu nêu trên, tỉnh đã và đang tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp đột phá.
Cụ thể, đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh của tỉnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, phấn đấu tỉnh là nơi có sức hút các nhà đầu tư, các nguồn lực và có thể tạo được tác động lan tỏa để thúc đẩy ngành tôm và các ngành phụ trợ có liên quan đến tôm ở các tỉnh lân cận và cả nước cùng phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, xây dựng vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao, sản xuất được khoảng 40-45 tỷ con giống/năm đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh đồng thời xuất sang các tỉnh lân cận với lượng giống sản xuất đảm bảo chất lượng đạt 90%.
Xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với nòng cốt là các tổ chức khoa học, công nghệ và các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển công nghệ cao trong ngành công nghiệp tôm. Xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính của tỉnh, khuyến khích phát triển hình thức nuôi công nghệ cao mô hình nông hộ.
Xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước
Bên cạnh đóa, phát triển năng lực chế biến, đưa tổng công suất thiết kế đạt trên 294.000 tấn/năm đến năm 2025; sản phẩm tôm chế biến công nghệ cao đạt chứng nhận an toàn thực phẩm của NAFIQAD, các tiêu chuẩn quốc tế và của từng thị trường xuất khẩu.
Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh hướng tới đạt chứng nhận của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để tôm Bạc Liêu đạt yêu cầu chất lượng của các thị trường khó tính.
Giới thiệu cung cấp thông tin một cách công khai minh bạch về các quy hoạch, chủ trương đã và đang áp dụng, các dự án đề án, nhất là chủ trương về việc: “Xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước”.
Trong đó, cụ thể hóa các khu sản xuất công nghệ cao, khu sản xuất phụ trợ, hạ tầng thủy lợi, giao thông..., khả năng cung cấp nguyên nhiên liệu, điện năng... để các nhà đầu tư nắm rõ trước khi quyết định đầu tư.
Thu hút đầu tư, huy động các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nông dân đầu tư toàn bộ hoặc một phần hạ tầng vùng nuôi. Huy động vốn của nhiều thành phần kinh tế đầu tư các hạng mục công trình giao thông nông thôn, kênh nội đồng; hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, Hợp tác xã đối mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, phát triển liên kết chuỗi giá trị hướng tới xây dựng thương hiệu tôm Bạc Liêu.
Tranh thủ các Bộ, ngành Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn để sớm triển khai đầu tư lưới điện phục vụ cho các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đặc biệt là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm để thu hút nhà đầu tư; vùng nuôi tôm chuyên canh trên địa bàn tỉnh; đầu tư các dự án hạ tầng vùng nuôi tôm, hạ tầng phục vụ sản xuất thức ăn, thuốc thú y thủy sản và các dịch vụ hậu cần liên quan.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng đinh, phát triển ngành tôm là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng địa phương nhưng tuyệt đối không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Thách thức ban đầu của Đề án được nhận diện là khó khăn về nguồn vốn đầu tư và vấn đề ô nhiễm môi trường (nước xả thải).
Do vậy, trong giai đoạn tới, tỉnh Bạc Liêu xác định Ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là “trụ đỡ” quan trọng trong phát triển kinh tế chung của tỉnh, xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh và định hướng, giải pháp phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, vấn đề về nguồn vốn thực hiện theo Đề án là trên 3.000 tỷ đồng và vấn đề ô nhiễm môi trường là những vấn đề tỉnh rất quan tâm và triển khai các giải pháp trọng tâm để thực hiện, riêng việc hỗ trợ về nguồn vốn cho hộ nuôi cũng như đảm bảo các vấn đề bảo vệ môi trường, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành địa phương tập trung thực hiện các giải pháp trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Xử lý nghiêm nếu xảy ra ô nhiễm môi trường
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, về môi trường là một vấn đề nan giải, biện pháp hiện nay là tỉnh có quy định về bảo vệ môi trường trong vùng quy hoạch nuôi tôm.
Trước mắt là vận động mọi tổ chức - cá nhân nuôi tôm phải tuân thủ quy định bảo vệ môi trường vì nếu một hộ không tuân thủ sẽ gây ảnh hưởng cho tập thể xung quanh. Nếu cố tình vi phạm thì tỉnh sẽ xử lý nghiêm.
Tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát tình hình xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm siêu thâm canh. Kiên quyết ngăn chặn hộ nuôi phát triển mô hình nuôi siêu thâm canh có diện tích dưới 1ha, hệ thống chứa, xử lý nước thải không đảm bảo.
UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát kiểm tra dự án có quy mô dưới 50ha có phát sinh nước thải yêu cầu các cơ sở, hộ nuôi tôm lập hồ sơ thủ tục cấp giấy phép môi trường gửi UBND cấp huyện thẩm định cấp phép; đối với các cơ sở không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường thì thực hiện đăng ký bảo vệ môi trường gửi UBND cấp xã để theo dõi quản lý.
Đối với những hộ còn khó khăn về vốn, tỉnh luôn tranh thủ các chương trình, dự án trong và ngoài nước hỗ trợ người nuôi tôm siêu thâm canh về công nghệ, quy trình, thiết bị hệ thống xử lý nước thải. Triển khai công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện để xử lý môi trường trong quá trình sản xuất; khuyến khích ứng dụng công nghệ tái chế các phụ phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm giảm lượng chất thải ra môi trường.
Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường ở các tuyến kênh trọng điểm, tuyến kênh đầu nguồn lấy nước vào ao nuôi, vùng nuôi,… để kịp thời cảnh báo và khuyến cáo.
Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu tăng cường phối hợp với các tỉnh lân cận (Cà Mau, Sóc Trăng) để thống nhất cụ thể thời gian cho phép sên vét, cải tạo ao đầm đối với các huyện, thành phố giáp ranh giữa các tỉnh, nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong công tác bảo vệ môi trường.
Đối với người nuôi tôm cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản vì cộng đồng người nuôi tôm, phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong hoạt động bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Kịp thời phát hiện và thông tin đến ngành chức năng để có biện pháp ngăn chặn và xử lý; Khuyến khích người nuôi tôm sử dụng các đối tượng sinh học có sẵn trong điều kiện tự nhiên như: Cá rô phi, cá đối, kết hợp trồng rong biển (rong câu) thả nuôi vào các ao xử lý nước thải và tái sử dụng nguồn nước sau khi xử lý cho nuôi.
Với những mục tiêu nêu trên, trong tương lai không xa, Bạc Liêu sẽ trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước.
Phát triển bền vững trong sản xuất lúa - tôm tại ĐBSCL
Tại hội thảo “Thúc đẩy mô hình lúa tôm và liên kết doanh nghiệp tại ĐBSCL” được tổ chức tại Bạc Liêu vào ngày 30/3, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, hội thảo nhằm tìm giải pháp hiệu quả, phát triển bền vững trong sản xuất lúa - tôm tại ĐBSCL với các tiêu chuẩn phù hợp đáp ứng yêu cầu thị trường.
Hội thảo do Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp cùng Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, OXFAM tại Việt Nam và MCD tổ chức. Hội thảo nhằm chia sẻ những kết quả, bài học kinh nghiệm và lấy ý kiến tham vấn từ các đại biểu để đóng góp, hỗ trợ chính sách tại vùng ĐBSCL.
Thanh Lâm