Xăng dầu thiếu hụt cục bộ tại nhiều tỉnh, thành

Chia sẻ Facebook
10/10/2022 09:36:43

Những bất ổn trên thị trường xăng dầu đã được phản ánh trong suốt thời gian vừa qua nhưng về phía cơ quan quản lý nhà nước - Bộ Công Thương vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để


Ngày 9-10, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn nhiều quận tại TP HCM tạm ngưng phục vụ, xe chạy vào rồi phải đi ngay sau cái xua tay của nhân viên. Một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu khác chỉ phục vụ một trạm đổ xăng, khách phải xếp hàng dài, chờ hơn 30 phút để đến lượt.


"Hết hàng"

Anh Nguyễn Trần Hữu Thông (21 tuổi; quận 4, TP HCM) phải chờ hơn 15 phút mới được đổ xăng tại cây xăng tại cây xăng COMECO trên đường Bạch Đằng gần ngã tư Hàng Xanh (TP HCM). "Xe tôi hết xăng nên phải dắt bộ tới cây xăng và đợi 15 phút, may được người khác nhường tôi đổ trước" - anh Thông nói.

Cùng ngày, cây xăng Bình Triệu (quận Bình Thạnh, TP HCM) không treo bảng tạm ngưng hay biển báo nào khác mà cử một nhân viên túc trực tại trụ bơm, chỉ cần khách hàng tấp vào thì lập tức xua tay, lắc đầu báo hết xăng. Còn cây xăng Petrolimex ngay vòng xoay mũi Tàu Phú Lâm (quận 6, TP HCM) đã giăng dây báo hết xăng, nhân viên ở đây thông báo đến 23 giờ cây xăng mới nhập xăng mới.

Nhiều cây xăng tại phường Linh Đông, phường Trường Thọ (TP Thủ Đức) treo biển "Hết xăng, mong quý khách thông cảm". Cũng tại TP Thủ Đức, một số cây xăng khác treo biển hạn chế đổ xăng. Cụ thể tại trạm kinh doanh xăng dầu 27/7 trên đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức) còn xăng nhưng chỉ bán 30.000 đồng xăng/ xe máy.

Tương tự, tại 2 cây xăng thuộc Saigon Petro trên đại lộ Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức mặc dù còn xăng nhưng nhân viên chỉ đồng ý đổ tối đa 20.000 đồng/xe. Dù chỉ đổ "nhỏ giọt" nhưng tại những cây xăng này tập trung rất nhiều người.

Ông Nguyễn Văn Thành, quản lý cây xăng ở quận 12, cho biết bình thường vào những ngày cuối tuần, cây xăng thường ế khách nhưng trong 2 ngày 8 và 9-10, lượng khách tăng lên 2-3 lần so với bình thường. Nhân viên làm việc liên tục, thậm chí không có thời gian ăn uống hay đi vệ sinh.

Một số cửa hàng xăng dầu ở quận Bình Thạnh, quận 12, quận Gò Vấp, TP Thủ Đức cho biết lượng xăng của họ dự trù bán sang thứ hai (10-10) nhưng với lượng khách tăng quá đông như ngày cuối tuần này thì chỉ đến tối 9-10 sẽ hết xăng, tức sang thứ hai không còn xăng để bán.

Tương tự như TP HCM, tại nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam đã xảy ra tình trạng hàng loạt cây xăng tạm ngưng bán hàng hoặc bán cầm chừng trong những ngày qua, đặc biệt lan rộng trong ngày 9-10. Cụ thể, tỉnh Đồng Nai ghi nhận nhiều cửa hàng, trạm xăng dầu tại các địa phương trong tỉnh như: TP Biên Hòa, Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân Phú, Trảng Bom… tạm hết xăng dầu cung ứng hoặc bán cầm chừng, khống chế số lượng 30.000 đồng/lần. Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 8-10, trên địa bàn tỉnh có 40 cửa hàng báo hết xăng, trong đó có 5 cửa hàng hết cả xăng và dầu.


Nhiều vấn đề chưa được giải quyết

Trước tình trạng nhiều cây xăng đột ngột ngừng bán vì "hết hàng", Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM đã chỉ đạo các đội QLTT quận, huyện và TP Thủ Đức giám sát các cây xăng 24/24 giờ để nắm bắt tình hình. Lực lượng QLTT đã kiểm tra thực tế bồn chứa tại các cây xăng, tìm hiểu lý do không có hàng.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Đồng Nai, cho biết lực lượng QLTT đang trực 24/24 giờ để kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các cây xăng trên địa bàn. Trường hợp phát hiện đơn vị nào còn xăng không bán thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Làm việc với QLTT, các cửa hàng xăng dầu lý giải nguyên nhân là nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối khan hiếm, bị gián đoạn hoặc không kịp cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, mức chiết khấu thấp cùng các chi phí mặt bằng, nhân công, vận chuyển… không được tính vào giá bán khiến nhiều DN, cửa hàng xăng gặp nhiều khó khăn, lỗ vốn…

Báo cáo tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP HCM ngày 9-10, Cục QLTT TP HCM cho biết đang xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu tại một số thời điểm, hiện tại có 54 cửa hàng tạm hết xăng dầu. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Cục phó Cục QLTT TP HCM, cho biết thành phố có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 15 DN đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 29 đại lý bán lẻ. Đến thời điểm hiện tại, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết.

Sở Công Thương TP HCM cho hay tình hình cung ứng xăng dầu của thành phố đang gặp những khó khăn nhất định. Nguồn cung có tình trạng thiếu hụt cục bộ do việc nhập khẩu của một số đơn vị bị gián đoạn, việc vận chuyển vừa qua cũng bị ảnh hưởng do tình hình bão lụt.

"Một số cửa hàng bán lẻ tạm ngưng hoạt động hoặc kinh doanh gián đoạn do nguồn hàng cung ứng không đáp ứng kịp, đặc biệt là vào giờ cao điểm do xe bồn vận chuyển xăng dầu không được lưu thông trong thời gian này. Các cửa hàng này chủ yếu thuộc DN tư nhân kinh doanh nhỏ lẻ, không theo chuỗi và nguồn lực có giới hạn nên khó cân đối, bù đắp chi phí" - Sở Công Thương giải thích.

Trong khi các địa phương gặp khó khăn về nguồn cung xăng dầu, báo cáo của Bộ Công Thương trong những ngày gần đây cũng đều khẳng định bảo đảm nguồn cung, tình trạng thiếu hàng chỉ là cục bộ. Cơ quan này cho rằng nguyên nhân chính là do từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các DN đầu mối không có đủ tài chính để nhập hàng. Cùng với đó, nhiều DN giảm mạnh chiết khấu để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ…


Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Công ty TNHH Xăng dầu Chiến Thắng cho rằng Bộ Công Thương đang chậm trễ trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại trên thị trường xăng dầu dù các DN đã phản ánh rất nhiều trong thời gian qua.

Theo DN này, từ bất cập về chiết khấu đến khan hiếm nguồn hàng, tất cả đều dễ dàng nhận thấy khi DN đang rất khó khăn nhưng cơ quan quản lý nhà nước chưa xử lý kịp thời. "Nguồn cung rất khó khăn, DN đầu mối cấp hàng giảm đi rất nhiều so với nhu cầu thực tế của chúng tôi" - đại diện DN phản ánh.

Theo các DN, diễn biến của thị trường xăng dầu hiện tại là dấu hiệu của những "giọt nước tràn ly". Tại TP HCM, trên tinh thần kiến nghị của DN, UBND TP HCM cũng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị các bộ xem xét các vấn đề liên quan đến quy trình điều chỉnh và cách tính giá cơ sở để hài hòa lợi ích các bên.


TP HCM: Huy động 80 xe bồn vận chuyển xăng

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ, Sở Công Thương TP HCM đã đề nghị các đơn vị có chuỗi cung ứng lớn tăng cường nhập hàng để cung ứng xăng dầu cho DN bán lẻ.

Riêng đêm 9-10, Petrolimex thành phố huy động 80 xe bồn vận chuyển xăng dầu từ kho về nhập cho các hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình để tăng cường nguồn cung bù đắp cho các cửa hàng lân cận đóng cửa hoặc bị gián đoạn nguồn cung cục bộ. Các phương tiện vận chuyển xăng dầu sẽ được phép di chuyển trong giờ cao điểm để thuận lợi tiếp cận các cửa hàng, cấp xăng dầu. Cùng với đó, TP HCM sẽ công bố danh sách 500 cửa hàng đang bán xăng dầu bình thường cho DN và người dân thuận tiện trong việc mua, đổ xăng.

Ngày 11-10, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo chu kỳ. Theo đó, sẽ tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (chi phí theo bình quân gia quyền sản lượng xăng dầu DN đầu mối phải trả cho nhà máy lọc dầu hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm nhà máy lọc dầu) tại giá cơ sở xăng dầu.

Theo sự thống nhất của liên bộ, premium trong nước với xăng RON92 (xăng nền pha chế E5RON92), RON95 tăng 350 đồng, lên 1.320-1.340 đồng/lít; dầu diesel là 30 đồng/lít; dầu hỏa và ma-dút 0 đồng. Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng với xăng RON92 (xăng nền để phối trộn E5RON92) tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít; RON 95 tăng 70 đồng lên 280 đồng/lít; dầu diesel được tăng lên 240 đồng; dầu hỏa, dầu ma-dút 0 đồng.


Theo Nhóm PV

Chia sẻ Facebook