Xăng dầu giảm giá mạnh, "sốt ruột" chờ giá nguyên liệu giảm theo

Chia sẻ Facebook
12/08/2022 18:19:51

Khi giá xăng dầu giảm liên tiếp, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang trông chờ giá nguyên liệu đầu vào được điều chỉnh để điều chỉnh giá.


Công ty Thiên Sa cho biết đã đàm phán được với đối tác giảm giá vận chuyển 5%; giá nguyên liệu 3%; bao bì giảm 2% khi giá xăng dầu giảm liên tiếp. Tuy giá giảm không nhiều nhưng bắt đầu cho thấy xu hướng giảm của giá cả đầu vào.

"Chúng tôi cũng đang chịu áp lực giữ giá thành để bảo vệ người tiêu dùng và đối tác, khách hàng là mình không thể tăng giá được. Bằng cách tối ưu hoá chi phí sản xuất để bù lại và yêu cầu nhà cung cấp phải quay lại cái giá cơ bản chấp nhận được", ông Trần Văn Tuyển - Giám đốc Công ty Thiên Sa cho hay.


Trong cơ cấu giá thành của sản phẩm mà Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thực phẩm Duy Anh kinh doanh, có đến hơn 50% là giá nguyên vật liệu; 30% là nhân công, xăng dầu chỉ chiếm khoảng 10% và chủ yếu ở khâu vận tải. Doanh nghiệp đang làm việc với nhà cung cấp nguyên liệu để có mức giá tốt hơn trong chu kỳ sản xuất tiếp theo.

Ông Lê Duy Toàn - Giám đốc Công ty TNHH XNK Thực phẩm Duy Anh cho hay: "Khi xăng dầu giảm sẽ cần độ trễ nhất định để đơn vị cung ứng xem xét điều chỉnh giá mới phù hợp. Những mặt hàng mình bán từ tháng 7 là đã có điều chỉnh theo hướng giảm xuống. Giá bán nội địa hiện đang tốt hơn giá xuất khẩu nhưng chất lượng như nhau".

Tuy vậy, theo Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, giá nguyên liệu đầu vào chưa giảm đồng loạt dẫn tới thị trường hàng hoá chưa điều chỉnh rõ rệt. Đến chu kỳ sản xuất mới, doanh nghiệp sẽ tính toán đàm phán giảm giá thu mua nguyên vật liệu, từ đó đưa ra giá bán giảm theo tác động của giá xăng dầu. Cũng cần khoảng 1 tháng để nhà sản xuất "làm mới" giá bán.

"Tôi kỳ vọng các doanh nghiệp cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất sẽ giảm giá, điều tiết theo thị trường lúc đó mới có giá tốt hơn cho sản phẩm", bà Lỹ Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho hay.

Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài giảm giá xăng dầu, cần có thêm chính sách cho doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm như giảm thuế phí nguyên liệu, thức ăn nhập khẩu; có chính sách vốn vay để doanh nghiệp tăng nguồn nguyên liệu dự trữ, kìm đà tăng chi phí đầu vào.

Chia sẻ Facebook