Xăng bán ‘nhỏ giọt’ – Chủ tịch TP.HCM thừa nhận có những ‘cú sốc thị trường’

Chia sẻ Facebook
14/10/2022 11:56:32

Trước tình trạng khan hiếm xăng, xăng bán "nhỏ giọt", Chủ tịch Mãi nói đã gặp Bộ Công thương, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh cơ chế giá.

Trước tình trạng khan hiếm xăng dầu, giá xăng lên xuống thất thường, xăng bán “nhỏ giọt” được phản ánh, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay “s au khi điều chỉnh giá tình hình có dịu đi “, nhưng cũng đang kiến nghị với Trung ương đề xuất điều hành sao cho không tái lặp “những cú sốc thị trường”.

Một cây xăng kéo rào chắn, bán xăng hạn chế dù mới đầu giờ tối ngày 10/10, tại quận 12, TP.HCM. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Thông tin trên được Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4, 7 và huyện Nhà Bè trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 12/10.


Bà Tăng Ngọc Hương (ngụ quận 7) nêu ý kiến về tình hình xăng dầu tại TP.HCM khi gần đây việc cung ứng xăng dầu tại thành phố có tình trạng khan hiếm, cửa hàng kinh doanh hoạt động nhưng bán số lượng ít, một số hết xăng và tạm ngưng phục vụ. “Đô thị đông dân như TP.HCM có nhu cầu về xăng dầu cao để đi lại, buôn bán, phát triển kinh tế…” – bà Hương nêu ý kiến.

Ông Bùi Minh Tuấn (ngụ quận 4) cho rằng việc giá xăng dầu lên xuống thất thường làm các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo, nhưng khi xăng dầu giảm, các hàng thiết yếu vẫn giữ nguyên giá. Ngoài ra, một số cửa hàng xăng dầu lợi dụng tình hình ghim hàng hoặc bán ra cho khách với số lượng ít, khiến cuộc sống người dân, nhất là người dân lao động ngày càng khó khăn hơn. Cử tri kiến nghị cơ quan chức năng cần theo dõi việc niêm yết giá cả các mặt hàng thiết yếu, tránh để xảy ra tình trạng vì lợi ích cá nhân mà gây khó khăn cho người dân.

Ông Phan Văn Mãi cho biết ngay khi xảy ra tình trạng khan xăng dầu, TP đã tăng lượng cung, Sở GTVT và Công an TP phối hợp để điều chỉnh thời gian lưu thông của xe vận chuyển xăng dầu.

Còn bản thân ông trực tiếp gặp Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để nêu tình hình và kiến nghị giải pháp, nhất là phải có cơ chế giá hợp lý giữa nhà nhập khẩu đến cửa hàng bán lẻ.


Hôm qua, sau khi điều chỉnh giá tình hình có dịu đi. Nhưng chúng tôi cũng đang kiến nghị với Trung ương là điều hành làm sao để không phải mỗi lần tăng giảm giá như vậy lại tạo ra những cú sốc thị trường” – ông Mãi nói.

Cùng ngày, tại buổi họp báo định kỳ về hoạt động của ngành công thương 9 tháng đầu năm của Sở Công thương TP.HCM, Cục Quản lý thị trường TP.HCM xác nhận có khoảng 20-25% cây xăng tạm ngưng hoạt động vì không có hàng (trong tổng số 550 cửa hàng trong TP).

Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết xu hướng này đang giảm dần. Trong ngày 10/10, chỉ 7,4% số cửa hàng nhập được xăng dầu về và hoạt động. Tỷ lệ này vào ngày 11/10 là 39% và ngày 12/10 là 67,8%.


Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM khẳng định “đến nay chưa phát hiện tình trạng chủ tâm găm hàng, lợi dụng giữ hàng lại để bán tăng giá, thu lợi bất chính trên địa bàn TP.HCM. Tại những cây xăng đóng cửa, khi kiểm tra đo bồn, quả thực họ hết hàng”.

Về phía doanh nghiệp, ông Đào Văn Hùng – Phó giám đốc Petrolimex Sài Gòn cho biết trong 10 ngày tới công ty này sẽ nâng nguồn cung cho thị trường TP.HCM lên 400.000 m3 (nhà kho tại Nhà Bè đang trữ 300.000 m3, 4 ngày tiếp theo sẽ nhập thêm 100.000 m3). Theo ông Hùng, với điều chỉnh giá và điều tiết như hiện tại, 1-2 ngày tới tình hình xăng dầu sẽ trở lại hoạt động bình thường.

Trong khi đó, có ý kiến phân tích từ Viện Kinh tế – Tài chính (*) cho rằng sự bất ổn của thị trường xăng dầu trong thời gian qua xuất phát từ bất cập của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.


Theo phân tích này, “từ cuối tháng 6 – 9/2022 vừa qua, khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm khá mạnh thì cách tính do Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định làm cho giá cơ sở giảm rất nhanh qua mỗi lần điều chỉnh giá, giá vốn thực của thương nhân đầu mối thường cao hơn giá cơ sở ở mức rất đáng kể và họ phải tìm cách để giảm lỗ cho doanh nghiệp mình bằng những biện pháp như: giảm mạnh chiết khấu khi giao xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ; hạn chế giao xăng dầu ở những địa điểm xa, hẻo lánh, cần chi phí lưu thông cao…”.

Từ đó, phản ững xảy ra theo “hiệu ứng domino” với việc hàng loạt cây xăng dừng bán hàng, kéo theo tâm lý bất ổn của người tiêu dùng, từ đó lan rộng ra nhiều tỉnh thành.


(*) https://vneconomy.vn/het-xangvi-quy-dinh-bat-hop-ly-trong-cong-thuc-tinh-gia-co-so-xang-dau.htm


Nguyễn Minh

Ẩu đả loạn xạ tại cây xăng TP.HCM vì khách đòi mua 5 lít, nhân viên "chỉ bán 1,5 lít"

Ngày 12-10, MXH lan truyền đoạn clip ghi lại vụ việc một nhóm khách hàng ẩ.u đ.ả với nhiều nhân viên của cây xăng trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức…

Chia sẻ Facebook