"Xài chùa" sản phẩm văn hóa nghệ thuật, tài sản công cần chế tài xử phạt nghiêm
Những chế tài nghiêm khắc là một trong các giải pháp để xử lý hành vi "xài chùa" của công hoặc dùng tài sản của người khác làm lợi cho mình của một bộ phận người dân.
Với một bộ phận người Việt Nam, dùng phần mềm lậu, nghe nhạc lậu , xem phim lậu đã trở thành thói quen. Thậm chí trên mạng, người ta còn hướng dẫn nhau tìm kiếm các nền tảng nghe nhạc lậu, cách lấy nhạc trên mạng mà không bị đánh bản quyền... Đây chỉ là một trong những biểu hiện của thói quen thu vén lợi cho bản thân mình nhưng lại không muốn phải trả tiền. Cách gọi dân dã là "dùng chùa", "xài chùa".
Thời gian qua, các tranh chấp về bản quyền âm nhạc liên tục xảy ra. Không ít nhạc sỹ kiện ca sỹ hay đơn vị thu âm, nhà sản xuất phim vì sử dụng không xin phép đối với các sáng tác của họ. Với đa số người dùng Việt Nam, việc nghe nhạc miễn phí trên các nền tảng số là một thói quen. Do vậy những ứng dụng nghe nhạc như thế này phải nhận nhiều đánh giá 1 sao chỉ vì phải trả phí.
Không chỉ có âm nhạc, trên mạng internet hiện nay lan tràn những trang tường thuật trực tiếp lậu các trận bóng đá trong nước và quốc tế. Trang này bị chặn thì ngay lập tức nhiều trang khác ra đời, vì chúng đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ công chúng không chịu bỏ tiền để xem các kênh truyền hình có bản quyền. Công ty TNHH Truyền hình Số Vệ Tinh Việt Nam cho biết, đơn vị này bị thiệt hại khoảng 300 tỷ đồng/năm do vi phạm bản quyền. Tình trạng sử dụng không trả phí còn phổ biến ở nhiều loại hình khác như phim ảnh, sách online lậu, phần mềm bị bẻ khóa, trò chơi điện tử..., khiến Việt Nam được xếp vào danh sách những quốc gia có mức độ vi phạm bản quyền nhiều nhất trong khu vực.
Một con số đáng lo ngại nữa là số lượng người xem video trái phép tại Việt Nam năm 2022 là 15,5 triệu, làm thất thoát 348 triệu USD. Nếu không kiểm soát được tình hình thì chỉ 5 năm nữa thôi số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD.
Nói điều này để thấy, việc "dùng chùa" có thể dẫn tới nhiều hậu quả. Như trong lĩnh vực nghệ thuật, nó liên quan trực tiếp tới lao động nghệ thuật và sáng tạo của các nghệ sĩ. Chỉ khi các tác phẩm nghệ thuật được trả thù lao xứng đáng từ chi phí tác quyền, người nghệ sĩ mới có động lực lành mạnh để tiếp tục đầu tư vào chất lượng cho các tác phẩm khác trong tương lai. Ngược lại, hiện tượng bị "xài chùa" sẽ khiến họ mất đi động lực sáng tạo, hoặc phải rẽ sang kiếm tiền từ những nguồn khác, ngay cả người dùng cũng sẽ bị tác động tiêu cực một cách vô hình.
PGS.TS Đỗ Thị Vân Anh - Trưởng khoa Công tác xã hội, Đại học Công đoàn - cho hay: "Hiện tượng tùy tiện sử dụng sẽ cản trở sự phát triển giá trị trong mỗi con người. Nếu bạn phải bỏ số tiền lớn để mua một cuốn sách thì chúng ta sẽ dồn tâm đọc sách. Nhưng nếu không mất đồng tiền nào, hay xem chương trình trên mạng thì bản thân bạn cũng đã coi thường những giá trị đó, sản phẩm rẻ tiền nên chỉ đọc cho hay, cho biết thôi".
"Để tạo sự công bằng, chúng ta có thể mong chờ vào các chế tài pháp luật, những quy định, chuẩn mực phải mạnh mẽ, chặt chẽ và nghiêm minh, không thể theo thói quen cổ súy, dĩ hòa vi quý để bỏ qua những chuyện nhỏ. Chính điều đó sẽ khiến người ta hình thành thói quen nghĩ rằng mình không sai, tiếp tục làm vậy. Tất cả chỉ có sự răn đe nếu có sự mạnh mẽ và quyết liệt trên tất cả các khía cạnh của pháp luật, đưa các chế tài vào để xử lý nghiêm minh nhất".
Không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật, việc tùy tiện sử dụng của công hoặc tài sản của người khác làm lợi cho mình còn diễn ra trong nhiều hoạt động khác của xã hội, như dùng máy in cơ quan in tài liệu cá nhân, in bài cho con; mang nồi hầm đến cơ quan hầm thức ăn cho tiết kiệm điện của nhà, thậm chí có người tắm luôn ở cơ quan để về nhà đỡ tốn nước. Ở không gian công cộng, có người dùng xe công đi việc tư, dùng diện tích chung ở vỉa hè, ngõ xóm hoặc không gian chung cư để đồ riêng hoặc bán hàng…. Điều đáng nói là rất nhiều người nghiêm ngắn trong cách cư xử nhìn ra hành vi xấu xí này nhưng vì ngại mất lòng nên không dám lên tiếng. Vì thế, những người có thói quen "xài chùa" cứ thoải mái xâm phạm vào không gian, tài sản chung.
Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng "nền sản xuất tiểu nông xa xưa phụ thuộc vào thời tiết đã làm nảy sinh thói tùy tiện. Thay vì tích lũy trí tuệ, người ta chỉ cần biết cách ứng xử khôn khéo, linh hoạt, chỉ cần giải quyết cái gì trước mắt, cho nên nó sinh ra sự tùy tiện. Thói quen ấy truyền từ đời này qua đời khác mà đến bây giờ vẫn còn ảnh hưởng khá nặng nề". Nhưng hơn cả sự tùy tiện, việc mặc nhiên sử dụng của công hoặc tài sản của người khác làm lợi cho mình còn là hành vi thể hiện sự tham lam của một bộ phận người trong xã hội. Trong khi cố gắng bảo tồn tài sản cho mình, người ta lại xà xẻo tài sản chung hoặc tài sản của người khác.
Về lâu dài, thói quen này dẫn đến sự thiếu công bằng trong tập thể, làm thất thoát tài sản chung, xâm phạm vào tài sản của người khác. Quan trọng hơn cả, trong một cộng đồng, người này thấy người kia làm được thì cũng sẽ học theo. Để tiến tới một xã hội văn minh, cần phải loại bỏ những ứng xử tùy tiện, thói tham lam của cải không thuộc về mình của một bộ phận người trong xã hội, thực hiện nghiêm nội quy ở các cơ quan, đơn vị, không dung túng cho những hành vi tùy tiện sử dụng của công hoặc tài sản của người khác làm lợi cho mình, gây ảnh hưởng đến không gian, môi trường chung của cộng đồng, làm thất thoát tài sản công. Chỉ khi con người cư xử nghiêm ngắn, đúng mực, có tự trọng thì xã hội mới đảm bảo trật tự, công bằng và tính thượng tôn pháp luật.
Chặn đường né thuế, "xài chùa" bản quyền Khó có thể chấp nhận việc các tập đoàn công nghệ thu hàng tỷ USD doanh thu song chỉ đóng nhỏ giọt tiền thuế.