Xác định tín hiệu vô tuyến đầu tiên gửi từ người ngoài hành tinh?
Kết quả giải mã một tín hiệu vô tuyến bí ẩn khiến các nhà khoa học bối rối gần nửa thế kỷ cho thấy nó có thể đến từ một thế giới "song sinh" với chúng ta, nằm trong chòm sao Nhân Mã.
Nghiên cứu vừa công bố trên International Journal of Astrobiology từ nhà thiên văn học độc lập Alberto Caballero đã xác định được tín hiệu vô tuyến nổi tiếng "Wow!" trong dữ liệu của Viện SETI (Tìm kiếm trí thông minh ngoài hành tinh) thực sự đến từ một thế giới giống hệ Mặt Trời .
Xuất hiện trong một cuộc tìm kiếm của SETI thông qua kính thiên văn Big Ear của Đại học Bang Ohio (Mỹ), Wow! cực kỳ mạnh mẽ nhưng rất ngắn, chỉ kéo dài 1 phút 12 giây, theo báo cáo của nhà thiên văn học Jerry Ehman, người phát hiện ra nó vào ngày 15-8-1977.
Dữ liệu từ kính thiên văn Big Ear hiện đã được giải mã để tìm kiếm các thông điệp ở dải tần điện từ 1420.4056 megahertz, được tạo ra bởi nguyên tố hydro.
"Vì hydro là nguyên tố dồi dào nhất trong vũ trụ, nên hoàn toàn logic khi dự đoán rằng một nền văn minh thiên hà Milky Way của chúng ta muốn thu hút sự chú ý đến chính nó có thể phát tín hiệu bằng hoặc gần tần số của vạch hydro trung tính" - tờ Space dẫn lời tiến sĩ Ehman.
Cũng chính đều đó đã định hướng cho nghiên cứu của Alberto Caballero. Nhà thiên văn này cho biết lần theo những điều đó, đối chiếu với danh mục các ngôi sao từ vệ tinh Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, ông đã xác định được "quê hương" của tín hiệu vô tuyến Wow!.
Đó là 2MASS 19281982-2640123 cách chúng ta khoảng 1.800 năm ánh sáng có nhiệt độ, đường kính và độ sáng gần giống Mặt Trời của chúng ta, tức rất có thể sở hữu mọt hành tinh giống Trái Đất.
Theo bài báo cáo, không loại trừ khả năng tín hiệu vô tuyến này đến từ một hiện tượng tự nhiên, nhưng cho tới nay vẫn chưa hiện tượng tự nhiên nào thật sự khớp với các đặc tính của Wow!, nên giả thuyết về người ngoài hành tinh vẫn là điều đáng trông đợi.
Các nhà thiên văn kỳ vọng câu trả lời sẽ rõ ràng hơn khi các kính viễn vọng tương lai có khả năng nhìn thấu suốt bầu khí quyển của các hành tinh giống Trái Đất xa xôi.
Hai ngành học rất mới mẻ ở ĐH Quốc gia Hà Nội: Cực hữu ích, ra trường có việc ngay