Xả trạm thu phí dịp lễ, đừng đắn đo
Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, trong đó có yêu cầu các trạm thu phí BOT phải chủ động xả trạm khi có ùn tắc kéo dài.
Doanh nghiệp thu phí ủng hộ xả trạm ngày lễ
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề xuất này, ông Lê Trung Tính, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP, cho hay việc ùn tắc tại trạm thu phí sẽ được giải quyết khi hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) được "phủ sóng". Hiện hiệp hội cũng đang phối hợp với ngành giao thông tuyên truyền, đẩy nhanh tốc độ dán thẻ thu phí không dừng.
"Trong khi chờ việc hoàn thành lắp đặt ETC, tôi đồng ý với đề xuất cần có chính sách xả trạm vào các ngày cao điểm lễ Tết. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19", ông Tính nói.
Ông Bùi Văn Quản, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho hay vào các dịp lễ, người dân thường lên kế hoạch đi chơi ngắn hạn.
Thế nhưng trong bối cảnh ùn tắc như hiện nay, có khi riêng chuyện di chuyển đã tốn gần nửa ngày nếu gặp ùn tắc. Do đó, việc xả trạm để miễn phí cho người dân đi lại thông suốt là điều nên làm.
Anh Võ Trọng Nhân (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho biết ngày thường con anh bận học hành nên chỉ đi chơi vào những ngày lễ nhưng lại rất ngán cảnh xếp hàng chờ ở các trạm thu phí.
"Tôi đồng tình việc thu phí để trả khoản tiền đã đầu tư con đường, nhưng cứ mỗi lần đi phải xếp hàng chờ qua các trạm thu phí, mỗi trạm chờ 30 phút thôi cũng tốn hao bao nhiêu xăng, chưa kể đến cảm giác bức bối khó chịu trong đám đông kẹt xe...
Tính ra thiệt hại xã hội là rất lớn, khoản phí thu được không bù đắp được khoản thiệt hại này, vì vậy tốt nhất nên xả trạm", anh Nhân nói.
Theo một lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), hiện một số tuyến cao tốc ở khu vực phía Nam đang quá tải, nhất là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Vào ngày lễ, lượng xe quá đông, chỉ cần một xe sự cố hoặc tai nạn là ùn tắc kéo dài.
Lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ IV cũng ủng hộ phương án xả trạm vào các ngày cao điểm lễ Tết để bà con đi du lịch được thoải mái hoặc xả trạm theo khung giờ cao điểm. "Vào các ngày lễ Tết, các cán bộ của Cục Quản lý đường bộ IV cùng với lực lượng cảnh sát giao thông túc trực liên tục tại trạm thu phí.
Khi thấy kẹt xe, các bên lập biên bản tại hiện trường, tiến hành xả trạm. Trên thực tế, thời gian này xe cộ rất đông, lúc xả lúc thu rất phức tạp và khó kiểm soát", lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ IV nói.
Là chủ đầu tư dự án BOT mở rộng quốc lộ 51, ông Đinh Hồng Hà, tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), cho biết muốn xả trạm phải được sự cho phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Theo quy định, trạm ùn ứ, kẹt 700m là được phép xả trạm. Quy định là vậy nhưng ông Hà cho hay khi kẹt khoảng 500m là các trạm thu phí của BVEC trên quốc lộ 51 đã chủ động xả trạm. Về ý kiến không thu phí những ngày lễ Tết, ông Hà cho hay sẵn sàng ủng hộ và chấp hành tuyệt đối nếu có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Doanh nghiệp đường cao tốc thu phí "rùa bò"
Sau hơn 7 năm đưa vào khai thác, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây luôn là điểm nóng ùn tắc mỗi đợt lễ Tết. Lượng xe qua tuyến này đã vượt mốc 60.000 lượt/ngày, kỷ lục nhất là ngày 29-4-2021 đạt 75.000 lượt, trong khi thiết kế chỉ đáp ứng 44.000 lượt/ngày.
Thêm vào đó, hiện trạm thu phí trên tuyến cao tốc này vẫn chưa lắp đặt ETC thống nhất với cả nước.
Một lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết đầu tuần tới sẽ phát hành hồ sơ mời thầu đơn vị cho thuê trọn gói dịch vụ ETC.
Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu là 20 ngày, đánh giá hồ sơ trong 20 ngày để chọn nhà cung cấp dịch vụ và lắp đặt hệ thống ETC trong 90 ngày. Riêng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (lắp mới các làn ETC) và Cầu Giẽ - Ninh Bình (lắp bổ sung làn ETC) sẽ hoàn thành lắp đặt trong 50 ngày.
Trong 5 dự án đường cao tốc do VEC quản lý, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được đầu tư hệ thống ETC (15/40 làn thu phí) từ năm 2020. Hai tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn thu phí theo hình thức 1 dừng.
Riêng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thu phí 1 dừng và ETC công nghệ DSRC (theo điều kiện vay vốn ODA để đầu tư tuyến cao tốc này) khác với công nghệ RFID như các trạm thu phí trên cả nước đang dùng. Còn cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công.
Theo quy định hiện hành, VEC chỉ được dùng tiền thu phí để trả nợ vay làm các dự án đường cao tốc và cho tổ chức thu phí, bảo dưỡng thường xuyên mà không được phép dùng để đầu tư ETC. Vì vậy, Chính phủ cho phép VEC trích một phần tiền duy tu, bảo trì các tuyến cao tốc hằng năm để thuê trọn gói dịch vụ ETC.
"VEC là doanh nghiệp nhà nước và do vướng mắc về cơ chế trong khi chờ tái cơ cấu các dự án nên việc triển khai ETC không thuận lợi như các dự án BOT của nhà đầu tư tư nhân. Nhưng khi xác định được nguồn kinh phí đầu tư ETC, chúng tôi quyết tâm thực hiện trong thời gian nhanh nhất", lãnh đạo VEC cho biết.
Trong thời gian chờ lắp đặt ETC, VEC vẫn tiếp tục thực hiện quy định xả trạm thu phí khi có ùn ứ như quy định của Bộ GTVT và nghị định 100 của Chính phủ. Do cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm tiến độ khi gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách bố trí vốn ODA và vốn ngân sách nhà nước cho VEC nên không chia sẻ lưu lượng được với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện đã quá tải.
"Vào dịp lễ Tết, VEC luôn chủ động xả trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khi ùn ứ. Khi xả trạm thì có sự chấp thuận từ Tổng cục Đường bộ và Cục Cảnh sát giao thông để lập biên bản, kiểm kê", lãnh đạo VEC cho biết.
Với đề xuất các trạm thu phí chưa lắp ETC không thu phí vào dịp lễ Tết, lãnh đạo VEC cho biết việc này chưa có quy định pháp lý. Vốn đầu tư các dự án cao tốc mà VEC quản lý, khai thác là của Nhà nước nên VEC vẫn phải thu phí nộp vào ngân sách. Việc này cần có quy định pháp lý rõ ràng để thực hiện chứ VEC không thể tự quyết định như nhà đầu tư tư nhân tại các dự án BOT.
Làm chậm, đừng bắt dân chịu!
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ GTVT cho biết thời gian qua đã tập trung đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, nhà cung cấp dịch vụ ETC và các nhà đầu tư khẩn trương lắp đặt các làn thu phí còn lại, bảo đảm tại mỗi trạm thu phí duy trì một làn thu phí hỗn hợp.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho hay do nhiều nguyên nhân khách quan, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới việc mua, nhập thiết bị dẫn đến tiến độ triển khai chưa đáp ứng yêu cầu.
Hiện còn 24 trạm với 106 làn thu phí cần lắp đặt ETC (chưa kể 140 làn do VEC quản lý). Trong đó, 13 trạm (48 làn) thuộc các trạm do Bộ GTVT quản lý, 11 trạm (58 làn) do địa phương quản lý.
Bộ GTVT cho biết đang quyết liệt chỉ đạo, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ mua sắm, lắp đặt thiết bị, để hoàn thành trong quý 2-2022. Tính đến nay, khoảng 2,7 triệu xe đã dán thẻ sử dụng ETC, chiếm khoảng 60% tổng số xe trên cả nước. Dự kiến trong năm nay, số lượng xe dán thẻ đạt từ 80-90%.
Ông Bùi Văn Quản cho rằng hoàn thành việc lắp đặt ETC là việc có lợi và cần phải làm nhanh. Đây không chỉ là chuyện giảm ùn tắc mà còn là vấn đề minh bạch trong công tác thu phí. Do vậy, phải xử lý thật nghiêm đối với các trạm thu phí chậm hoặc chây ì lắp đặt ETC.
"Nếu cứ lùi mãi sẽ thành một tiền lệ và thiệt hại về kẹt xe vẫn sẽ còn tiếp diễn. Nếu các đơn vị không chấp hành, đề nghị tạm dừng thu phí cho đến khi làm đúng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước", ông Quản nói.
Đi Vũng Tàu ngán nhất trạm thu phí
Ông Đinh Hồng Hà, tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), chủ đầu tư dự án BOT mở rộng quốc lộ 51, cho biết trong 4 tháng đầu năm 2022, các trạm thu phí trên quốc lộ 51 đã có hơn 170 lần xả trạm, mỗi lần xả trạm đều có biên bản.
Không chỉ những dịp nghỉ lễ dài ngày hay Tết mà cả những ngày cuối tuần, các trạm thu phí trên quốc lộ 51 phải xả trạm, có ngày mở barie đến 4 - 5 lần.
Theo thiết kế, quốc lộ 51 "cõng" 15.000 lượt xe/ngày đêm. Nhưng những năm qua, lượng xe trên đường này đã vượt gấp 2, 3 lần.
Theo BVEC, năm 2020, lưu lượng xe qua 3 trạm thu phí trên quốc lộ 51 từ Đồng Nai về Bà Rịa - Vũng Tàu đều trên 23.000 lượt. Có ngày số xe qua trạm lên đến gần 50.000 lượt. Vì thế, người dân đi biển rất ngán các trạm thu phí trên quốc lộ 51.
Tạm xả trạm cho dân vui lễ trọn vẹn
Năm 2019, một số nhà đầu tư dự án BOT giao thông đã đề xuất Bộ GTVT cho xả trạm không thu phí vào các ngày từ mùng 1 đến mùng 3 Tết. Tuy nhiên, Bộ GTVT không quyết định được vì đây là chính sách lớn liên quan đến nhiều cơ chế, bộ ngành và ngân hàng cho dự án BOT vay vốn.
Trong khi đó quy định trạm thu phí thu 24/24 giờ, chỉ dừng thu trong một số trường hợp bất khả kháng, vi phạm quy định về thu phí. Việc các chủ trạm thu phí đề xuất cho dừng thu phí rồi tính toán bù doanh thu, kéo dài thời gian thu phí chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Các chuyên gia kinh tế và một số chủ trạm thu phí cũng cho rằng nếu xả trạm ngày lễ Tết rồi tính bù doanh thu sẽ rất phức tạp khi mỗi dự án có sự khác nhau về phương án tài chính, doanh thu, tăng trưởng phương tiện. Nên chăng việc xả trạm và không tính doanh thu là quyền của nhà đầu tư, ngân hàng cho vay vốn dự án BOT chia sẻ với người dân trong dịp Tết.
Vì vậy trong dịp Tết Nguyên đán 2019, một số trạm thu phí BOT đã xả trạm các ngày từ mùng 1 đến mùng 3 Tết và chấp nhận không được bù doanh thu để lì xì người dân. Tuy nhiên những ngày xả trạm là thời điểm lưu lượng xe qua lại trên các tuyến quốc lộ không nhiều.
Tăng cường phân luồng, hướng dẫn giao thông dịp lễ
Ngoài chỉ đạo việc xả trạm khi có kẹt xe, công điện của Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương có phương án điều tiết, phân luồng hợp lý, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, chú trọng các tuyến khu vực có nguy cơ cao dẫn tới tai nạn, ùn tắc giao thông trong dịp lễ 30-4 và 1-5.
Nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và TP.HCM, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến xe, bến tàu, nhà ga, các điểm đang thi công.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đã lên các phương án chuẩn bị cho tình hình đi lại của người dân trong dịp lễ. Theo đó, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã ban hành kế hoạch tổ chức tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên đường bộ và đường thủy nội địa trong dịp lễ cao điểm 30-4 và 1-5. Thời gian thực hiện kế hoạch từ 25-4 đến hết ngày 7-5-2022.
Thanh tra sở sẽ bố trí lực lượng 24/24 giờ để kiểm tra phương tiện dừng đỗ gây ùn tắc tại các tuyến đường cửa ngõ. Đồng thời, hỗ trợ các lực lượng chức năng điều tiết tại khu vực cao điểm như bến xe, bến phà, sân bay Tân Sơn Nhất, xa lộ Hà Nội, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, các trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc, xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ...
Cùng với đó, Thanh tra Sở Giao thông vận tải sẽ tăng cường phối hợp với đơn vị chức năng cùng các địa phương kiểm tra các xe đón trả khách không đúng quy định trên địa bàn TP. Chú trọng đến các hành vi đón trả khách trái phép ở cây xăng, bãi đất trống, các tuyến đường cửa ngõ, khu vực quanh bến xe, sân bay Tân Sơn Nhất...
Cụ thể như các tuyến đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân); Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, quốc lộ 13 và đặc biệt là lưu ý đối với hai bãi xe 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh); Nguyễn Thái Bình, Phó Đức Chính, Calmette, Võ Văn Kiệt (quận 1); Lê Hồng Phong, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Chí Thanh, 3 Tháng 2 (quận 5, 10); các tuyến đường khu du lịch Suối Tiên, quốc lộ 1, quốc lộ 13, đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức)...
Đ.PHÚ - T.PHÙNG
Gia đình tôi từng có một kỷ niệm rất không muốn nhớ sau một lần bị kẹt xe hơn một giờ từ một sự cố gây ùn ứ ở trạm thu phí. Đi xa, mệt nhất là kẹt xe và giận nhất là kẹt ở trạm thu phí.