WSJ: Lời thề của Tổng thống Nga Putin trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 18:15:54

"Tôi tự tin rằng nhất định chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu mà mình đã đề ra" - Tổng thống Nga Putin nói.

Nhân kỷ niệm 61 năm ngày Moscow đưa con người đầu tiên vào quỹ đạo (ngày 12/4/1961-12/4/2022, do phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin thực hiện), Tổng thống Nga Putin cam kết lặp lại thành công của Liên Xô đã đạt được 'trong sự cô lập hoàn toàn về công nghệ' thời hiện đại.


Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ nối lại chương trình thám hiểm Mặt Trăng, mở đường cho một cuộc chạy đua không gian mới khi hợp tác không gian quốc tế đang trở nên rạn nứt sau những căng thẳng liên quan đến Nga-Ukraine, tờ Wall Street Journal (Mỹ) thông tin.

CÁC LỆNH TRỪNG PHẠT KHÔNG GÂY ẢNH HƯỞNG TỚI NGÀNH VŨ TRỤ NGA

ông Putin thề rằng Nga sẽ trở lại Mặt Trăng, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Moscow sẽ tiếp tục chương trình Mặt Trăng của mình thông qua việc phóng tàu thăm dò Mặt Trăng Luna-25 từ sân bay vũ trụ Vostochny vào cuối năm 2022

Người đứng đầu nước Nga tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt mà các nước khác áp đặt lên Nga vì những căng thẳng liên quan đến Ukraine sẽ không ngăn cản sự tiến bộ của chương trình không gian của nước này.

Không chỉ chỉ ra sứ mệnh phóng tàu Luna-25 vào cuối năm nay, ông Putin còn đề cập đến việc Nga đang phát triển của một tàu vũ trụ có phi hành đoàn mới và các công nghệ hạt nhân không gian làm ví dụ điển hình cho các hoạt động vũ trụ trong tương lai.


Ngày 12/4/2022, Tổng thống Putin đã tới thăm sân bay vũ trụ Vostochny mới cùng với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Theo hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga, ông Putin đã mời Belarus hợp tác xây dựng sân bay vũ trụ Vostochny, công trình vẫn đang được xây dựng và ở gần thành phố Tsiolkovsky. Vostochny có nghĩa là Đông, ám chỉ vị trí của nó ở vùng Viễn Đông của Nga.

Nga sẽ phóng tàu thăm dò Mặt Trăng và tăng cường liên kết không gian với Belarus. Nguồn: Thomson Reuters

Phát biểu tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở Viễn Đông của Nga, Tổng thống Putin nhấn mạnh: Nga sẽ phóng một tàu thăm dò Mặt Trăng vào cuối năm 2022 và tăng cường hợp tác với Belarus về cơ sở hạ tầng và công nghệ không gian.


Ông Putin cho biết, Nga sẽ làm việc với Belarus về cơ sở hạ tầng đảm bảo các quốc gia tiếp cận độc lập vào không gian, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã yêu cầu Cơ quan vũ trụ Liên bang  Nga, Roscosmos, đào tạo một người Belarus bay trên tàu vũ trụ của Nga.

Trong buổi lễ, Tổng thống Nga cũng nhắc lại những thành công rực rỡ của Liên Xô trong không gian và nói rằng không có lệnh trừng phạt nào đối với Nga có thể ngăn cản tiến trình của họ.

ĐỘC LẬP PHÁT TRIỂN...

Vostochny đã được phát triển trong hơn một thập kỷ. Quyết định xây dựng một bãi phóng mới phần lớn là do Kazakhstan giành được độc lập sau khi Liên Xô tan rã. Một trong hai bãi phóng lớn của Nga, Baikonur, là ở Kazakhstan. Nga hiện đang cho thuê nó, nhưng mục tiêu là để Vostochny, trên lãnh thổ Nga, cuối cùng sẽ thay thế Baikonur. Địa điểm phóng lớn khác của Nga là Plesetsk gần Vòng Bắc Cực.

Ngoại trừ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), Mỹ, châu Âu, các quốc gia khác và các công ty phương Tây đã ngừng hợp tác không gian với Nga.

Đáng chú ý nhất, cách đây 1 tháng, vào ngày 17/3/2022, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) tuyên bố sẽ không tham gia vào sứ mệnh ExoMars cùng Nga để gửi một tàu thám hiểm lên sao Hỏa, dự kiến ​​phóng vào cuối năm 2022. Trong sứ mệnh ExoMars, Nga chế tạo tàu đổ bộ, còn ESA chế tạo tàu thăm dò.

Tổng thống Nga Putin gặp ông D. Rogozin: Dưới các lệnh trừng phạt, Nga sẽ không ngồi yên!

Không dừng ở đó, mới đây nhất, vào ngày 13/4, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) tiếp tục thông báo quyết định ngừng hợp tác với Nga trong loạt các sứ mệnh đổ bộ lên Mặt Trăng bằng tàu đổ bộ Luna 25, 26 và 27 của Nga trong tương lai.


TASS cho biết, đứng trước động thái đó của ESA, Tổng thống Putin nói: "Nga sẽ tiếp tục chương trình Mặt Trăng. Tôi đang nói về việc phóng tàu thăm dò robot tự động Luna-25 từ sân bay vũ trụ Vostochny". Ông Putin không đề cập đến vai trò của ESA.

ESA đã chế tạo hệ thống camera điều hướng hạ cánh Pilot-D cho tàu Luna-25 của Nga. Sau khi tuyên bố cắt đứt quan hệ hợp tác với Nga trong các chương trình thám hiểm Mặt Trăng, Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher cho biết cơ quan này sẽ tháo dỡ Pilot D và đưa ra khỏi sứ mệnh Luna 25.


"Tôi đã thông báo quyết định này với người đứng đầu Roscosmos và yêu cầu Pilot D được đưa vào kho an toàn cho đến khi nó có thể được trả lại cho ESA" - Tổng giám đốc của ESA, Josef Aschbacher, cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 13/4.


Về phần mình, ông Putin cũng cho biết Nga sẽ tiếp tục nghiên cứu việc tạo ra các tàu vũ trụ vận tải thế hệ tiếp theo, Oryol (Eagle) và các công nghệ hạt nhân không gian. TASS dẫn lời ông nói hôm 12/4 rằng Nga có "lợi thế hoàn toàn rõ ràng" trong lĩnh vực đó.

Nga sẽ tiếp tục nghiên cứu việc tạo ra các tàu vũ trụ vận tải thế hệ tiếp theo, Oryol (Eagle).

Oryol được dự định sẽ thay thế tàu Soyuz, không chỉ để đưa các phi hành gia lên quỹ đạo Trái Đất, mà còn là Mặt Trăng. Trước đây, các quan chức Nga từng cho biết tàu vũ trụ Oryol sẽ thực hiện một chuyến bay không người lái quanh Mặt Trăng vào năm 2028 và một chuyến bay có phi hành đoàn vào năm 2029.


Tính cho đến nay, Nga chưa bao giờ cử người vượt ra ngoài Quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất (LEO), mặc dù họ đã thực hiện 5 sứ mệnh Zond bằng tàu vũ trụ Soyuz (đã được sửa đổi) quanh Mặt Trăng từ năm 1968-1970. Không có con người trên tàu vũ trụ khi đó, nhưng có rùa và các mẫu vật sinh học khác. Nga đã có kế hoạch phát triển một chiếc kế nhiệm cho Soyuz từ lâu, nhưng thay vào đó họ đã liên tục nâng cấp nó kể từ chuyến bay đầu tiên vào năm 1967. Phiên bản hiện tại, tàu Soyuz MS, được đưa vào sử dụng vào năm 2016.

Không rõ ông Putin đề cập đến điều gì về công nghệ hạt nhân trong không gian, nhưng Liên Xô từng phóng vệ tinh quân sự do thám biển chạy bằng lò phản ứng hạt nhân. Một chiếc vô tình quay lại Canada vào năm 1978, Kosmos 954, rải các mảnh vỡ hạt nhân trên một vùng đất rộng 483 km. Không có ai bị thương, nhưng Liên Xô đã ngừng tiếp tục loạt phóng sau khi gặp sự cố vào năm 1983 (Kosmos 1402) và 1988 (Kosmos 1900).

"Khát vọng tiến lên của cha ông chúng ta là mệnh lệnh cho chúng ta. Nga sẽ thực hiện tất cả các kế hoạch đã vạch ra một cách nhất quán và bền bỉ, bất chấp mọi khó khăn và một số nỗ lực từ bên ngoài cản trở chúng ta trong hành trình này".

Để làm được điều đó, chính phủ Nga sẽ phải tăng đáng kể số tiền mà họ phân bổ vào không gian. Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) của Nga vốn thiếu kinh phí trong nhiều năm và chỉ dựa vào nguồn tiền từ việc chính phủ Mỹ, ESA, Liên minh Châu Âu, và các công ty khác đã mua động cơ tên lửa hoặc dịch vụ phóng thương mại trên tên lửa của Nga.

Tất cả những điều đó có thể sẽ kết thúc bây giờ.

ĐỐI TÁC "QUAY LƯNG'

Việc chính phủ Mỹ và Nga chấm dứt hợp đồng phóng phi hành gia NASA lên trạm ISS trên tàu vũ trụ Soyuz không liên quan đến căng thẳng tại Ukraine, nhưng đã mang về 90 triệu USD/ghế cho Roscosmos.

Công ty dịch vụ phóng tên lửa United Launch Alliance (ULA) của Mỹ đã bị Quốc hội yêu cầu ngừng sử dụng động cơ RD-180 của Nga, thay vào đó sử dụng tên lửa Atlas V của Mỹ sau những vấn đề xoay quanh Crimea năm 2014. Hiện, công ty công nghệ quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia của Mỹ Northrop Grumman đang sử dụng động cơ RD-181 của Nga cho tên lửa Antares, được sử dụng cho các vụ phóng phi quân sự của tàu vũ trụ chở hàng lên trạm ISS.

Động cơ tên lửa GEM 63 của Northrop Grumman hỗ trợ việc phóng Atlas V của United Launch Alliance vào ngày 13 tháng 11 năm 2020. Ảnh: Northrop Grumman

Tổng giám đốc Roscosmos - ông Dmitry Rogozin ngày 3/3/2022 cho biết Nga sẽ không bán thêm bất kỳ động cơ tên lửa nào cho các công ty Mỹ hoặc cung cấp dịch vụ hỗ trợ vì lệnh trừng phạt của Mỹ.

ULA cho biết họ đã có tất cả những chiếc RD-180 mà họ cần, được cất giữ tại cơ sở Decatur (thành phố thuộc bang Alabama, Mỹ) và mặc dù họ đã có thỏa thuận với Nga về hỗ trợ kỹ thuật và phụ tùng, nhưng họ có thể xoay sở mà không có chúng. Trong khi đó, Northrop Grumman có đủ RD-181 cho hai lần phóng Antares nữa và đang đánh giá các lựa chọn sau đó.

ESA và EU sử dụng tên lửa Soyuz của Nga để phóng nhiều loại vệ tinh thông qua liên doanh Russian-Arianespace Starsem. Hiện họ đang tìm kiếm các giải pháp thay thế. OneWeb, một công ty vệ tinh truyền thông thuộc sở hữu đa số của chính phủ Anh và Bharti Global của Ấn Độ, đã đình chỉ tất cả các hoạt động phóng với Nga.

Với việc các đối tác 'quay lưng', việc Roscosmos mất doanh thu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của họ trừ khi Tổng thống Putin tạo ra sự khác biệt.

"Mỗi chúng ta đều đang trải qua những cảm giác phi thường ngày hôm nay: Đó là niềm tự hào thực sự cho các thế hệ đã đạt được bước đột phá công nghệ không gian này và đồng thời là niềm tin vào tương lai, vào sức mạnh của chúng ta và vào sự phát triển tiến bộ của chúng ta. Tôi tự tin rằng nhất định chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu mà mình đã đề ra"

Sau chuyến thăm sân bay vũ trụ Vostochny của Tổng thống Putin, cùng ngày, Tổng giám đốc Roscosmos - ông Dmitry Rogozin - đã có những báo cáo sơ bộ về các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với ngành công nghiệp không gian của Nga, cũng như tình hình của Roscosmos.

Cuối buổi nói chuyện, ông Dmitry Rogozin nói: Thưa Tổng thống, không có lý do gì để lo lắng về ngành công nghiệp tên lửa và vũ trụ của Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc như trước đây và chúng tôi sẽ đảm bảo tất cả các vụ phóng sẽ được thực hiện trong năm nay. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chế tạo tàu vũ trụ vào năm tới. Mới tuần trước, chúng tôi đã hoàn thành công việc mà chúng tôi đã cam kết liên quan đến tàu vũ trụ cho Bộ Quốc phòng Nga.

Wall Street Journal, Euronews, Spacepolicyonline

Đòn rắn của ESA với Nga: Chỉ trong 1 tháng cắt đứt 2 chương trình 'sống còn'

Chia sẻ Facebook