World Cup 2022 - Sự kiện bóng đá trung hòa carbon lớn nhất hành tinh
World Cup 2022 tại Qatar sắp tới sẽ là lần đầu tiên sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh hướng tới nỗ lực trung hòa carbon nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trên vùng đất nhỏ hơn bang Connecticut với dân số khoảng 3 triệu người, Qatar có rất ít điều kiện cần để hiện thực hóa giấc mơ World Cup không phát thải. Tuy nhiên, nước này đã lên kế hoạch xây dựng 7 sân vận động đón 1 triệu du khách nước ngoài, đồng thời đảm bảo rằng chúng sẽ không đóng góp bất kỳ lượng CO2 nào cho bầu khí quyển.
Khi bộ 3 các nhà tổ chức giải đấu, bao gồm FIFA, World Cup Qatar 2022 LLC (Q22) và Ủy ban Tối cao về Giao nhận & Di sản (SC), tuyên bố tham vọng này, không ít nghi ngờ đã được đặt ra. Dựa trên tính toán của công ty kiểm soát carbon, tổng lượng khí thải do World Cup 2022 rơi vào khoảng 3,6 triệu tấn. Tuy nhiên, phía các nhà nghiên cứu độc lập tại Carbon Market Watch và công ty khởi nghiệp carbon Greenly có trụ sở tại Paris lại cho rằng con số thực tế phải cao hơn nhiều. Đánh giá riêng của Greenly cho thấy tổng lượng CO2 phát thải trong sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh này là 6 triệu tấn, gần tương đương lượng khí thải phát ra từ 750.000 ngôi nhà Mỹ trong 1 năm.
Theo Carbon Market Watch, Qatar đã đánh giá thấp lượng khí thải liên quan đến việc xây dựng sân vận động. Để đáp ứng 64 trận đấu World Cup, nước này đã xây dựng 7 sân vận động mới. Một trong số đó, đặt tên khéo léo là Stadium 974, được làm từ 974 container vận chuyển rỗng có thể tháo dỡ khi mùa giải kết thúc. Sáu chiếc còn lại sẽ giữ nguyên. Tính toán lượng khí thải của 7 sân vận động này, ban tổ chức Qatar kỳ vọng chúng có thể sử dụng trong nhiều thập kỷ và do vậy sau khi bù trừ, quá trình xây dựng sẽ chỉ phát thải một lượng rất nhỏ carbon.
“Rất ít khả năng Qatar sẽ xây dựng những sân vận động này nếu không có World Cup. Và cũng rất ít khả năng chúng sẽ được sử dụng hiệu quả trong 60 năm tới”, theo Gilles Dufrasne, đại diện Carbon Market Watch. Trong khi đó, theo một kịch bản dự báo, trong vòng 60 năm nữa, nhiệt độ tại Qatar có thể sẽ nóng hơn 4 độ C, với 62 ngày nhiệt độ trên 45 độ C.
Theo Carbon Market Watch, nếu tính toán hợp lý, lượng khí thải từ các sân vận động sẽ tăng thêm khoảng 1,4 triệu tấn, tương đương gần 40%. Con số này gần bằng lượng khí thải 1 nhà máy nhiệt điện than tạo ra trong 16 tháng.
Trong một tuyên bố chính thức, đại diện phát ngôn SC cho biết họ vẫn đang trong quá trình thực hiện hóa mục tiêu tổ chức “World Cup không CO2”. Mọi phương pháp tính toán đều đảm bảo “tốt nhất trong thực tế” và được đưa ra dựa trên dữ liệu thực, sau khi FIFA World Cup đã kết thúc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù tính toán bù trừ thế nào đi chăng nữa, ý tưởng tổ chức một kỳ World Cup không phát thải là rất khó thực hiện. Nó cho thấy quá trình tính toán CO2 là không thực tế, trong khi hiểu biết về cách thức hoạt động của biến đổi khí hậu cũng chưa thực sự đầy đủ.
Chính vì thế, BSR, một công ty tư vấn bền vững cho doanh nghiệp, khuyến khích các công ty không nên quá tự tin với việc tổ chức một sự kiện trung hòa khí carbon phát thải.
“Chúng tôi không khuyến nghị họ làm như vậy, bởi những điều này thực sự rất khó chứng minh”, David Wei, giám đốc điều hành BSR cho biết.
“Không ai có thể trung hòa carbon cho đến khi toàn thế giới trung hòa”, nhà đồng sáng lập Greenly Alexis Normand cho biết.
Đáp lại, trong một tuyên bố chính thức, đại diện phát ngôn FIFA cho biết họ bác bỏ ý kiến cho rằng các tuyên bố về tính trung hòa carbon là phản tác dụng, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu đã đề ra tạo động lực to lớn để ban tổ chức hướng đến môi trường.
“FIFA nhận thức rất rõ về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu, sự phức tạp trong việc quản lý truyền thông và hành động. FIFA không có ý định phân tâm khỏi mục tiêu trung hạn là đạt mức phát thải ròng bằng không”, báo cáo cho biết.
Trong một bài báo xuất bản trên tạp chí Tourism Management, các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ và New York đã phác thảo sự phát triển mạnh mẽ của các sự kiện thể thao lớn trong hơn 130 năm, đồng thời cho rằng quy mô của chúng là không bền vững. World Cup (và Thế vận hội) theo đó sẽ cần thích nghi và bắt đầu điều chỉnh “kích thước” của mình.
“Về cơ bản, nó phải nhỏ lại”, Sven Daniel Wolfe, nhà nghiên cứu tại Viện Địa lý và Bền vững, Đại học Lausanne nhận định.
Tuy nhiên, có rất nhiều lý do để tiếp tục tổ chức các kỳ World Cup. Ngoài là biểu tượng của thể thao, bản thân nó cũng mang lại niềm vui cho hàng tỷ người, từ khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều mối quan hệ cũng đi ra từ World Cup, từ bạn bè, tình yêu đến ngoại giao.
Câu hỏi đặt ra lúc này, là làm thế nào để tổ chức World Cup - màn trình diễn thể thao hoành tráng kiêm niềm tự hào dân tộc - mà không làm Trái đất nóng lên? Một giải đấu đáp ứng các yêu cầu về khí hậu sẽ như thế nào? Liệu mục tiêu có khả thi hay không?
Theo Bloomberg, điều đơn giản mà FIFA có thể làm để giảm đáng kể tác động lên môi trường là dừng việc xây dựng các sân vận động mới. Đối với World Cup 2026, do Canada, Mexico và Mỹ cùng đăng cai, 48 đội bóng sẽ thi đấu trên 16 sân vận động vốn có. Việc xây dựng mô hình vĩnh viễn như thế này sẽ loại bỏ được nguồn phát thải carbon.
“Ý tưởng về việc xây dựng các cơ sở hạ tầng mới thật điên rồ. Chúng ta có quá đủ các sân vận động đẳng cấp thế giới, nơi có thể được chọn là nước chủ nhà”, Wolfe nói.
Người phát ngôn của FIFA cho biết mặc dù họ đã cố gắng sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có nhiều nhất có thể, song kế hoạch sẽ thay đổi tùy theo hoàn cảnh của Qatar. Bất kỳ sân vận động mới nào cũng sẽ đáp ứng mọi yêu cầu “rõ ràng và nghiêm ngặt” để đảm bảo tính bền vững.
“Nhiều quốc gia có nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng thể thao mới và giống như Qatar, những địa điểm như vậy chính là tầm nhìn và kế hoạch phát triển của đất nước”, đại diện FIFA nói.
Theo đề xuất của Wolfe, các nước có thể phân chia nhiệm vụ để san sẻ lượng CO2 phát thải, chẳng hạn như một quốc gia cung cấp cơ sở hạ tầng, trong khi một quốc gia khác đóng vai trò là “chủ nhà văn hóa”. Các trận đấu có thể được diễn ra tại các sân vận động trên khắp nước Đức, trong khi Angola, với tư cách là chủ nhà chính, chịu trách nhiệm về hậu cần.
“Sẽ phải có một số hình thức chia sẻ lợi nhuận theo định hướng công bằng khí hậu”, Wolfe nói.
Bên cạnh đó, FIFA cũng có thể mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia đăng cai bằng cách hạ thấp các tiêu chuẩn. Hiện các hướng dẫn về sân vận động của tổ chức này dài tới gần 300 trang. Trang thiết bị phục vụ các trận đấu phải bao gồm ít nhất 40.000 chỗ ngồi, phòng thay đồ tối thiểu 80 mét vuông, không gian cho khu liên hợp phát sóng rộng 2.000 mét vuông, phòng chờ VIP cho 500 người và phòng chờ “VVIP” cho ít nhất 100 người. Mục đích của những tiêu chuẩn này là tối đa hóa doanh thu, làm sao để xứng đáng với số tiền hàng tỷ USD các nhà đài đã bỏ ra để phát sóng.
Theo các chuyên gia, cơ sở hạ tầng các sân vận động không phải nguồn phát thải duy nhất. CO2 cũng có thể tạo ra từ các chuyến bay quốc tế, song rất khó để cắt giảm. Tuy nhiên, diện tích nhỏ bé của Qatar lại giúp giảm thiểu tối đa nhu cầu đi lại trong nước trong suốt khoảng thời gian diễn ra World Cup. Theo SC, các chuyến tàu vận chuyển nhanh của Doha và một đội gồm 800 xe buýt điện mới sẽ là phương tiện chính giúp người hâm mộ di chuyển giữa các địa điểm.
Trong nỗ lực cắt giảm khí thải, Qatar và các nước đăng cai World Cup sau này có thể áp dụng phương pháp thu nhận không khí trực tiếp - công nghệ mới giúp bơm khí nhà kính xuống lòng đất. Tương tự như vậy, việc áp dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) cũng có thể giảm thiểu tác động của các phương tiện di chuyển. Điều này sẽ cho thấy World Cup rất nghiêm túc với mục tiêu trung hòa khí thải.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh