World Cup 2022: Làm sao để việc xem bóng đá thực sự kết nối đam mê?

Chia sẻ Facebook
26/11/2022 12:04:17

Bên cạnh niềm vui của sự kết nối, Tiêu điểm Chuyển động 24h sẽ nói về đồ uống có cồn và vấn nạn những trò đỏ đen gắn với những trận bóng đá.


Với những người yêu trái bóng tròn, bóng đá không chỉ là thể thao, bóng đá còn là hơi thở của cuộc sống, là chất kết nối những người cùng đam mê. Việc xem bóng đá cũng là một chất kết nối đặc biệt như vậy. Thời điểm này, khi World Cup 2022 đang nóng lên theo từng trận đấu, hãy cùng xem, chất kết nối ấy đang hoạt động như thế nào?


MỐI LIÊN HỆ GIỮA "THỂ THAO VÀ ĐỒ UỐNG CÓ CỒN"

Cũng giống như nhiều môn thể thao khác, bóng đá sinh ra là để kết nối con người. Với những trận đấu ngày càng hấp dẫn của World Cup 2022, đây là thời điểm mà hơn bao giờ hết, chúng ta thấy sự kết nối đó mạnh mẽ như thế nào. Nhưng nếu muốn bóng đá thực sự là "chất kết nối", sẽ cần có không gian phù hợp cho sự kết nối ấy.


Có 2 từ khóa được nhắc lại khá nhiều lần khi nói về nơi xem bóng đá thích thú nhất, đó là: " Nhậu " và ngồi cùng " Anh em bạn bè ". Tất nhiên không thể "vơ đũa cả nắm" nhưng có lẽ đây cũng là tiêu chí mà nhiều người trong chúng ta nghĩ tới khi muốn thưởng thức những trận bóng. Nó cũng phần nào cho thấy mối quan hệ đặc biệt giữa "thể thao và đồ uống có cồn".

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, đồ uống có cồn giúp làm dịu thần kinh, giúp con người cảm thấy hưng phấn, thậm chí là dám làm những điều mà bình thường họ không dám. Đó cũng là lý do hơi men có thể khiến con người xích lại gần nhau hơn, đặc biệt là những người có chung sở thích.

Tất nhiên, còn có cả mặt tiêu cực nữa khi hơi men cũng là nguồn cơn của nhiều hành vi mất kiểm soát, kéo theo những hậu quả khôn lường. Hạn chế những hậu quả đó là nhiệm vụ đặt ra với mọi BTC của bất kỳ giải đấu thể thao nào.


Cụ thể tại Qatar lúc này, đồ uống có cồn ban đầu bị cấm bán tại 8 sân vận động diễn ra các trận đấu. Sau đó, quy định này có được nới lỏng là: Người hâm mộ có thể mua bia trong khu vực sân vân động nhưng phải là trước giờ thi đấu 3 tiếng và 1 tiếng sau khi trận đấu kết thúc. Việc mang bia lên khu vực khán đài vẫn là không được cho phép.

Nước chủ nhà World Cup 2022 ban đầu cấm bán bia, rượu tại 8 sân vận động (Ảnh: The Guardian)

Với ngày thường, việc uống bia hay tự do kinh doanh thức uống có cồn là không được nhà nước cho phép tại Qatar. Một người Qatar muốn cầm trên tay một ly bia sẽ phải trải qua một hành trình khiến ai cũng có thể e ngại.

"Để mua được bia cần có giấy phép, công ty đang làm phải bảo lãnh đảm bảo nhân viên không quậy phá lúc say xỉn, mức lương hàng tháng là bao nhiêu thì chỉ được mua tối đa 10% mức lương."


Xem bóng đá kết nối đam mê


Tại Việt Nam, trong bầu không khí kết nối của những trận đấu hấp dẫn tại World Cup 2022 , trong trường hợp người uống chưa chủ động có điểm dừng được, nhà hàng, quán nhậu có thể tham khảo cách làm sau đây để việc "xem bóng đá" thực sự trở thành môi trường an toàn cho "kết nối đam mê". Đó là tổ xe ôm miễn phí đưa khách say về nhà được nhiều người ủng hộ. Mô hình này đang được áp dụng tại nhiều nhà hàng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Có ý kiến trái chiều cho rằng: dịch vụ này chẳng khác nào khuyến khích người đi nhậu là cứ say hết mình đi. Tất nhiên, lo ngại này có lý nhưng ít nhất những dịch vụ như thế này cũng góp phần giúp chúng ta thực hiện đúng tinh thần: "Đã uống rượu bia thì không lái xe".


VẤN NẠN CÁ ĐỘ BÓNG ĐÁ MÙA WORLD CUP

Tạm gác lại câu chuyện đồ uống có cồn trong không gian kết nối của những trận đấu bóng. Còn một điều nữa liên quan tới bóng đá cũng được nhắc tới nhiều trong tuần qua, nó âm thầm hơn nhưng hậu quả kéo theo thì cũng không kém phần nặng nề. Đó là vấn nạn - cá độ bóng đá.


Mỗi mùa World Cup 2022, đây lại là câu chuyện nhức nhối, dễ thấy nhất là những vụ triệt phá đường dây cá độ được lực lượng chức năng thực hiện thời gian gần đây.


Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công An vừa triệt phá thành công đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng có quy mô trên 1.000 tỉ đồng. Toàn bộ 6 đối tượng chính trong đường dây đã bị bắt giữ. Bước đầu xác định: Từ tài khoản tổng của nhà cái "Bóng 88", các đối tượng đã tạo các tài khoản cấp đại lý, rồi cấp thành viên để tổ chức cá độ bóng đá trên các website của nhà cái "Bóng 88". Số tiền cá độ ước tính lên tới 1.000 tỉ đồng. Hiện vụ việc đang được tiếp tục mở rộng điều tra.

Đã là cá độ thì luôn có người thắng kẻ thua, thắng thì muốn được đà tiến tới, thua thì phải gỡ gạc lại những gì đã mất, đó là quy luật tâm lý chung của những trò đỏ đen. Và thường, nếu không bị phát hiện thì vòng xoáy đỏ đen này sẽ chỉ dừng lại khi trong túi người chơi đã hết tiền.

Một tít báo được nhiều người chia sẻ những ngày qua, nó nói về việc "người thua cá độ bóng đá không cần phải thực hiện việc trả tiền cho bên thắng độ". Tuy nhiên, một cách cụ thể và đầy đủ thì cần phải hiểu thông tin này theo hướng là: Bản thân hành vi đặt cược đã là vi phạm pháp luật rồi, vậy nên việc có trả tiền độ hay không đều không được pháp luật công nhận mà còn kéo theo những chế tài xử phạt vì hành vi vi phạm.


Tóm lại, có 2 việc cần làm: Khi thấy đâu đó có dấu hiệu cá độ bóng đá, đây là đường dây nóng quý vị có thể gọi ngay. Và thứ 2, người ta vẫn thường nói: trong những trò đỏ đen, "người không chơi là người chiến thắng". Muốn không chơi thì tốt nhất là nên tránh từ đầu, mà muốn tránh thì cũng phải biết chỗ nó hay xuất hiện để tránh.

Trung tá Phạm Trường Sơn - Phó Trưởng phòng Phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn xã hội, Cục cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: "Các đối tượng thường lồng ghép thông tin về những kèo đấu trong những web lậu về phim, thể thao để giới thiệu các kèo cá độ... Các đối tượng luôn có thể tác động kỹ thuật để phần thiệt hại thuộc về người chơi".


Vậy là đã rõ, một trong nhưng nơi xuất hiện nhiều nhất những quảng cáo cá độ bóng đá lại là những kênh không bản quyền - hay còn gọi là xem lậu những trận bóng đá.

Chúng ta đều muốn con em mình lớn lên trở thành những người tử tế, trung thực. Thế nhưng chính chúng ta lại cùng con mình, xem World Cup trên một kênh lậu - không phép, đó quả là một thông điệp mâu thuẫn, khó tiếp nhận với bất kỳ đứa trẻ nào.

Chia sẻ Facebook