World Bank hạ dự báo tăng trưởng của TQ do COVID và khủng hoảng bất động sản
Ngân hàng Thế giới đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, do đại dịch COVID và những yếu kém trong lĩnh vực bất động sản.
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm thứ Ba (20/12) đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm vừa qua, do đại dịch COVID và những yếu kém trong lĩnh vực bất động sản đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cụ thể, Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ mức dự đoán 4,3% hồi tháng 6 xuống còn 2,7%. Tổ chức này cũng điều chỉnh mức dự báo cho năm tới từ 8,1% xuống 4,3%.
Cả hai con số này đều thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% của Bắc Kinh trong năm nay, con số mà nhiều nhà phân tích đều nhận định là không thể đạt được.
Ngân hàng Thế giới cho biết:
“Hoạt động kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục diễn biến theo những thăng trầm của đại dịch – sự bùng phát và suy giảm tăng trưởng kéo theo sự phục hồi không đồng đều”.
“Tăng trưởng GDP thực tế được dự đoán sẽ đạt 2,7% trong năm nay, trước khi phục hồi lên 4,3% vào năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại.”
Sau một vài năm liên tục phong tỏa đóng cửa, tiến hành xét nghiệm hàng loạt, cách ly kéo dài và hạn chế đi lại, đến tháng 12 vừa qua Trung Quốc đã dần từ bỏ chính sách zero-COVID.
Tuy nhiên, sự gián đoạn đối với các doanh nghiệp tiếp tục diễn ra khi các ca bệnh gia tăng và một số hạn chế vẫn được áp dụng.
Các cơ quan y tế phải thừa nhận rằng, số liệu chính thức không còn phản ánh bức tranh đầy đủ về các ca nhiễm bệnh trong nước khi các yêu cầu xét nghiệm hàng loạt đã bị loại bỏ.
“Việc tiếp tục điều chỉnh chính sách COVID-19 của Trung Quốc rất quan trọng, vừa để giảm thiểu rủi ro sức khỏe cộng đồng vừa để giảm thiểu sự gián đoạn kinh tế hơn nữa.”
Tuần trước, IMF đã cảnh báo, họ cũng có thể sẽ hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc một lần nữa, nguyên nhân chủ yếu là do số ca nhiễm COVID được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.
Quỹ này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong tháng 10 xuống còn 3,2% trong năm nay – mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ – trong khi kỳ vọng tăng trưởng sẽ lên đến 4,4% trong năm tới.
Nhưng “rất có thể, chúng tôi sẽ hạ dự báo tăng trưởng của mình đối với Trung Quốc, cho cả năm 2022 và 2023,” Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh với AFP.
Đáng quan ngại, kinh tế Trung Quốc còn phải chịu áp lực trên các lĩnh vực khác.
“Căng thẳng dai dẳng” trong lĩnh vực bất động sản – chiếm khoảng 1/4 GDP hàng năm – có thể gây ra những tác động tài chính và kinh tế vĩ mô rộng lớn hơn, Ngân hàng Thế giới lưu ý.
Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, rủi ro từ thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra và suy thoái toàn cầu trên diện rộng cũng đe dọa tăng trưởng của Trung Quốc.
Thêm vào đó là việc kinh tế thế giới đang bị tác động bởi lãi suất tăng cao nhằm chống lại lạm phát phi mã do cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra, cũng như sự đình trệ của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện tại, Bắc Kinh đã tìm cách cải thiện mức tăng trưởng thấp bằng một loạt biện pháp nới lỏng để hỗ trợ, cắt giảm lãi suất cơ bản và bơm tiền vào hệ thống ngân hàng.
“Việc hướng các nguồn tài chính vào chi tiêu xã hội và đầu tư xanh sẽ không chỉ hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn mà còn góp phần vào tăng trưởng toàn diện và bền vững hơn trong trung hạn.”
Minh Ngọc (Theo AFP)
Kinh tế Trung Quốc chững lại vì chính sách COVID Các con số tháng 10 cho thấy dấu hiệu nền kinh tế Trung Quốc suy thoái trên diện rộng