WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Chia sẻ Facebook
24/07/2022 13:59:27

Đã có hơn 16.000 ca được ghi nhận ở ngoài châu Phi và vi-rút đã xuất hiện ở 75 quốc gia, vùng lãnh thổ.


Lần thứ 2 trong vòng 2 năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Nguyên nhân lần này là bệnh đậu mùa khỉ, căn bệnh chỉ trong vài tuần đã lây lan tới hàng chục quốc gia và khiến hàng chục nghìn người bị nhiễm bệnh.


Vào thứ Bảy, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của WHO đã bất chấp hội đồng cố vấn - những người không thể đi đến quyết định thống nhất, và tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng mà quốc tế lo ngại". Tuyên bố này của WHO hiện mới được sử dụng để mô tả hai căn bệnh khác - Covid-19 và bại liệt.


Tiến sĩ Tedros nói với các phóng viên: “Đợt bùng phát này đã lan nhanh khắp thế giới thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta có quá ít hiểu biết. Và điều này đáp ứng các tiêu chí để trở thành tình trạng khẩn cấp ý tế toàn cầu”.


Việc hội đồng không thể đi đến sự thống nhất cũng nhấn mạnh sự cấp thiết phải có một quy trình tốt hơn trong việc quyết định sự kiện nào là trường hợp khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng. Đây rõ ràng là lần đầu tiên Tổng giám đốc bác bỏ lời khuyên của các cô vấn và tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tiến sĩ Tedros cho biết các nước thành viên đang xem xét cách để cải thiện quy trình này,


Tuyên bố của WHO báo hiệu về nguy cơ sức khỏe cộng đồng và cần có sự phối hợp mang tính quốc tế. Tuyên bố này có thể khiến các nước thành viên đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc kiểm soát bùng phát, thu hút kinh phí để ứng phó và khuyến khích các quốc gia chia sẻ vắc-xin, phương pháp điều trị và nguồn lực quan trọng khác nhằm ngăn chặn dịch bùng phát.


Đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng thứ bảy kể từ năm 2007. Tất nhiên, đại dịch Covid là tình trạng khẩn cấp xảy ra gần đây nhất. Một số chuyên gia y tế toàn cầu đã chỉ trích các tiêu chí của WHO trong việc tuyên bố các trường hợp khẩn cấp là không rõ ràng và nhất quán.


Trong một cuộc họp vào tháng 6, các cố vấn của WHO đã kết luận rằng mặc dù bệnh đậu mùa khỉ là một mối đe dọa ngày càng tăng, nhưng vẫn chưa phải là một trường hợp khẩn cấp. Hội đồng không thể đưa ra quyết định vào thứ Năm, theo chia sẻ của tiến sĩ Tedros.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO. Nguồn: The NY Times


Nhiều chuyên gia đã chỉ trích quá trình này là thiển cận và thận trọng quá mức.


Đã có hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở bên ngoài châu Phi, gần gấp 5 lần số ca khi các cố vấn gặp nhau vào tháng 6. Gần như tất cả các trường hợp lây nhiễm đều xảy ra ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.


Tuyên bố của WHO là “muộn còn hơn không”, Tiến sĩ Boghuma Titanji, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory ở Atlanta, cho biết.


Tiến sĩ James Lawler, đồng Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu của Đại học Nebraska, ước tính rằng có thể mất một năm hoặc hơn để kiểm soát sự bùng phát. Và khi đó, vi-rút này có khả năng đã lây nhiễm cho hàng trăm nghìn người và tồn tại vĩnh viễn ở một số quốc gia.


Tiến sĩ Lawler nói: “Thật không may vì chúng ta đã thực sự bỏ lỡ cơ hội để kiểm soát sự bùng phát dịch sớm. Giờ đây chúng ta sẽ phải vật lộn để kiềm chế và kiểm soát sự lây lan”.


Đợt bùng phát càng kéo dài, khả năng vi-rút di chuyển từ người bị nhiễm sang động vật càng lớn. Vi-rút có thể tồn tại lâu dài ở động vật và gây ra những căn bệnh mới ở người. Đây là một trong những cách mà một căn bệnh có thể trở thành dịch bệnh trong một khu vực.


Tính đến thứ Bảy, Hoa Kỳ đã ghi nhận gần 3.000 ca bệnh, bao gồm hai trẻ em. Nhưng con số thực tế được cho là nhiều hơn. Anh và Tây Ban Nha mỗi nước cũng có số ca tương tự, và những ca còn lại xuất hiện ở khoảng 70 quốc gia.


Nhiều người mắc bệnh không tìm được nguồn lây nhiễm, cho thấy sự lây lan trong cộng đồng là không thể xác định được.


Bệnh đậu mùa khỉ đã bùng phát định kỳ ở một số nước châu Phi trong nhiều thập kỷ. Trong nhiều năm, các chuyên gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng căn bệnh này là một mối đe dọa toàn cầu, nhưng cảnh báo của họ hầu như không được chú ý.


Vắc-xin và thuốc đã có sẵn phần lớn do lo ngại về việc sử dụng bệnh đậu mùa trong cuộc khủng bố sinh học, một họ hàng gần của vi-rút đậu mùa khỉ.


Tính đến thứ Sáu, thành phố New York đã ghi nhận 839 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, gần như tất cả đều xảy ra ở đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới, theo Bộ Y tế của thành phố. Vào cuối tháng 6, thành phố bắt đầu cung cấp vắc-xin đậu mùa khỉ, nhưng nguồn vắc-xin này đã hết và chỉ có sẵn 1.000 liều.

Nguồn vắc-xin đậu mùa khỉ của Thành phố New York đã tăng kể từ cuối tháng 6, nhưng vẫn còn rất chậm. Nguồn: The NY Times


Việc ngăn chặn vi-rút có thể còn khó khăn hơn ở các quốc gia có nguồn hạn chế hoặc không có nguồn cung cấp vắc xin và phương pháp điều trị. Không có khuôn khổ về tình trạng khẩn cấp toàn cầu, mỗi quốc gia phải tự tìm cách thực hiện các xét nghiệm, tiêm vắc-xin và tìm phương pháp điều trị, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia.


Theo các phân tích gen sơ bộ từ mẫu của người bị nhiễm, bộ gen của bệnh đậu mùa khỉ dường như có gần 50 đột biến kể từ năm 2018. Không rõ liệu các đột biến có làm thay đổi phương thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng hoặc các đặc điểm khác của vi-rút hay không, nhưng phân tích ban đầu cho thấy căn bệnh này có thể đã lây lan giữa người với người dễ dàng hơn so với trước năm 2018.


Huyền Anh (theo The New York Times)

Chia sẻ Facebook