WHO: Số ca Covid mới tăng gần 481% tại Đông Nam Á
Theo báo cáo định kỳ hàng tháng của WHO, số ca mắc Covid-19 ở Đông Nam Á trong 4 tuần qua cao hơn 481% so với cùng kỳ trước đó.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, ở cấp khu vực, số ca mắc mới trong 28 ngày (từ ngày 13/3 đến 9/4), đã giảm ở 4 trong 6 khu vực: châu Phi giảm 45%, Tây Thái Bình Dương giảm 39%, châu Mỹ giảm 33% và châu Âu giảm 22%.
Song con số này lại tăng ở 2 khu vực Đông Nam Á 481% và Đông Địa Trung Hải tăng 144%.
Theo WHO, trong 1 tháng qua, tổng cộng 3 triệu trường hợp mắc mới Covid-19 được ghi nhận trên thế giới và hơn 23 nghìn trường hợp tử vong do căn bệnh này. Xét trên toàn cầu, tỉ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan đến Covid-19 giảm.
Hiện chưa rõ biến thể nào gây tăng số ca nhiễm ở Đông Nam Á nhưng tại Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, nguyên nhân chủ yếu liên quan tới XBB.1.16 (hay còn gọi là Arcturus), biến thể của biến chủng Omicron. Loại biến thể này đã được phát hiện tại hơn 20 nước và hoành hành mạnh tại Ấn Độ.
Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ hôm 13/4 cho biết, nước này ghi nhận 10.158 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua. Theo cơ quan này, đây là số lượng trường hợp mắc Covid-19 vượt quá 10.000 người đầu tiên sau 223 ngày kể từ ngày 2/9/2022. Tổng số trường hợp mắc Covid-19 ở Ấn Độ là 40.215 ca, nâng tổng số trường hợp được ghi nhận tại quốc gia này lên 44.210.127.
Theo WHO, Arcturus là loại virus được phát hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 1/2023 và là sự tái kết hợp giữa 2 biến thể của biến chủng Omicron là BA.2.10.1 và BA.2.75.
WHO cho rằng, Arcturus có thêm một đột biến ở phần protein gai mà nhiều nghiên cứu ở phòng thí nghiệm chỉ ra đây chính là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ lây nhiễm cũng như tăng khả năng gây bệnh.
Arcturus có tỉ lệ lây nhiễm cao gần 1,2 lần so với biến thể XBB.1.5, theo nghiên cứu của Đại học Tokyo. Tuy nhiên, biến thể này không được đánh giá nghiêm trọng hơn loại XBB.1.5.
Ngoài làm gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới, các chuyên gia dịch tễ học nhận thấy các triệu chứng mới chưa từng có trong các đợt dịch trước đó. Đặc biệt là biến thể phụ mới làm lây nhiễm Covid-19 ở trẻ em.
Một số triệu chứng đã được ghi nhận ở biến thể mới này là sốt có chiều hướng tăng dần, kéo dài trong 1-2 ngày, đau đầu, đau người, khó chịu bụng và ngứa rát họng. Nhiều người bị nhiễm còn có tình trạng viêm kết mạc mắt.
Từ cuối tháng 1 tới nay, biến thể này được phát hiện tại hơn 20 quốc gia bao gồm Singapore, Mỹ, Anh, Canada và Australia. Tính đến thời điểm này, Việt Nam chưa phát hiện có ca nhiễm liên quan tới biến thể XBB.1.6.
Trong khi đó, tại Singapore, số ca mắc Covid-19 trong tuần cuối tháng 3 lên tới 28.000, tăng hơn gấp đôi so với con số 14.467 ca của một tuần trước đó.
Tại Indonesia số ca mắc Covid-19 cũng tăng lên trong những tháng gần đây khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, với số ca nhiễm hôm 12/4 lên tới 987 ca.
Hôm 13/4, Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo kêu gọi người dân tiêm liều tăng cường, dù nói rằng mức độ miễn dịch cao của đất nước giúp tình hình hiện tại “vẫn được kiểm soát tốt”.
Bên cạnh đó, các quốc gia như Bangladesh, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Iran,… cũng ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới. Trước châu Á, làn sóng Covid-19 này từng quét qua châu Âu nhưng hiện có xu hướng hạ nhiệt.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet , Giao Thông)