WHO nói chưa cần tiêm vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ trên diện rộng

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 01:43:52

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định rằng vẫn chưa cần đến biện pháp tiêm vắc-xin trên diện rộng trong bối cảnh bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát bên ngoài lãnh thổ châu Phi.

Bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh minh họa: Berkay Ataseven/Shutterstock)

Ông Richard Pebody, trưởng nhóm chuyên gia về mầm bệnh gây mối đe dọa cao của WHO châu Âu, cho biết các biện pháp phòng ngừa như giữ vệ sinh sạch sẽ và tình dục an toàn sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh. Ông cũng nói thêm rằng nguồn cung vắc-xin và thuốc kháng virus có sẵn đối với loại bệnh này hiện còn tương đối bị hạn chế.

Phát ngôn của ông được đưa ra sau khi giới chức y tế Mỹ đã ký một hợp đồng trị giá 119 triệu USD mua vắc-xin ngừa virus gây ra bệnh đậu mùa khỉ, sau khi một người đàn ông ở tiểu bang Massachusetts được chẩn đoán nhiễm loại virus hiếm gặp này từ đầu tuần.

Cụ thể, Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu Y sinh (BARDA) đã ký hợp đồng trên với công ty dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic vào ngày 18/5, trong đó mua khoảng 13 triệu liều vắc-xin Jynneos dạng đông khô.

Được biết, vắc-xin Jynneos vốn được dùng để phòng ngừa bệnh đậu mùa, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp loại vắc-xin này để phòng bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2019, vài tháng trước khi phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Trung Quốc.

Dẫu vậy, Bavarian Nordic thông báo các lô hàng đầu tiên của 13 triệu liều vắc-xin Jynneos sẽ không được giao trước năm 2023. Toàn bộ 13 triệu vắc-xin sẽ được giao cho phía Mỹ trong khoảng thời gian giữa năm 2024 và 2025 trong trường hợp BARDA đồng ý gia hạn hợp đồng.

Chính phủ Đức ngày 23/5 cũng cho hay nước này đang xem xét một số phương án tiêm chủng, trong khi Anh bắt đầu tiêm vắc-xin cho một số nhân viên y tế.

Giới chức y tế các nước tại châu Âu và Bắc Mỹ đang điều tra trên 100 ca nhiễm virus gây ra bệnh đậu mùa khỉ. Đây được coi là đợt dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay bùng phát ngoài châu Phi.

Theo ông Pebody, các biện pháp trước tiên nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan là truy vết và cách ly. Tuy nhiên, nhà chức trách cũng lưu ý đây không phải là một loại virus lây lan dễ dàng và cho đến nay nó cũng chưa gây ra tình trạng nghiêm trọng. Ông nói thêm vắc-xin được sử dụng để ngăn bệnh đậu mùa khỉ có thể gây ra một số tác dụng phụ đáng kể.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân nào dẫn đến bùng phát các ca mắc. Một giám đốc điều hành cấp cao của WHO ngày 23/5 khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy virus này đã bị đột biến.


Ông Pebody cho biết hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều không liên quan đến việc đi lại qua châu Phi. Một số cơ quan y tế nghi ngờ trong cộng đồng tồn tại mức độ lây lan nhất định. “Chúng ta chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng trôi” , ông nhấn mạnh.

Với tốc độ bùng phát và không rõ nguyên nhân gây ra dịch bệnh, ông Pebody lo ngại các sự kiện và những bữa tiệc lớn diễn ra trong mùa hè này có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều.


Phan Anh

Quốc gia đầu tiên yêu cầu cách ly người mắc bệnh đậu mùa khỉ Nhóm Đánh giá Rủi ro của Bỉ đã thông báo cách ly 21 ngày đối với những bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ, theo hãng tin RT.

Chia sẻ Facebook