WHO: ngành công nghiệp thuốc lá gây ô nhiễm khủng khiếp mà ít người biết

Chia sẻ Facebook
31/05/2022 07:32:40

Ngày 31-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết ngành công nghiệp thuốc lá là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta biết. Đây là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất thế giới.

Không chỉ tác động xấu đến sức khỏe, ngành công nghiệp thuốc lá gây ô nhiễm khủng khiếp mà ít người biết Ảnh: IMPERIAL.AC.UK

WHO cho rằng ngành công nghiệp thuốc lá đã góp phần gây ra tình trạng suy thoái rừng trên diện rộng, làm chuyển mục đích sử dụng của tài nguyên đất và nước khỏi sản xuất lương thực - đặc biệt ở các nước nghèo, thải ra chất thải nhựa, hóa chất và hàng triệu tấn carbon dioxide gây ô nhiễm.

Trong báo cáo nhân ngày Thế giới không thuốc lá, WHO kêu gọi ngành công nghiệp thuốc lá phải chịu trách nhiệm và chi trả cho việc làm sạch môi trường.

Báo cáo có tên: "Thuốc lá đầu độc hành tinh của chúng ta", đã đánh giá tác động của toàn bộ chuỗi sản xuất, từ trồng đến sản xuất các sản phẩm thuốc lá, tiêu thụ và thải bỏ.


Mặc dù tác động của thuốc lá với sức khỏe đã được ghi nhận trong nhiều thập kỷ và hút thuốc lá vẫn gây ra hơn tám triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, báo cáo mới tập trung vào những hậu quả môi trường của thuốc lá .

Ruediger Krech, Giám đốc WHO về tăng cường sức khỏe, nói với Hãng tin AFP, phát hiện mà báo cáo chỉ ra là rất khủng khiếp. Ông nhấn mạnh ngành công nghiệp thuốc lá là "một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất mà chúng ta biết".

Cụ thể, nó làm mất khoảng 600 triệu cây mỗi năm, trồng và sản xuất thuốc lá sử dụng 200.000 ha đất, 22 tỉ tấn nước hàng năm và thải ra khoảng 84 triệu tấn carbon dioxide.

Ngoài ra, "các sản phẩm thuốc lá là mặt hàng bị xả rác nhiều nhất trên hành tinh. Nó chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại, có thể xâm nhập vào môi trường khi bị thải bỏ", ông Krech nói.

Theo ông cứ mỗi một cái đầu lọc trong số khoảng 4,5 nghìn tỉ đầu lọc thuốc lá thải ra đại dương, sông ngòi, vỉa hè và bãi biển hàng năm có thể gây ô nhiễm 100 lít nước.

Có tới 1/4 tổng số nông dân trồng thuốc lá bị bệnh gọi là "thuốc lá xanh" - tình trạng ngộ độc do nicotine họ hấp thụ qua da.

Với những nông dân phải xử lý lá thuốc cả ngày, họ hấp thụ lượng nicotine tương đương hút 50 điếu thuốc mỗi ngày, ông Krech nói. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại khi có nhiều trẻ em cũng liên quan đến việc trồng thuốc lá.

Thuốc lá được trồng phần lớn ở các nước nghèo, nơi việc trồng loại cây này là sự đánh đổi với việc sản xuất lương thực thiết yếu. Trồng thuốc lá cũng gây suy thoái rừng toàn cầu với mức khoảng 5% và làm cạn kiệt các nguồn nước.

Chưa hết, quá trình chế biến và vận chuyển thuốc lá tạo ra tỉ lệ đáng kể trong lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu - tương đương với 1/5 lượng khí thải carbon của ngành hàng không toàn cầu. Các sản phẩm như thuốc lá điếu, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử cũng góp phần đáng kể vào việc tích tụ ô nhiễm nhựa.

Báo cáo của WHO cho biết các đầu lọc thuốc lá chứa vi nhựa - những mảnh nhựa nhỏ - được phát hiện ở mọi đại dương và - và là hình thái ô nhiễm nhựa cao thứ hai trên thế giới.

WHO nhấn mạnh không có bằng chứng chứng minh thuốc điếu đầu lọc mang lại bất kỳ lợi ích sức khỏe nào so với thuốc lá không đầu lọc. WHO kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới xem đầu lọc thuốc lá là đồ nhựa dùng một lần và xem xét cấm chúng.

Theo báo cáo, người đóng thuế trên khắp thế giới đã phải trả chi phí để dọn dẹp những gì mà ngành công nghiệp thuốc lá gây ra. Trung Quốc chi về khoảng 2,6 tỉ USD, Ấn Độ khoảng 766 triệu USD, Brazil, Đức trả khoảng 200 triệu USD mỗi năm để làm sạch rác của các sản phẩm thuốc lá.

WHO nhấn mạnh các quốc gia nên tuân theo nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền như ở Pháp và Tây Ban Nha. Theo ông Krech, ngành công nghiệp thuốc lá cần thực sự trả tiền cho mớ hỗn độn mà họ đang tạo ra.

'Nếu áp mức thuế suất tương đương hoặc tối thiểu bằng mức áp dụng thuốc lá thông thường thì ngân sách nhà nước tăng thu đáng kể vì mức thuế nhập khẩu thuốc lá điếu từ 100 - 135%, thuế tiêu thụ đặc biệt 75% và thuế giá trị gia tăng 10%'.

Chia sẻ Facebook