WHO đề ra chiến lược ứng phó với Covid-19 giai đoạn 2023-2025
Kế hoạch mới của WHO bổ sung mục tiêu “hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch Covid-19 một cách bền vững”.
Ngày 3/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố kế hoạch chiến lược ứng phó với Covid-19 cho giai đoạn 2023-2025, kế hoạch thứ 4 như vậy kể từ khi các trường hợp mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Chiến lược mới sẽ duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài.
Việc công bố này diễn ra trước thềm cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp về Covid-19 của WHO để quyết định liệu có nên duy trì mức cảnh báo tối đa đối với đại dịch Covid-19 hay không.
Cụ thể, trong thông cáo báo chí phát đi hôm 2/5 (giờ Việt Nam ), WHO cho biết cuối cuộc họp, Ủy ban khẩn cấp về Covid-19 sẽ tư vấn cho Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về việc liệu đại dịch Covid -19 có còn cấu thành Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay không.
PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO cho một dịch bệnh, được quy định từ năm 2007, cũng đã được áp dụng cho cúm đại dịch H1N1 năm 2009, Ebola (2 lần), Zika, bại liệt, đậu mùa khỉ. Hiện còn 3 PHEIC đang hoạt động là Covid-19, bại liệt, đậu mùa khỉ.
Việc WHO coi một dịch bệnh là PHEIC hay không có ảnh hưởng về mặt pháp lý đến các nước thành viên, bao gồm các khuyến nghị và quy định y tế, cũng như trách nhiệm san sẻ nguồn lực toàn cầu.
Chấm dứt PHEIC cũng là nền tảng để các quốc gia thành viên "hạ cấp" Covid -19, xem nó như một bệnh truyền nhiễm thông thường (dịch bệnh lưu hành) thay vì một đại dịch.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Người Lao Động)