WHO: Chưa có vắc-xin cụ thể để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Từ những ca bệnh đầu tiên tại Anh, đậu mùa khỉ dường như đang tạo thành làn sóng dịch bệnh mới với hơn 100 ca mắc và nghi mắc ở nhiều quốc gia chỉ sau vài tuần.
Theo WHO, hiện nay, chúng ta không có vắc-xin cụ thể phòng bệnh đậu mùa ở khỉ. Song, những dữ liệu hiện có cho thấy, những loại vắc-xin được sử dụng để tiêu diệt đậu mùa có thể chống lại đậu mùa khỉ lên tới 85%.
Tại châu Âu, giới chức y tế chấp thuận sử dụng thuốc kháng virus tecovirimat (hoặc Tpoxx) để điều trị bệnh đậu mùa khỉ, bệnh đậu mùa và bệnh đậu bò.
Đây cũng là loại được phê duyệt ở Mỹ nhưng chỉ để chữa đậu mùa. Trong các nghiên cứu trên động vật, tecovirimat làm tăng đáng kể tỉ lệ sống sót của động vật được tiêm liều rất cao bệnh đậu mùa khỉ.
Ngoài ra, vắc-xin Jynneos (còn được gọi là Imvanex và Imvamune), được chấp thuận ở Mỹ và châu Âu để ngăn ngừa bệnh đậu mùa ở khỉ và bệnh đậu mùa ở những người trên 18 tuổi.
Virus gây đậu mùa khỉ có thể lây lan qua tiếp xúc với quần áo, vật dụng của người mang trùng. Ở người với người, sự lây truyền chủ yếu qua các giọt bắn đường hô hấp. CDC nhận định, những giọt bắn này chỉ bay trong phạm vi ngắn nên "cần tiếp xúc trực tiếp lâu dài" mới nhiễm bệnh.
Ông Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, Vương quốc Anh, nhận định: "Đậu mùa khỉ có thể là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, tỉ lệ tử vong ở các đợt bùng phát khác là 1%. Những vụ dịch này thường xảy ra ở nơi có thu nhập thấp với khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe hạn chế".
Theo Giáo sư về y tế công cộng Jimmy Whitworth tại Trường Y học Nhiệt đới London, đợt bùng phát dịch bệnh ở Anh là “chưa từng có”. Tuy nhiên, nếu việc truy vết, cách ly và điều trị được thực hiện hiệu quả, nguy cơ lây truyền sẽ nhanh chóng được kiểm soát.
Ở các quốc gia có sẵn vắc-xin phòng bệnh đậu mùa, Cơ quan phòng ngừa và dịch bệnh châu Âu khuyến nghị nên cân nhắc việc tiêm chủng cho những người tiếp xúc gần có nguy cơ cao, sau khi đánh giá lợi ích-rủi ro. Và nếu có sẵn thuốc kháng virus, chúng cũng nên được xem xét để điều trị các trường hợp nghiêm trọng. Tại Anh, cơ quan y tế đã bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin cho một số nhân viên chăm sóc sức khỏe, cũng như những người tiếp xúc có nguy cơ khác. Trong khi tại Tây Ban Nha, tờ El País đưa tin, Bộ Y tế nước này đang chuẩn bị mua hàng nghìn liều thuốc để giúp ngăn chặn dịch bùng phát.
Sau khi phát hiện một ca bệnh vào tuần trước, Mỹ nhanh chóng mua 13 triệu liều vắc-xin đậu mùa Jynneos, sản phẩm được phê duyệt để chống lại loại virus này vào năm 2019.
Liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, ngày 23/5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đang theo dõi, giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa bệnh xâm nhập. Ngoài ra, Cục cũng phối hợp với WHO kịp thời cập nhật các thông tin về bệnh và các biện pháp ứng phó...
Trước đó, ngày 21/5, WHO kêu gọi các nước nâng cao ý thức phòng chống bệnh này trong bối cảnh phát hiện các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm ở nhiều nước và những trường hợp này đều chưa từng đến vùng dịch .
Quốc Tiệp (t/h)