Wall Street Journal: Mỹ chứng kiến một cuộc suy thoái kỳ lạ chưa từng có

Chia sẻ Facebook
10/07/2022 11:42:21

Kinh tế Mỹ đã trải qua 12 cuộc suy thoái kể từ Thế chiến II. Mỗi cuộc suy thoái đều có 2 điểm chung đó là sản lượng kinh tế sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Còn ở hiện tại, điều bất thường lại đang xảy ra.

Sản lượng kinh tế Mỹ giảm trong quý I và quý II có dấu hiệu tăng trở lại. Tuy nhiên, thị trường việc làm lại không quá căng thẳng khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4% vào tháng 12 năm ngoái xuống còn 3,6% vào tháng 5.

Đây là sự thay đổi lớn so với diễn biến của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và cũng là câu hỏi lớn cho những chuyên gia đang dự báo về suy thoái. Nếu Mỹ đang ở trong hoặc tiến đến gần suy thoái, thì đây là một thời kỳ rất kỳ lạ.

Sau những cuộc suy thoái trước đây, các nhà phân tích thường nhắc đến tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại, khi sản lượng kinh tế tăng nhưng chủ doanh nghiệp vẫn sa thải nhân sự. Nửa đầu năm 2022 lại là một hình ảnh ngược lại. Cuộc suy thoái "việc làm" diễn ra, sản lượng kinh tế giảm nhưng các doanh nghiệp liên tục tuyển dụng. Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu tình trạng này có đẩy kinh tế Mỹ rơi vào cuộc suy thoái toàn diện và sâu sắc hơn hay không. Song, ngày càng nhiều nhà kinh tế tin rằng điều đó sẽ xảy ra.


"Cuộc suy thoái không giống những gì từng xảy ra"

Một số công ty - đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, đã có những dấu hiệu cho thấy họ giảm quy mô tuyển dụng. Mặc dù vậy, thị trường việc làm vẫn ở trạng thái vững chắc.

Vào cuối tháng 6, 1,3 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, thấp hơn đáng kể so với 1,7 triệu người/tuần trong 3 năm trước. Số người nhận được hỗ trợ đạt mức cao nhất trong cuộc suy thoái 2007-2009 là 6,5 triệu và vượt 3 triệu người trong 2 cuộc suy thoái trước đó.

Gregory Mankiw - giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, cho biết: "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu một cuộc suy thoái xảy ra nhưng việc làm lại không sụt giảm nhiều." Ông cho biết nếu có, thì điều này có "gốc rễ" từ việc Fed nâng lãi suất. Theo Mankiw, "một cuộc suy thoái nhỏ" có thể là cần thiết để kiểm soát lạm phát.

Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) là "trọng tài" chính thức đánh giá về các cuộc suy thoái ở Mỹ. Nguyên tắc chung khi nền kinh tế suy thoái là GDP giảm 2 quý liên tiếp, nhưng đây lại không phải là quan điểm của NBER. Uỷ ban xác định chu kỳ kinh doanh gồm 8 thành viên của họ đánh giá một loạt các chỉ số hàng tháng và quý, bao gồm sản lượng, lợi nhuận, hoạt động sản xuất, doanh số kinh doanh và tỷ lệ việc làm.

Các chỉ báo này không phải lúc nào cũng có xu hướng di chuyển giống nhau. Năm 2001, sản lượng không giảm nhiều và GDP không giảm 2 quý liên tiếp, nhưng NBER vẫn đánh giá kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Năm 1960, thu nhập hộ gia đình được điều chỉnh theo lãi suất tăng lên và NBER cũng gọi đây là suy thoái.

Yếu tố được coi là "mẫu số chung" là tỷ lệ việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp ở cuộc suy thoái nào cũng tăng, khoảng 1,9 điểm phần trăm vào năm 1960 và 1961, cao nhất là 11,2 điểm phần trăm vào năm 2020. Mức tăng trung bình trong toàn bộ 12 cuộc suy thoái sau Thế chiến II là 3,5 điểm phần trăm. Mỹ không có cuộc suy thoái nào chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp dưới 6,1%.

Tỷ lệ việc làm mới hàng tháng cũng giảm trong mỗi cuộc suy thoái, thông thường khoảng 3%. Tuy nhiên, từ tháng 12 đến tháng 5, số lượng việc làm mới lại tăng 2,4 triệu, tương đương 1,6%.

Bối cảnh của thị trường việc làm Mỹ hiện đang được đánh giá là… không bình thường. Mỹ có 11 triệu việc làm chưa có nhân sự trong 6/7 tháng vừa qua, cao hơn 4 triệu việc làm so với mức thông thường trước Covid-19. Nói một cách khác, nhu cầu đối với người lao động đang là rất lớn.

Đồng thời, tình trạng khan hiếm lao động - một phần là do thế hệ baby boomer đến tuổi nghỉ hưu, khiến các doanh nghiệp không muốn sa thải các nhân sự hiện có. Quy mô lực lượng lao động Mỹ - ở mức 164,4 triệu người vào tháng 5, vẫn nhỏ hơn 1 chút so với 164,6 triệu người đang làm hoặc tìm việc trước đại dịch.

Robert Gordon - giáo sư kinh tế tại đại học Northwestern và thành viên của ủy ban chu kỳ kinh tế NBER, cho biết đây có thể là một tình huống trong đó các chỉ số khác suy thoái nhưng thị trường việc làm thì không, hoặc chỉ là "chưa bắt kịp" trong vài tháng.

Ngay cả những nhà kinh tế có quan điểm bi quan nhất cũng dự báo thị trường việc làm không sụt giảm quá nhanh trong những tháng tới. Khoảng 2/5 nhà kinh tế được WSJ khảo sát hồi tháng 6 cho biết, họ nhận thấy ít nhất 50% khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong năm tới, nhưng ít người cho rằng tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Họ dự báo tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,9% vào cuối năm nay và 4,6% vào cuối năm 2023. Nước Mỹ chưa từng suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp thấp đến vậy kể từ sau Thế chiến II.


"Muôn hình vạn trạng" suy thoái

Một số cuộc suy thoái sâu sắc và kéo dài, như năm 2007-2009, tỷ lệ thất nghiệp là 10%. Còn một số khác lại nông và không kéo dài như năm 2001 chỉ là 8 tháng. Trong khi đó, các cuộc suy thoái vào những năm 1950 và 1980 lại xảy ra liên tiếp, chỉ cách nhau một thời gian ngắn.

Mỗi cuộc suy thoái có một đặc điểm khác nhau. Đặc biệt, cuộc suy thoái năm 2020 không như bất kỳ điều gì lịch sử Mỹ từng ghi nhận, chỉ kéo dài 2 tháng và rất nghiêm trọng. Các doanh nghiệp đã cắt giảm 22 triệu việc làm trong thời gian này, cao hơn 14 lần so với thời gian 2 tháng thời kỳ hậu suy thoái.

Diễn biến này được coi là tiền đề cho sự xáo trộn xảy ra vào hơn 2 năm sau đó. Giới chức Washington đã hỗ trợ nền kinh tế bằng cách đưa ra những gói kích thích và thúc đẩy nhu cầu. Chuỗi cung ứng đứt gãy, trong khi nhu cầu tăng cao và nguồn cung không thể đáp ứng đã gây ra lạm phát cao hơn. Fed hiện đang nỗ lực kiểm soát bằng cách tăng lãi suất ngắn hạn.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp trước đó sản xuất quá nhiều so với nhu cầu, thì họ buộc phải cắt giảm lượng hàng tồn kho. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều hoạt động kinh doanh phải tạm nghỉ, như một số cuộc suy thoái trước đây.

Một yếu tố bất ổn khác là triển vọng đối với hoạt động xây dựng nhà. Đây là lĩnh vực rất nhạy cảm với diễn biến của lãi suất và là một trong những chỉ báo hàng đầu trong những đợt suy thoái trước đây. Hoạt động xây dựng nhà mới đã giảm 14% trong tháng 5, đà sụt giảm có thể kéo dài khi khi Fed tăng lãi suất.

Hầu hết các cuộc suy thoái ở Mỹ sau Thế chiến II đều có liên quan đến việc thị trường xây dựng nhà ở bị thu hẹp. Dẫu vậy, tác động đối với nền kinh tế ở lần này lại không quá căng thẳng như trước đây. Ví dụ, trong quý I, tổng chi tiêu đối với hoạt động xây nhà tại Mỹ thấp hơn 22% so với thời kỳ bùng nổ của thị trường nhà ở vào đầu những năm 2000.

Theo Bruce Kasman - nhà kinh tế của JPMorgan, tăng trưởng kinh tế giảm tốc và hoạt động tuyển dụng bị trì trệ sẽ tạo áp lực cho lợi nhuận và hiệu suất hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông không cho rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.

Kasman cho biết các doanh nghiệp đang "chìm" trong 4 nghìn tỷ USD tiền mặt, đây là con số kỷ lục. Ngoài ra, các hộ gia đình cũng có vị thế tài chính vững chắc. Vào cuối quý I, họ sở hữu khoảng 18,5 nghìn tỷ USD trong tài khoản ngân hàng, tiết kiệm và các quỹ MMF.


Tham khảo WSJ


Vu Lam

Nhịp sống kinh tế

Chia sẻ Facebook